Thứ Tư, 08/12/2021, 10:13 (GMT+7)
.

Tiền Giang: Chủ động nguồn hàng phục vụ tết

Các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh đang chuẩn bị kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 nhằm hướng đến mục tiêu bình ổn thị trường, tránh biến động về giá.

Thông thường, vào dịp cuối năm, nhất là đến gần Tết Nguyên đán, nhu cầu tiêu thụ hàng hóa thiết yếu của người tiêu dùng tăng khá cao. Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao, kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa cũng được các ngành, đơn vị cung ứng tính toán.

Theo thông tin từ Sở Công thương, đến nay có 8 doanh nghiệp, HTX đã đăng ký chương trình dự trữ, cung ứng hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, bao gồm: HTX Thương mại - Dịch vụ Phường 1 - TP. Mỹ Tho, HTX Vĩnh Kim, Co.opmart Mỹ Tho, Co.opmart Gò Công, Co.opmart Cai Lậy, Công ty Lương thực Tiền Giang, Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hữu Thành Phát, Chi nhánh Công ty TNHH EB Tân Phú tại Mỹ Tho (đặt tại Trung tâm Thương mại Dịch vụ Go! Mỹ Tho).

Các đơn vị kinh doanh đang chuẩn bị kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Các đơn vị kinh doanh đang chuẩn bị kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Trên cơ sở đăng ký của các doanh nghiệp, HTX, Sở Công thương cũng đã dự thảo Kế hoạch trình UBND tỉnh về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, với tổng giá trị hàng hóa các loại hơn 401 tỷ đồng; trong đó, hàng hóa thiết yếu hơn 97 tỷ đồng (chủ yếu là gạo, đường, dầu ăn, bột nêm, thịt gia súc và gia cầm…).

Về chính sách hỗ trợ của tỉnh, Sở Công thương cũng đề nghị các doanh nghiệp, HTX tham gia dự trữ được xem xét vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh có xem xét ưu đãi về lãi suất (giảm từ 1,5% đến 2,5%/năm so với lãi suất thông thường) trong thời gian 4 tháng; tổng số tiền các doanh nghiệp, HTX đề nghị vay hơn 28,8 tỷ đồng, thời gian ưu đãi kể từ ngày bắt đầu giải ngân.

Trên thực tế, kế hoạch về dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán cũng đã được triển khai thực hiện nhiều năm và phát huy hiệu quả tích cực. Một trong những mục tiêu quan trọng trong việc thực hiện dự trữ, cung ứng hàng hóa thiết yếu là nhằm góp phần bình ổn thị trường, tránh biến động giá và đảm bảo được nhu cầu mua sắm của người dân.

Ngoài ra, những mặt hàng tiêu dùng khác như: Bánh mứt, lạp xưởng, nước giải khát… cũng đã được các doanh nghiệp, HTX chuẩn bị dự trữ phục vụ cho dịp tết sắp tới. Ngoài triển khai kế hoạch dự trữ, cung ứng hàng hóa, chương trình bán hàng bình ổn giá hướng vào mục tiêu Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam cũng sẽ được triển khai thực hiện, tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm chế biến có tính thiết yếu và nhu cầu sử dụng lớn như: Gạo, đường, dầu ăn, bộ ngọt, thịt gia súc, thịt gia cầm…

Trước đó, ngày 12-11 Bộ Công thương cũng ban hành Chỉ thị về thực hiện các giải pháp đảm bảo cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm 2021 và dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Theo đó, với phương châm không để thiếu hàng và “sốt giá” vào dịp cuối năm cũng như Tết Nguyên đán Nhâm Dần sắp tới, Bộ Công thương yêu cầu Sở Công thương các tỉnh, thành trực thuộc Trung ương theo dõi, đánh giá nguồn cung, nhu cầu hàng hóa; chủ động tham mưu UBND tỉnh các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa theo các cấp diễn biến của dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn.

Bên cạnh đó, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị phải có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ tiêu dùng của người dân trong trường hợp có dịch bệnh và tết; triển khai các biện pháp bình ổn thị trường theo quy định của pháp luật cũng như phối hợp với Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp sản xuất, phân phối hàng thiết yếu phục vụ tết với các tổ chức tín dụng trên địa bàn để tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường trước, trong và sau Tết Nguyên đán.

Ngoài ra, Bộ Công thương cũng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc có nhiệm vụ theo dõi sát diễn biến thị trường, giá cả các mặt hàng thiết yếu; đồng thời, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thuộc Bộ Công thương có liên quan đánh giá cung cầu các mặt hàng, nhất là các mặt hàng thực phẩm thiết yếu, vật tư nông nghiệp, năng lượng trong giai đoạn cuối năm 2021 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022…

A.P
 

.
.
.