Thứ Ba, 07/12/2021, 11:00 (GMT+7)
.

Nông sản muốn "đi xa" phải an toàn

Mới đây, thị trường truyền thống Trung Quốc đã “siết lại” nhập khẩu nông sản từ Việt Nam. Đồng thời, các thị trường Mỹ, EU thắt chặt thêm các quy định an toàn thực phẩm, khiến cho nông sản Việt càng khó. Liệu ngành nông sản đem về hơn 3 tỷ USD mỗi năm cho nền kinh tế sẽ phải thay đổi như thế nào để thích ứng?

Hiệu quả từ đầu tư “sạch”

Vừa mới xuất khẩu hơn 20 tấn vú sữa sang thị trường Mỹ, ông Trần Quang Chiến, Chủ tịch HĐQT hợp tác xã (HTX) Vườn cây ăn trái Trường Khương A (Cần Thơ), vui mừng nói: “Hiện HTX có 45 thành viên, trong đó có 12 xã viên tổ chức sản xuất 17ha theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Đây cũng là năm thứ 2, HTX xuất khẩu thành công sang Mỹ”.

Sản xuất GlobalGAP phải đầu tư công nghệ, sử dụng phân bón hữu cơ nhưng bù lại sẽ giảm được lượng thuốc bảo vệ thực vật. So với sản xuất bình thường, chi phí sản xuất tiêu chuẩn GlobalGAP thấp hơn nhưng doanh thu cao hơn khoảng 30%.

Bên cạnh đó, sản xuất GlobalGAP giúp hệ sinh thái môi trường được tái tạo, hạn chế được rủi ro bệnh tật cho cây trồng. Không chỉ vậy, lợi thế “kép” là xây dựng được thương hiệu xuất khẩu và giá bán cao.

Tương tự, ngay cả trong đại dịch Covid-19, sầu riêng trồng theo tiêu chuẩn VietGap cũng đã liên tiếp xuất sang thị trường EU bằng đường hàng không. Ông Phan Thanh Bút, Giám đốc Công ty TNHH xuất khẩu Vạn Vạn Lợi tâm sự, sản phẩm trồng theo tiêu chuẩn VietGap bán rất tốt, có bao nhiêu xuất hết bấy nhiêu. Nếu nông dân trồng VietGap thì doanh nghiệp sẽ bao tiêu hết sản phẩm của vườn, mua giá cao.

“So với sản xuất truyền thống, sản phẩm VietGap bán thị trường trong nước có giá thành tăng 10%-15%, còn xuất khẩu tăng 35%”, ông Phan Thanh Bút cho biết.

a
Để sản xuất theo tiêu chuẩn xuất khẩu, nông dân thường phải đầu tư công nghệ, vật tư nông nghiệp, túi bọc sản phẩm

Bên cạnh vú sữa, sầu riêng, quy trình trồng thanh long theo tiêu chuẩn VietGap, GlobalGAP cũng đang được các cơ quan chức năng tập huấn cho nông dân ở nhiều địa phương như Bình Thuận, Đồng Nai và một số tỉnh ĐBSCL.

“Sau khi hay tin các nước tăng cường kiểm soát nông sản, chúng tôi đã triển khai các tiêu chuẩn đến nông dân. Không chỉ nhắm đến thị trường xuất khẩu, ngay cả thị trường trong nước cũng đang khắt khe hơn với nông sản”, ông Nguyễn Quốc Trịnh, Chủ tịch Hiệp hội Thanh long Long An, nhấn mạnh.

Đổi mới để tồn tại

Việc hội nhập sâu rộng đã giúp nông sản Việt Nam có rất nhiều cơ hội đến các thị trường mới. Chẳng hạn, EU nhập khoảng 35 tỷ EUR nông sản mỗi năm, trong khi Việt Nam chỉ mới xuất sang khoảng 130 triệu EUR, nên thị trường này còn rất lớn. Hay như trung bình mỗi năm Mỹ nhập khẩu 146 tỷ USD nông sản, trong đó Việt Nam xuất khẩu 2,1 tỷ USD sang Mỹ (bao gồm gỗ và sản phẩm chế biến từ gỗ).

Tuy nhiên, cũng giống như Trung Quốc, EU vừa ban hành những quy định liên quan tới việc tăng cường kiểm soát thực phẩm nhập khẩu vào thị trường này, tương lai sẽ hướng tới sản phẩm thân thiện môi trường. Do vậy, ngành nông sản Việt Nam bắt buộc phải đổi mới.

Thống kê từ Bộ NN-PTNT, Việt Nam mới chỉ có 1.700/18.000 HTX sản theo đạt tiêu chuẩn GAP, đây là tiêu chuẩn “sạch”, có thể bán trên toàn cầu. Bà Trần Thị Oanh Yến, Phó Viện trưởng Viện Cây ăn quả miền Nam, đánh giá, khó khăn đầu tiên là diện tích sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, không thể quy tụ để tạo thành “cánh đồng mẫu lớn”.

Cùng với đó, chi phí cho công nghệ để sản xuất sạch vẫn còn rất cao nên nông dân không thể tự đầu tư một lần. Do đó, nông dân cần phải tham gia HTX để liên kết với doanh nghiệp xuất khẩu tạo thành chuỗi mắt xích.

Đối với nhà nước, cần hoàn thiện chính sách đất đai theo hướng tích tụ đất đai để sản xuất với quy mô lớn, thay đổi chính sách khuyến khích đầu tư máy móc, công nghệ; đặc biệt, xây dựng chính sách vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, nhà nước cũng cần có thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, dự báo kịp thời.

Một vấn đề lo lắng cho sản xuất nông sản hiện nay là sử dụng thuốc bảo vệ thực vật quá mức cho phép. Theo thống kê, trung bình nông dân sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật là 8,3kg/ha, cao hơn rất nhiều so với các nước ASEAN, chỉ 2,1kg/ha.

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Giám đốc Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam, cho rằng, Việt Nam phải từng bước thay đổi, điều chỉnh quy trình sản xuất, áp dụng quy trình thực hành tốt để đáp ứng được các thị trường yêu cầu cao. Để thực hiện được vấn đề này, nhà nước cần có chính sách, chiến lược, liên kết vùng, các bộ ngành cùng hỗ trợ từ khoa học kỹ thuật, vốn, thuế, quản lý phun thuốc… và cần phải thực hiện đồng bộ mới mang lại hiệu quả.

Dưới góc nhìn của cơ quan quản lý nhà nước, TS Nguyễn Văn Việt, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN-PTNT), cho biết, hiện bộ đang hoàn thiện Chiến lược phát triển nông nghiệp giai đoạn 2021-2025, sẽ chuyển từ sản xuất theo số lượng sang nâng cao chất lượng, có giá trị gia tăng cao, phù hợp với biến đổi khí hậu để lựa chọn phát triển các sản phẩm phát huy lợi thế so sánh của từng địa phương, từng vùng và cả nước. Giải pháp đề ra, phải tăng cường nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ, tiết kiệm vật tư để tăng năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, hướng tới nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường.

Tiếp đó, việc tổ chức sản xuất phải chuyển từ “chuỗi liên kết cung ứng nông sản” sang phát triển “chuỗi liên kết giá trị”, chuyển từ mục tiêu “hỗ trợ kinh tế hộ” sang mục tiêu “hỗ trợ kinh tế tập thể” để nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của HTX nông nghiệp và hình thức hợp tác khác.

Chuyên gia Nguyễn Hữu Thiện đánh giá, sau thời gian thực hiện Nghị quyết 120 về Phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu, có thể thấy nông dân sản xuất thuận thiên, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón và không còn “vật lộn” với thiên nhiên, nhờ vậy, nâng cao được hiệu quả kinh tế và bền vững hơn, gìn giữ được những tài sản cốt lõi của ĐBSCL và phục hồi được tài nguyên thiên nhiên.

Theo sggp.org.vn
 



 

.
.
Liên kết hữu ích
.