Thứ Bảy, 04/12/2021, 19:49 (GMT+7)
.

Nỗ lực vượt khó, 'bức tranh kinh tế' khởi sắc rõ nét

Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, không khoanh tay trước khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. Điều này góp phần làm nên những khởi sắc rõ nét của "bức tranh kinh tế" 11 tháng năm 2021, là cơ sở quan trọng để tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới.

a
Nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm.

Nhận định trên được nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm đưa ra khi trả lời phỏng vấn của Báo điện tử Chính phủ về kết quả kinh tế 11 tháng năm 2021, đồng thời dự báo, đề xuất giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro trong bối cảnh nhiều thách thức sắp tới.

Ông đánh giá như thế nào về những điểm sáng kinh tế 11 tháng qua? Những kết quả này có nghĩa như thế nào trong quá trình phục hồi kinh tế của nước ta?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Năm 2021, kinh tế nước ta có thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn, trong đó, sức chống chịu và nguồn lực của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân giảm sút. Tuy nhiên, 11 tháng qua, khu vực doanh nghiệp, hộ kinh doanh cá thể và các tổ chức kinh tế khác đã nỗ lực vượt qua những khó khăn, thách thức, vẽ nên bức tranh kinh tế với những khởi sắc rõ nét.

Cộng đồng doanh nghiệp năng động, linh hoạt, không khoanh tay trước những khó khăn, biến cố, vững tin vào sự điều hành linh hoạt, hiệu quả của Chính phủ, các địa phương và triển vọng kinh tế của đất nước. 11 tháng, cả nước đã có 105,6 nghìn doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bằng 83,3% số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng của năm 2019, năm mà kinh tế nước ta có sự phát triển vượt bậc, có số doanh nghiệp thành lập mới cao nhất của giai đoạn 2011-2020.

Bên cạnh các doanh nghiệp thành lập mới, còn có 40,5 nghìn doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, nâng tổng số doanh nghiệp thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong 11 tháng lên 146,1 nghìn doanh nghiệp. Khu vực doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, trong 11  tháng của năm 2021, chỉ số sản xuất công nghiệp ước tính tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn tốc độ tăng 3% của cùng kỳ năm 2020. Một số ngành công nghiệp trọng điểm và một số sản phẩm công nghiệp chủ lực đều có mức tăng cao.

Đáng chú ý, đầu tư nước ngoài vào Việt Nam là điểm sáng nổi bật của nền kinh tế. Mặc dù quý III, nền kinh tế bị chao đảo vì đại dịch nhưng trong 11 tháng của năm 2021, vốn đầu tư nước ngoài đổ vào Việt Nam đạt 26,46 tỷ USD và số vốn này được rót vào 18 lĩnh vực. Công nghiệp chế biến, chế tạo có vốn lên đến 12,78 tỷ USD, chiếm 57,9% tổng vốn đăng ký. Bức tranh kinh tế 11 tháng phản ánh ngành chế biến chế tạo phục vụ xuất khẩu là động lực chính, đây cũng là lĩnh vực dẫn đầu về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

Vị thế kinh tế Việt Nam trong thương mại quốc tế được củng cố và khẳng định qua thành tích về kim ngạch xuất khẩu hàng hoá 11 tháng năm sau luôn cao hơn năm trước. Trong bối cảnh đại dịch làm đứt gãy chuỗi cung ứng, nhiều doanh nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu gặp khó khăn về nguyên vật liệu đầu vào, phí vận chuyển và logistic tăng cao và thị trường tiêu thụ, kim ngạch xuất khẩu 11 tháng đạt 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020; trong đó kim ngạch xuất khẩu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đạt 220,68 tỷ USD, tăng 20%, chiếm 73,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế.

Trong 11 tháng, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước tính đạt 299,45 tỷ USD, tăng 27,5% so với cùng kỳ năm trước; trong đó nhập khẩu tư liệu sản xuất ước tính đạt 280,2 tỷ USD, tăng 27,9% và chiếm 93,6% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá - đây là nhóm hàng dùng trong sản xuất, tạo tăng trưởng cho nền kinh tế.

Bức tranh xuất, nhập khẩu hàng hoá 11 tháng của năm 2021 có bước chuyển ngoạn mục từ nhập siêu 3,7 tỷ USD của 9 tháng thành xuất siêu 225 triệu USD. Kết quả trong đầu tư trực tiếp nước ngoài và hoạt động xuất, nhập khẩu của nền kinh tế cho thấy các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Cộng đồng thế giới đánh giá Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong thúc đẩy thương mại quốc tế và cam kết mở rộng đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới.

Những điểm sáng của về sản xuất, đầu tư và thương mại quốc tế trong 11 tháng phản ánh nền kinh tế đang từng bước phục hồi, là cơ sở quan trọng, tạo đà tăng trưởng cao cho các năm tới.

Bên cạnh những kết quả đạt được, ông nhận định thế nào về những mặt hạn chế cần lưu ý, quan ngại như: Chăn nuôi gặp khó, nguy cơ lạm phát, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp trong nước vẫn còn rất khiêm tốn so với khối FDI,...?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Đại dịch COVID-19 đã gây muôn vàn khó khăn không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn cả vấn đề xã hội. Sản xuất trong nước bị đình đốn, trong 11 tháng của năm 2021 có 106,5 nhìn doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và đã hoàn tất thủ tục giải thể; trong đó có 54,4 nghìn doanh nghiệp rút lui vĩnh viễn khỏi nền kinh tế, chiếm 51,5% số doanh nghiệp thành lập mới trong 11 tháng của năm 2021. Điều này phản ánh khu vực doanh nghiệp có vai trò quan trọng trong tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm đã bị tổn thương nghiêm trọng trước những khó khăn của kinh tế thế giới và trong nước.

Giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, mới đạt 73,8% kế hoạch năm, giảm 8,7% so với cùng kỳ năm 2020. Đầu tư công có vai trò quan trọng đối với tăng trưởng kinh tế và giải quyết việc làm. Tuy vậy giải ngân vốn đầu tư công chậm bên cạnh nguyên nhân kinh tế như giá sắt thép, vật liệu xây lắp tăng cao, nhưng theo tôi, cơ bản vẫn do một số quy định chưa phù hợp và thiếu quyết liệt của một bộ phận cá nhân và tổ chức liên quan.

Ngoài ra, mặc dù kim ngạch xuất khẩu đạt con số ấn tượng, 299,67 tỷ USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2020, tuy vậy kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước chỉ đạt gần 79 tỷ USD, chiếm 26,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu và chỉ tăng 11,1% so với mức tăng 20% của khu vực FDI. Tôi cho rằng, nên thúc đẩy hơn nữa ngành kinh tế phụ trợ và liên kết chặt chẽ hiệu quả, thực chất hơn giữa khu vực kinh tế trong nước với khu vực FDI.

Bên cạnh đó, chăn nuôi gặp khó do giá vật tư nông nghiệp và thức ăn chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản tăng cao; dịch bệnh đối với chăn nuôi lợn và gia cầm diễn biến phức tạp; nhu cầu thị trường chưa phục hồi, giá sản phẩm đầu ra của nông nghiệp và thuỷ sản vẫn ở mức thấp. Nông nghiệp và thuỷ sản luôn là bệ đỡ trong những giai đoạn khó khăn của nền kinh tế cũng gặp không ít khó khăn trong năm 2021.

Một vấn đề nữa cần lưu tâm là áp lực lạm phát cao của năm 2022 đối với kinh tế nước ta đang hiện hữu. Giá nguyên vật liệu, hàng hoá và dịch vụ thế giới tăng cao; giá dầu thô sẽ còn tiếp tục tăng trong vài năm tới do nhu cầu tăng mạnh trong khi nguồn cung hạn chế và thị trường dầu thô sẽ phải trải qua thời kỳ thiếu hụt nguồn cung dài nhất trong nhiều thập kỷ qua. Thiếu hụt đầu tư thượng nguồn trong khai thác dầu trong khi nhu cầu ngày một tăng là một chỉ báo về giá dầu cao kéo dài trong ít nhất 1 năm tới.

Có thể nói, đại dịch COVID-19 đã gây sự dịch chuyển lớn lao động từ thành thị về nông thôn, từ các trung tâm kinh tế lớn về các tỉnh, dẫn tới quan hệ cung - cầu lao động bị mất cân đối cục bộ, nhất là những tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, nơi đã và đang bị tác động rất lớn bởi đại dịch. Cho dù có đủ vốn để tiến hành sản xuất kinh doanh, cộng đồng doanh nhân có linh hoạt, sáng tạo để thích ứng, nhưng thiếu hụt lao động cũng đang là thách thức rất lớn đến quá trình phục hồi kinh tế.

Vậy theo ông, trong bối cảnh được dự báo có nhiều thách thức như giá năng lượng tăng, vòng xoáy lạm phát, cầu của nền kinh tế có thể thay đổi bất thường, diễn biến dịch COVID-19 vẫn phức tạp..., cần có những giải pháp gì để ổn định kinh tế vĩ mô và hạn chế rủi ro cho quá trình phục hồi của nước ta?

Ông Nguyễn Bích Lâm: Trước tiên, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương cần khẩn trương hoàn thành tiêm vaccine cho toàn dân trong độ tuổi tiêm chủng để sớm đạt được tỷ lệ tiêm chủng miễn dịch cộng đồng; ưu tiên tiêm cho lực lượng lao động khu vực doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể để hai khu vực sản xuất này sớm quay lại sản xuất kinh doanh. Đồng thời, cần sớm sản xuất được vaccine và thuốc điều trị COVID -19 nhằm chủ động trong phòng, chống và điều trị đại dịch nguy hiểm này.

Cùng với đó, kết hợp hài hoà giữa chính sách tài khoá và tiền tệ, chú trọng đến chính sách tài khoá hỗ trợ doanh nghiệp và hộ kinh doanh cá thể vượt qua khó khăn. Sử dụng chính sách tiền tệ đúng liều lượng, hợp lý, không quá chú trọng vào chính sách tiền tệ để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng vì hỗ trợ tín dụng và hạ lãi xuất cho doanh nghiệp sẽ dẫn tới gia tăng lạm phát và rủi do cho hệ thống ngân hàng.

Một giải pháp không thể không nhắc đến là nâng cao năng lực giải ngân và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào các ngành, lĩnh vực then chốt, các vùng động lực, cực tăng trưởng, các dự án lớn, quan trọng của quốc gia, dự án kết nối liên vùng. Đặc biệt, phải nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công để tạo sự lan toả đến đầu tư tư nhân và khu vực FDI.

Ngoài những trọng tâm trên, chúng ta cũng cần tích cực và hiệu quả thế mạnh của các hiệp định thương mại đã ký nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động thương mại quốc tế, đẩy mạnh xuất khẩu, đồng thời tăng cường cơ hội thu hút và tận dụng dòng vốn FDI.

Đối với sản xuất kinh doanh, một trong nhưng yếu tố tiên quyết là chủ động chuẩn bị đầy đủ các điều kiện bảo đảm nguồn cung và lưu thông hàng hóa, giảm áp lực lạm phát. Đối với các mặt hàng thiếu hụt trong ngắn hạn cần có chính sách và giải pháp cắt giảm chi phí sản xuất, nhập khẩu kịp thời nguyên vật liệu; tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện có hành vi đầu cơ, tích trữ, thao túng giá.

Liên quan đến chuỗi cung ứng và thiếu hụt lao động, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp kịp thời hơn, thực hiện các giải pháp kết nối, bảo đảm nguồn cung lao động phù hợp cho người dân; tổ chức phối hợp, thông tin giữa các địa phương trong công tác hỗ trợ, tạo điều kiện để người lao động quay trở lại làm việc.

Bên cạnh đó, đào tạo lực lượng lao động, đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp đào tạo lại, tăng cường kỹ năng cho người lao động để lực lượng lao động đáp ứng được nhu cầu lao động trong quá trình cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng phù hợp với những thay đổi của thế giới do đại dịch COVID-19 tạo ra./.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

(Theo chinhphu.vn)


 

.
.
.