Chủ Nhật, 09/01/2022, 20:02 (GMT+7)
.

Cường quốc xuất khẩu gạo, nhưng thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu

Việt Nam là cường quốc về lúa gạo khi đứng thứ 6 thế giới về sản xuất và thứ ba về xuất khẩu. Thế nhưng, ngành lúa gạo Việt Nam lại thiếu vắng các sản phẩm chế biến sâu- vốn là tiền đề để chứng nhận sản phẩm OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm).

Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng đang thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu. Trong ảnh là một gian hàng trưng bày tại Festival lúa gạo lần V tại Vĩnh Long. Ảnh: Trung Chánh
Việt Nam là cường quốc xuất khẩu gạo nhưng đang thiếu vắng sản phẩm chế biến sâu. Trong ảnh là một gian hàng trưng bày tại Festival lúa gạo lần V tại Vĩnh Long.

Tại hội thảo “Sản phẩm OCOP và phát triển ngành hàng lúa gạo” diễn ra vào hôm nay, 8-1, trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam lần V tại tỉnh Vĩnh Long, ông Lê Thanh Tùng, Phó cục trưởng Cục trồng trọt nhấn mạnh, Việt Nam là quốc gia nằm top đầu thế giới về sản xuất và xuất khẩu gạo.

Theo ông Tùng, trong số 50 quốc gia sản xuất lúa gạo trên thế giới với sản lượng khoảng 550 triệu tấn mỗi năm, thì có 10 quốc gia sản xuất lớn nhất, bao gồm Ấn Độ, Trung Quốc, Bangladesh, Indonesia, Thái Lan…, trong đó, Việc Nam đứng thứ 6 với sản lượng cung cấp hàng năm khoảng 45 triệu tấn lúa.

Còn về thương mại gạo thế giới, hàng năm có trên dưới 50 triệu tấn, trong đó, Việt Nam cũng là quốc gia xuất khẩu gạo đứng thứ ba thế giới, sau Ấn Độ và Thái Lan với khối lượng xuất khẩu trên dưới 6 triệu tấn mỗi năm.

Dù là cường quốc về sản xuất và xuất khẩu gạo của thế giới, nhưng sản phẩm chế biến sâu- vốn là tiền đề để đạt chứng nhận OCOP- từ ngành lúa gạo cũng chỉ dừng lại ở các loại sản phẩm gạo thơm, gạo đặc sản như: Nàng Thơm Chợ Đào hay ST25, thiếu vắng những sản phẩm chế biến sâu.

Ông Trần Thế Như Hiệp, Phó viện trưởng Viện khoa học và công nghệ Mekong Cần Thơ cho biết, cả nước có 4.759 sản phẩm OCOP được công nhận đạt 3 sao trở lên. Trong đó, Đồng bằng sông Hồng có 1.759 sản phẩm (chiếm 37,16%); miền núi phía Bắc chiếm 20,56%; Đồng bằng sông Cửu Long chiếm 15%; Đông Nam bộ có 88 sản phẩm (chiếm 1,85%). Trong đó, sản phẩm đạt 3 sao chiếm 62,05%; 4 sao chiếm 36,2% và sản phẩm tiềm năng 5 sao chiếm 1,72%.

Về cơ cấu sản phẩm theo nhóm, theo ông Hiệp, có 3.789 sản phẩm (chiếm 80%) thuộc nhóm thực phẩm; 8,8% thuộc nhóm lưu niệm, nội thất và trang trí; 6,3% thuộc nhóm đồ uống và còn lại là các sản phẩm khác.

Ông Tùng cho rằng, trong khi Việt Nam thiếu vắng sản phẩm đi vào chế biến sâu từ gạo, thì các nước đã tạo ra rất nhiều sản phẩm khác, giúp nâng cao thu nhập người dân. “Có nhiều sản phẩm chế biến sâu từ gạo, thì nó mới có thể tạo ra được nhiều sản phẩm OCOP, ở nhiều cấp độ sao khác nhau”, ông cho biết.

Theo ông Tùng, sản phẩm từ gạo như nước uống từ gạo, xà bông, son môi…, đã được Thái Lan sản xuất, bày bán rất nhiều. “Đi tới chỗ tham quan cánh đồng lúa gạo của Thái Lan, thì họ chỉ bán một ít gạo thôi, nhưng có đến khoảng 30 sản phẩm kèm theo được sản xuất từ gạo”, ông cho biết.

Chính vì vậy, theo ông Tùng, cần phải đẩy mạnh và khai thác sản phẩm chế biến sâu từ gạo để nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Ông Nguyễn Văn Liệt, Phó chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long, Trưởng ban tổ chức Festival lúa gạo Việt Nam lần 5 nhấn mạnh, chương trình OCOP là giải pháp phát triển kinh tế nông thôn hiệu quả, tạo động lực trong xây dựng nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Hiệp thì cho rằng, chương trình OCOP nếu phát triển đúng sẽ góp rất quan trọng vào phát triển GDP của các địa phương; giải quyết chuỗi liên kết sản phẩm không riêng ngành hàng lúa gạo, mà còn ở các ngành nông nghiệp khác; giúp giải quyết việc làm ở địa phương, nâng cao thương hiệu cho sản phẩm…

Trước bối cảnh hội nhập, đời sống kinh tế của người dân được nâng cao, theo ông Hiệp, một mặt đòi hỏi chất lượng sản phẩm cũng phải được nâng lên, thì cần đẩy mạnh hỗ trợ xúc tiến thương mại cả trong và ngoài nước. “Nếu thực hiện đúng và tốt sẽ góp phần phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân”, ông Hiệp nhấn mạnh.

(Theo thesaigontimes.vn)

.
.
.