Tìm giải pháp giảm ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn
(ABO) Để giảm ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu Lạng Sơn cần có sự góp sức của nhiều tỉnh, thành, nhất là đối với các địa phương có lượng hàng hóa xuất khẩu sang cửa khẩu này với số lượng lớn.
Theo Sở Công thương tỉnh Tiền Giang, ngày 16-12 Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn có Công văn 1877/SCT-QLTM về việc tiếp tục thông tin về tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Theo thông tin từ Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn, tổng lượng xe tồn tại 3 khu vực cửa khẩu: Hữu Nghị, Tân Thanh, Chi Ma đến sáng ngày 16-12 là 4.551 xe. So với lượng tồn ngày 10-12 là 4.000 xe, lượng tồn đã tăng lên 551 xe trong vòng 6 ngày. Mặt hàng tồn chủ yếu: Dưa hấu (tỉnh Quảng Ngãi), thanh long (tỉnh Bình Thuận), chuối xanh (tỉnh Tiền Giang), mít (tỉnh Đắk Lắk, Tiền Giang), xoài (tỉnh Bình Định)…
Hiện nay, tất cả các khu vực bến bãi đã quá tải, khó bố trí, sắp xếp được thêm (gồm cả khu vực tạm sử dụng), gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động xuất khẩu, chất lượng hàng hóa, tăng chi phí cho doanh nghiệp, tăng sức ép lên công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường tại các khu vực cửa khẩu.
Hàng hóa ùn ứ tại các cửa khẩu Lạng Sơn. Ảnh: NLD. |
Trước tình hình trên, bên cạnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Sở Công thương tỉnh Tiền Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang và Ủy ban nhân dân (UBND) các huyện, thị, thành tăng cường công tác thông tin về tình trạng ùn ứ, ách tắc tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; đặc biệt khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc, hạn chế đưa xe hàng xuất khẩu lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn trong thời gian này, đặc biệt là cửa khẩu Chi Ma và chấp hành tốt công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh tại khu vực cửa khẩu.
Bên cạnh đó, tăng cường giám sát, quản lý, đảm bảo các vùng trồng, vùng sản xuất hàng hóa xuất khẩu an toàn với dịch Covid-19, đảm bảo chất lượng sản phẩm, công tác thu hoạch, đóng gói, bảo quản, vận chuyển hàng hóa được thực hiện theo đúng quy định và yêu cầu của thị trường nhập khẩu; kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa là hoa quả phải bảo quản trong container lạnh trong quá trình vận chuyển nhằm hạn chế nguy cơ virus SARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài bao bì các sản phẩm đông lạnh.
Trước đó, trước tình hình ùn ứ số lượng lớn xe chở hàng nông sản xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà đã đi kiểm tra tình hình thực tế xuất nhập khẩu hàng hóa, điều tiết phân luồn, sắp xếp phương tiện tại bến bãi trong khu vực cửa khẩu và chỉ đạo các giải pháp để giảm ùn ứ tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn. Theo báo cáo, từ ngày 15-12, bình quân trong vài ngày trở lại đây cửa khẩu Tân Thanh xuất được 200 xe/ngày. Các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh hiện chỉ xuất được 350 - 400 xe/ngày. Trong các bến, bãi đang tồn hơn 4.304 xe. Tại thời điểm kiểm tra, các bến bãi đã chật cứng, trong vài ngày tới với lưu lượng mỗi ngày có từ 600 - 800 xe tiếp tục dồn lên các cửa khẩu, thì lượng xe và thời gian xếp hàng chờ thông quan sẽ tiếp tục tăng lên, gây áp lực lớn cho hạ tầng bến bãi, công tác phòng chống dịch, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự.
Nguyên nhân lượng xe thông quan hàng ngày giảm là do phía Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng chống dịch ở mức cao hơn, thay đổi thương thức giao nhận hàng hoá và cũng có khả năng sẽ hạn chế hoặc tạm dừng nhập khẩu để phòng chống dịch Covid-19 ít ngày trong trường hợp cần thiết. Lượng phương tiện chở hàng hoá hàng ngày lên cửa khẩu vượt quá khả năng thông quan của hai bên, dẫn đến xe tồn nhiều. Nhất là thời điểm hiện nay nông sản ở các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch, nhu cầu tiêu dùng dịp lễ, tết của thị trường Trung Quốc tăng cao; phía Trung Quốc tạm dừng nhập nông sản ở một số cửa khẩu tại các tỉnh khác khiến lượng hàng hoá tập trung về các cửa khẩu tỉnh Lạng Sơn tăng cao hơn.
Sau khi kiểm tra thực tế, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Đoàn Thu Hà cũng đề nghị UBND các tỉnh, thành phố có hàng hóa nông sản xuất khẩu qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu, kinh doanh dịch vụ vận tải, các hiệp hội… cân nhắc khi xuất khẩu hàng hoá qua các cửa khẩu trên địa bàn Lạng Sơn, nhằm hạn chế tình trạng ùn ứ, ách tắc cục bộ và tăng thời gian, chi phí cho doanh nghiệp; thành lập Tổ công tác của tỉnh để xây dựng phương án, kế hoạch điều tiết hàng hóa xuất khẩu nhằm thúc đẩy, hỗ trợ hiệu quả hoạt động xuất khẩu nông sản của tỉnh và gửi đầu mối thông tin của Tổ công tác tới UBND tỉnh Lạng Sơn (qua Sở Công thương) để phối hợp thực hiện; chỉ đạo Sở Công thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nắm thông tin các cơ sở thu mua, sản xuất, đóng gói, sơ chế hàng hóa nông sản xuất khẩu (về mặt hàng, sản lượng, kế hoạch xuất khẩu, khó khăn, vướng mắc,…); kiểm soát chặt chẽ đối với hàng hóa là hoa quả phải bảo quản trong container lạnh trong quá trình vận chuyển nhằm hạn chế nguy cơ virus SARS-CoV-2 tồn tại bên ngoài bao bì các sản phẩm lạnh, ảnh hưởng tới hàng hóa bảo quản lạnh xuất khẩu; phối hợp với các hiệp hội ngành hàng nắm thông tin, tình hình thực tế tại các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn và khuyến cáo kịp thời để các doanh nghiệp chủ động thực hiện hoạt động xuất khẩu; điều tiết từ sớm, từ xa hàng hoá và phương tiện lên các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn một cách hợp lý, hiệu quả.
NHÓM PVKT