Chủ Nhật, 12/12/2021, 12:34 (GMT+7)
.

Tạo sức bật cho thị trường cuối năm

Dịp cuối năm là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ.
Dịp cuối năm là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 tiếp tục tác động nặng nề tới kinh tế - xã hội, muốn thúc đẩy tăng trưởng, một trong các giải pháp quan trọng là tăng tổng cầu, đặc biệt kích cầu tiêu dùng nội địa.

Sức mua giảm sút

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 11 ước tính tăng 6,2% so với tháng trước. Tuy nhiên, do tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ trong những tháng trước đó ở mức thấp, tăng trưởng âm, do đó, tính chung 11 tháng năm 2021, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước tính giảm 8,7% so cùng kỳ năm trước. Trong khi trước đây, tổng mức bán lẻ trong nước hằng năm tăng trưởng 9-10%, luôn cao 1,5 lần GDP.

Theo đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), khó khăn lớn nhất hiện nay đối với tiêu thụ thị trường trong nước xuất phát từ thu nhập của người tiêu dùng sụt giảm do tác động của dịch Covid-19 khiến họ phải điều chỉnh hành vi tiêu dùng, dẫn đến tổng cầu suy giảm. Hơn nữa, trong quá trình phòng, chống dịch Covid-19, nhiều địa phương quá chú trọng ưu tiên các biện pháp phòng, chống dịch, chưa hài hòa với biện pháp phát triển kinh tế, dẫn tới lưu thông hàng hóa bị gián đoạn. Chính điều này làm đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hóa và chi phí sản phẩm hàng hóa tới tay người tiêu dùng bị đội lên...

Nâng tổng mức bán lẻ tiêu dùng nội địa

Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) vừa phát động Tháng khuyến mãi tập trung quốc gia 2021-Việt Nam Grand sale, dưới hình thức trực tiếp và trực tuyến, diễn ra từ ngày 1/12/2021 đến 1/1/2022 trên phạm vi toàn quốc. Hưởng ứng chương trình này, nhiều hệ thống phân phối bán lẻ đã chủ động nhập cuộc mạnh mẽ. Đơn cử như BRGMart đã huy động 79 siêu thị và cửa hàng thuộc hệ thống của mình triển khai đồng loạt nhiều chương trình khuyến mãi với hàng trăm mặt hàng được giảm giá với mức đến 50%.

Đối với Hà Nội, đại diện lãnh đạo Sở Công thương cho biết: Tháng 12 này, thành phố sẽ tiếp tục triển khai Tháng khuyến mãi Hà Nội 2021 với quy mô lên tới 1.000 điểm bán và 50 điểm vàng tại các hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố và nhiều hội chợ lớn nhỏ với các chương trình khuyến mãi tri ân khách hàng...

Trước đó, trong Tháng khuyến mãi tập trung được TP Hà Nội tổ chức tháng 11 vừa qua, Sở Công thương Hà Nội đã nhận được khoảng 40.000 thông báo khuyến mãi các doanh nghiệp triển khai trên địa bàn. Các sự kiện này đã thu hút gần 3.000 chương trình khuyến mãi, với giá trị khuyến mãi lên tới gần 20 nghìn tỷ đồng, tổ chức tại 200 doanh nghiệp với 2.000 điểm bán tại siêu thị, trung tâm thương mại.

TS Đinh Thị Mỹ Loan, Chủ tịch danh dự Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam chia sẻ: Dịp cuối năm là thời điểm tăng trưởng bứt phá của ngành dịch vụ bán lẻ, thông thường có thể chiếm đến 30% doanh số cả năm. Năm nay, có thể không đạt được con số này do tác động của đại dịch Covid-19, nhưng thị trường đã ghi nhận những điểm sáng về việc chi tiêu bắt đầu gia tăng.

Điểm đáng nói, các nhà bán lẻ tập trung khai thác tối đa nhu cầu của tất cả các phân khúc khách hàng. "Hiệp hội khuyến khích các nhà bán lẻ đẩy mạnh các kênh bán hàng trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt, và đưa ra các ý tưởng sáng tạo trong kinh doanh phù hợp với bối cảnh bình thường mới", bà Loan nhấn mạnh.

Các chuyên gia kinh tế cũng bày tỏ tin tưởng vào việc từng bước khôi phục lại phát triển kinh tế. Đặc biệt, khi Bộ Công thương phối hợp các ngành, các địa phương thực hiện một loạt các giải pháp kết nối cung cầu, kích cầu nội địa với sự tham gia của các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp bán lẻ... sẽ có sự bứt phá mạnh về tăng tổng mức bán lẻ.

Tuy nhiên, bên cạnh mức giá khuyến mãi ưu đãi cho khách hàng, các hệ thống bán lẻ, doanh nghiệp sản xuất cần phải chú trọng kiểm soát chặt chẽ chất lượng các mặt hàng khuyến mãi, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật... Cũng cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong việc hướng dẫn, kiểm soát các hoạt động khuyến mãi nhằm góp phần bảo đảm tính công khai, minh bạch, hiệu quả của chương trình cũng như quyền lợi của người tiêu dùng.

Nếu thực hiện tốt kích cầu tiêu thụ nội địa mùa cuối năm sẽ tạo đòn bẩy nâng tổng cầu cũng như nâng tổng mức bán lẻ tiêu dùng nội địa lên, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội, tạo nguồn lực cho năm 2022.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.