Thứ Năm, 23/12/2021, 11:17 (GMT+7)
.

Nỗ lực khai thông tiêu thụ trái cây

(ABO) Trước những khó khăn do tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc, Tiền Giang đã và đang thực hiện nhiều giải pháp để khai thông hàng nông sản, nhất là trái cây.

Đánh giá chung của Sở Công thương cho biết, tình hình tiêu thụ nhiều loại trái cây như: Thanh long, mãng cầu xiêm, khóm, sầu riêng, bưởi da xanh… tiếp tục được cải thiện so với trong thời gian giãn cách xã hội (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) tuy nhiên giá vẫn còn thấp, như mít, thanh long, 2 loại trái cây này chủ yếu xuất sang Trung Quốc (theo các doanh nghiệp thu mua trái cây trên địa bàn tỉnh, hiện mít chủ yếu xuất khẩu tiểu ngạch sang thị trường Trung Quốc). 

Theo Sở Công hương tỉnh Tiền Giang, xuất khẩu hàng rau quả năm 2021 ước đạt 12.411 tấn với kim ngạch đạt hơn 26 triệu USD, giảm 1,28% về lượng và tăng 3,7% về trị giá. Thị trường xuất khẩu chủ yếu là EU (Hà Lan, Đức, Pháp...) chiếm hơn 43%; Hàn Quốc chiếm hơn 15%; Nhật Bản chiếm gần 15%, Hoa Kỳ chiếm hơn 7%; Trung Quốc chiếm hơn 2%... trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh. Rau quả xuất khẩu chủ yếu như: Xoài, thanh long, chôm chôm, mít…

Giá một số loại trái cây tại thời điểm hiện nay như sau: Thanh long ruột đỏ dao động từ 15.000 - 18.000 đồng/kg; khóm từ 6.000 - 7.000 đồng/kg; sầu riêng từ 60.000 - 70.000 đồng/kg; mãng cầu Xiêm từ 12.000 - 15.000 đồng/kg; bưởi da xanh từ 20.000 - 25.000 đồng/kg; chanh từ 6.000 - 8.000 đồng/kg; mít từ 6.000 - 9.000 đồng/kg; dừa uống nước từ 45.000 - 50.000 đồng/chục 12 trái…

Tiền Giang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ trái cây.
Tiền Giang tìm nhiều giải pháp hỗ trợ tiêu thụ trái cây.

Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, một trong những khó khăn trong việc tiêu thụ trái cây hiện nay là do tình hình thông quan tại các cửa khẩu phía Bắc gặp khó khăn, lượng xe tồn rất lớn, cụ thể như tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là 4.357 xe, trong khi năng lực thông quan xuất khẩu tại các cửa khẩu này chỉ đạt khoảng 300 - 400 xe/ngày, tương ứng với khoảng 10 - 15 ngày mới thông quan hết số xe đang tồn tại các cửa khẩu, nên trái cây tươi gặp khó khăn do thời gian bảo quản không được lâu, một số xe phải quay ra bán tháo, bán đỗ. Bên cạnh đó, trái cây của tỉnh Tiền Giang đang vào vụ thu hoạch sản lượng nhiều nên giá thấp.

Đồng chí Đặng Văn Tuấn cũng cho biết thêm, về phía tỉnh Tiền Giang, theo thông tin của một số doanh nghiệp xuất khẩu thanh long và mít trên địa bàn tỉnh, do phía Trung Quốc tăng cường áp dụng các biện pháp quản lý tại cửa khẩu biên giới nhằm phòng, chống dịch Covid-19 nên hiện lượng xe ùn tắc tại 3 khu vực cửa khẩu Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma là khoảng 25 - 30 xe thanh long và mít khoảng 7 - 10 xe.

Một trong những điểm đáng chú ý là xuất khẩu trái cây tươi gặp khó khăn do thời gian bảo quản ngắn; thiếu kho bảo quản nông sản và nhà máy sơ chế đối với một số loại trái cây thu hoạch vào mùa thuận, thời vụ với sản lượng thu hoạch rất lớn như thanh long, mít, xoài, khóm... chưa kể, do ảnh hưởng của tình hình dịch bệnh Covid-19 nên nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng giảm, các thương lái thu mua giảm, thiếu nhân công thu hoạch, thu mua và sơ chế; hệ thống kho lạnh chưa đáp ứng đủ nhu cầu về sản lượng để thu mua các loại nông sản vào vụ.

Trước tình hình hiện nay, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, trước tình hình xe chở nông sản ùn tắc tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma của tỉnh Lạng Sơn, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên liên hệ với Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn nắm bắt tình hình xuất nhập khẩu tại các cửa khẩu này và có Công văn đề nghị các cơ quan, đơn vị phối hợp thực hiện đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền để thông tin kịp thời cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh xuất khẩu nông sản, hiệp hội, nhà vườn, doanh nghiệp vận tải,... người dân được biết rộng rãi và chủ động trong việc đưa hàng xuất khẩu lên cửa khẩu.

Đồng thời, sở cũng khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, hạn chế đưa xe hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian này, đặc biệt là cửa khẩu Chi Ma và chấp hành tốt công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu; phối hợp với các ngành, địa phương nắm sát thông tin sản xuất và tiêu thụ nông sản, kịp thời giải quyết những khó khăn; tăng cường công tác xúc tiến thương mại, kết nối với các hệ thống phân phối trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ trái cây.

Bên cạnh đó, ngành Công thương sẽ tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền cho doanh nghiệp nắm rõ các Hiệp định thương mại tự do đã ký kết để doanh nghiệp nắm bắt được những ưu đãi mà Hiệp định mang lại cho xuất khẩu Việt Nam. Đối với hàng hóa nông, thủy sản tuyên truyền cho doanh nghiệp và nông dân hiểu rõ những quy định về hàng rào kỹ thuật để nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh hàng hóa nông, thủy sản của tỉnh; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu.

Tăng cường sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa để tận dụng tốt hơn những ưu đãi của Hiệp định Thương mại tự do mang lại; tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, hạn chế đưa xe hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian này, đặc biệt là cửa khẩu Chi Ma và chấp hành tốt công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu; tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) vào các thị trường có tham gia các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam là thành viên.

THÁI AN

.
.
Liên kết hữu ích
.