Chuyện về một "Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021"
Làm theo lời người xưa: “Muốn giàu nuôi cá, muốn khá nuôi heo”, ông Phan Văn Mật (ấp Đông, xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) đã phát triển mô hình nuôi cá vươn lên làm giàu, nhiều năm liền là nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi. Đặc biệt năm 2021, ông được Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tôn vinh và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2021”.
Với 7.000 m2 đất nông nghiệp, sau nhiều năm vất vả trồng trọt nhưng vẫn không khá lên, ông Phan Văn Mật quyết định chuyển sang nuôi cá. Năm 1990, ông bắt đầu thả nuôi cá tra, cá rô phi trên diện tích 1.000 m2. Ban đầu, ông chủ yếu nuôi cá để cải thiện bữa ăn hằng ngày, còn dư mang ra chợ bán kiếm thêm thu nhập. Tuy lúc đầu chưa có nhiều kinh nghiệm, nhưng thu nhập từ nuôi cá cho thấy khả quan.
Sau đó, ông Mật mở rộng diện tích nuôi lên thêm 3.000 m2. Nhờ nắm vững kỹ thuật nuôi nên mô hình nuôi cá của ông đạt năng suất khá cao. Từ đó, ông Mật được Trung tâm Khuyến ngư Tiền Giang giới thiệu Dự án Sông Mê Kông đầu tư vốn, hỗ trợ con giống thực hiện mô hình Nuôi cá sinh sản nhân tạo.
Ông Mật được chọn làm thí điểm sản xuất ươm giống cá rô đồng và cá sặc rằn. Thông qua mô hình thí điểm, ông Mật nghiên cứu tạo ra nguồn cá giống (ươm cá bột) cung ứng cho nhiều hộ nuôi thủy sản trong và ngoài tỉnh.
Đến năm 2000, phong trào ươm cá bột từ cá rô đồng và cá sặc rằn phát triển mạnh, giá cá giống không còn cao như trước, ông Mật quyết định tìm hướng đi mới, chuyển dần sang nuôi cá thương phẩm.
Qua tìm hiểu các mô hình nuôi cá từ sách, báo, ông Mật nảy ra ý tưởng thử nghiệm nuôi các loài cá hiếm, ít người nuôi. Nghĩ là làm, năm 2007, ông ngược xuôi tìm mua các giống cá có giá trị kinh tế cao như: Cá tra dầu, cá hô, cá vồ đém, cá lóc bông...
Ông Mật cho biết: “Việc tìm mua các loại cá này rất khó, lựa chọn được con giống mua càng khó hơn; trong đó, cá tra dầu rất khó tìm mua ở Việt Nam, phải qua tận Thái Lan nhập cá giống về. Quá trình vận chuyển giống cá này về ao nuôi thất thoát rất nhiều, có khi đến 50%.
Cùng với đó, để tìm hiểu tập tính và môi trường sinh sống của những loại cá này, tôi phải mày mò thử nghiệm, trải qua nhiều lần thất bại; tốn nhiều thời gian, tiền bạc mới thu lại kết quả như hôm nay”.
Đến nay, gia đình ông Mật có 1 ha nuôi thủy sản và 8 ha đất thuê nuôi thủy sản với một số hộ dân ở Đồng Tháp. Hiện các loại cá tra dầu, cá hô, cá vồ đém, cá lóc bông do ông nuôi được xuất bán cho các nhà hàng tại TP. Hồ Chí Minh, các thương lái trong và ngoài tỉnh.
Với nguồn cung các loại cá này ít, giá bán cao, nên nuôi các loại cá này cho hiệu quả kinh tế khá cao. Mỗi năm gia đình ông Mật xuất bán 15 - 20 tấn cá thương phẩm các loại, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, với diện tích 6.000 m2 đất trồng nhãn giúp gia đình ông mỗi năm thu lợi khoảng 70 triệu đồng.
Bên cạnh làm kinh tế giỏi, ông Mật còn là Chi hội phó Chi hội Nông dân ấp Đông (xã Long Định); tích cực tham gia các phong trào, hoạt động do địa phương phát động; giúp nhiều hộ vươn lên làm giàu.
Qua phong trào “Nông dân chung sức xây dựng nông thôn mới” do chính quyền và HND xã phát động, gia đình ông Mật đã tự nguyện đóng góp cá giống cho các hộ nghèo trong xã trị giá trên 100 triệu đồng; đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật nuôi cá, cách làm hay, nhiều người áp dụng mang lại hiệu quả.
“Hằng năm, tôi đều đăng ký tham gia phong trào “Nông dân thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi” do chính quyền và HND các cấp phát động, nhằm đoàn kết giúp nhau xóa khó giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương” - ông Mật cho biết.
LÊ MINH