Thứ Năm, 23/12/2021, 20:16 (GMT+7)
.

Từ "1 cung đường, 2 điểm đến": Tiền Giang hoàn thành dự án điện gió đầu tiên

Gần nửa năm, toàn hệ thống chính trị của Tiền Giang tập trung vượt qua tâm dịch Covid-19, trở về trạng thái bình thường mới, nỗ lực phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, bên cạnh kết quả chung, việc không để “đứt gãy” thi công các dự án “ngàn tỷ”; trong đó, có Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông II là kết quả sự sáng tạo, quyết đoán của lãnh đạo tỉnh.

Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi kỹ sư, công nhân thi công trên biển làm việc theo phương án “3 tại chỗ”. Ảnh: TRỌNG ĐẠT
Lãnh đạo UBND tỉnh thăm hỏi kỹ sư, công nhân thi công trên biển làm việc theo phương án “3 tại chỗ” tại Dự án Nhà máy Điện gió Tân Phú Đông II. Ảnh: TRỌNG ĐẠT

Trong bối cảnh dịch bùng phát, lan rộng trong cả nước, nhất là vùng phía Nam vào thời điểm giữa năm, bài toán khó đặt ra với lãnh đạo Tiền Giang lúc đó là dừng hay không Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông II, khi nơi đây có hàng trăm công nhân đến từ các địa phương, vùng miền khác nhau, rất khó cho công tác theo dõi, quản lý, kể cả việc đưa người lao động đến các điểm thi công.

ĐỂ DỰ ÁN KHÔNG BỊ “ĐỨT GÃY’

Dự án Nhà máy điện gió Tân Phú Đông II triển khai tại khu vực biển thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông), có quy mô vốn đầu tư 2.242 tỷ đồng, công suất thiết kế 50 MW, cung cấp trên 153 GWh/năm cho khoảng 25.000 hộ gia đình. Dự án khởi công từ tháng 1-2021, được kỳ vọng là một trong những dự án tạo khí thế trong triển khai các khâu đột phá trong năm đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh (2020 - 2025).

Đây là dự án động lực, tạo đà thu hút đầu tư phát triển vùng biển Gò Công nói riêng, khu vực kinh tế biển tỉnh Tiền Giang nói chung. Dự án triển khai thuận lợi, chủ đầu tư cố gắng đẩy nhanh thi công với quyết tâm hoàn thành tiến độ theo cam kết. Làm sao để không “đứt gãy” thi công dự án là một trong những quyết định khó khăn của lãnh đạo tỉnh lúc bấy giờ.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh, việc quyết định tiếp tục triển khai dự án là một trong những quyết định táo bạo nhưng “đã hết sức cân nhắc, cẩn trọng, tính toán đến từng chi tiết nhỏ, từng khả năng có thể xảy ra…”.

Bởi thời điểm này, khái niệm “1 cung đường, 2 điểm đến”, mô hình “3 tại chỗ… chưa chính thức phổ biến rộng rãi. Từ đó cho thấy, tư duy dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm đã thể hiện ngay trong các đồng chí lãnh đạo tỉnh tại thời điểm khó khăn, nan giải trong bối cảnh “chống dịch như chống giặc” này.

Văn phòng UBND tỉnh cho biết, để duy trì tiến độ thi công dự án, Chủ tịch UBND tỉnh giao Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ trì, phối hợp cùng UBND huyện Gò Công Đông và TX. Gò Công tập trung toàn bộ số công nhân thi công dự án vào khu trường học được trưng dụng làm khu cách ly. Hằng ngày, dự án có xe đưa đón đi đến nơi làm việc và về lại chỗ ở, không tiếp xúc với bên ngoài. Việc cung cấp thực phẩm cũng đưa vào quy trình quản lý chặt chẽ...

Cách làm này được ông Hà Quốc Kiệt, Giám đốc Dự án cụ thể hóa như sau: Dự án có 461 lao động tham gia quản lý, thi công, một phần lực lượng này bố trí tập trung tại 2 trường học trên địa bàn huyện Gò Công Đông.

Trước khi vào ở tập trung, tất cả đều được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 bằng kỹ thuật RT-PCR. Riêng khu vực thi công trên biển, doanh nghiệp thực hiện theo phương án “3 tại chỗ”, ở tập trung trên các sà lan, lực lượng hậu cần khi mang thực phẩm đến đều phải giữ khoảng cách với bộ phận làm việc trên biển. Toàn bộ lao động đều được xét nghiệm 3 ngày/lần...

“TRÁI NGỌT”

Diễn biến dịch Covid-19 tiếp theo đã cho thấy quyết định của tỉnh là đúng đắn. Dù không lâu sau đó, giữa tháng 7-2021, 11/11 địa phương trong toàn tỉnh đều có ca nhiễm Covid-19, tỉnh là địa phương “nguy cơ rất cao” (vùng đỏ), nhưng chỉ tính từ sau khi triển khai “mô hình”, lãnh đạo UBND tỉnh đã đến kiểm tra 2 lần (ngày 4-8 và 11-9), mỗi lần đến đều thấy khối lượng công việc tiến triển rất tốt, đảm bảo an toàn cả về an toàn lao động trên biển và đất liền lẫn an toàn phòng dịch.

Không dừng lại ở đó, trong thời điểm khó khăn về đi lại do thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh đã cùng gỡ khó cho doanh nghiệp trong việc giúp tăng cường chuyên gia, kỹ sư nước ngoài và công nhân chuyên môn kỹ thuật vào tỉnh, kể cả việc cung ứng trang thiết bị để không làm gián đoạn tiến độ thi công...

Nhờ đó cùng sự nỗ lực chung, ngày 15-10, chủ đầu tư, tổng thầu và các đơn vị liên quan đã đóng điện thành công, an toàn trạm biến áp 110 kV; đến ngày 1-11-2021, dự án đã chính thức hoàn thành, đi vào vận hành đúng tiến độ đề ra.

QUỐC ANH

.
.
.