.

Điều tiết lượng hàng, giảm thiểu ùn ứ nông sản

Cập nhật: 10:05, 03/01/2022 (GMT+7)

Tình trạng ùn ứ hàng hóa tại các cửa khẩu phía Bắc đã tác động trực tiếp đến giá nhiều loại nông, thủy sản của nhiều tỉnh, thành trong cả nước; trong đó có nhiều sản phẩm của Tiền Giang.

Thu mua thanh long tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát.
Thu mua thanh long tại Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát.

Mít Thái, thanh long là những loại nông sản chịu tác động mạnh nhất trong những ngày cuối năm 2021, với mức giá xuống khá thấp.

1. Thanh long là một trong những loại nông sản được cho là chịu tác động trực tiếp khi các cửa khẩu phía Bắc bị ùn ứ hàng hóa. Trao đổi với chúng tôi vào sáng 2-1, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Trung Quý cho biết, những ngày gần đây thanh long không xuất hàng được, dẫn đến giá giảm khá sâu, hiện giá mua tại vườn chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, giảm hơn 10.000 đồng/kg.

Chưa kể, lượng hàng tiêu thụ cũng giảm theo, hiện một số kho thu mua thanh long trong khu vực tạm ngưng, một số kho thu mua cầm chừng với số lượng ít. Hiện nay, thanh long trên địa bàn huyện chủ yếu là xông đèn nên sản lượng cũng rải đều, nhưng lượng hàng ngoài đồng còn nhiều do ai cũng chuẩn bị hàng tết. “Hiện nay, các đơn vị cung ứng chủ yếu bán kênh trong nước nên lượng tiêu thụ không lớn. HTX hiện cũng chỉ thu mua thanh long để cung ứng cho các nhà máy chế biến” - anh Nguyễn Trung Quý cho biết thêm.

Thông tin diễn biến thị trường cho thấy, giá thanh long ruột trắng dao động từ 18.000 - 19.000 đồng/kg trong ít ngày trước, nhưng đến ngày 31-12-2021 chỉ còn 7.000 - 8.000 đồng/kg. Tại Diễn đàn Kết nối sản xuất, chế biến và thúc đẩy thị trường nội địa do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) tổ chức trực tuyến ngày 31-12-2021, nhiều địa phương Long An, Bình Thuận cũng bày tỏ đang gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ thanh long.

Hiện nay, tiêu thụ thanh long Bình Thuận đang gặp nhiều khó khăn do xuất khẩu chủ yếu sang Trung Quốc, mà phần lớn là đi qua đường tiểu ngạch. Theo đánh giá chung, tình trạng ùn ứ nông sản ở cửa khẩu biên giới phía Bắc còn căng thẳng. Các chính sách xuất nhập khẩu sắp tới của Trung Quốc cho thấy một tháng tiếp theo mặt hàng thanh long gần như không thể đi qua thị trường nước này, khiến giá thanh long đang sụt giảm mạnh.

Ông Huỳnh Nguyên Anh chăm sóc vườn cây ăn trái.
Ông Huỳnh Nguyên Anh chăm sóc vườn cây ăn trái.

Không chỉ thanh long, mít Thái cũng là một trong những nhóm có mức giá xuống thấp trong thời gian gần đây. Ông Huỳnh Nguyên Anh, xã Mỹ Lương (huyện Cái Bè) cho biết, giá mít Thái bán ra bình quân chỉ khoảng 5.000 đồng/kg. “Do nhiều yếu tố tác động, khả năng nhiều loại nông sản tết như bưởi, xoài, quýt… cũng rất khó tăng giá trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới”.

2. Trước tình hình hiện nay, nhất là trước những khó khăn trong khâu tiêu thụ hàng nông sản do ùn ứ tại một số cửa khẩu phía Bắc, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn cho biết, ngày 29-12-2021 sở cũng đã tiếp tục khuyến cáo các thương nhân điều tiết việc đưa hàng lên biên giới phía Bắc.

Hiện Trung Quốc đang thực hiện chính sách Zero Covid-19 đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu vào Trung Quốc, nên tăng cường công tác kiểm dịch thực vật đối với hàng nông, thủy sản nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc và áp dụng các biện pháp kiểm tra Covid-19 trên bao bì hàng hóa, vì vậy tốc độ thông quan hàng hóa giảm. Theo báo cáo của Sở Công thương các tỉnh biên giới phía Bắc, tổng số phương tiện đang chờ tại các cửa khẩu biên giới Việt Nam - Trung Quốc đến sáng 28-12-2021 khoảng 5.000 xe…

Trước tình hình ùn tắc hàng nông, thủy sản qua các cửa khẩu tại các tỉnh biên giới phía Bắc, Sở Công thương khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu nông, thủy sản trên địa bàn tỉnh có xuất khẩu hàng qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc cần chủ động theo sát diễn biến hoạt động xuất khẩu nông, thủy sản sang Trung Quốc qua các cửa khẩu, có phương án xử lý và bảo quản hàng nông, thủy sản; trao đổi với đối tác nhập khẩu không tiếp tục vận chuyển hàng hóa ra các cửa khẩu phía Bắc để giảm ùn tắc và giảm chi phí cho doanh nghiệp.

Các doanh nghiệp cũng cần thực hiện nghiêm các quy định khi xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và tuân thủ nghiêm các chỉ đạo, hướng dẫn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế, Bộ Công thương, Bộ NN-PTNT về phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tiếp tục chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch, như mua bán theo hợp đồng với các điều kiện giao dịch, giao nhận rõ ràng, giao hàng tại các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính…

Ngoài ra, doanh nghiệp cần đẩy nhanh triển khai thực hiện đáp ứng các quy định của phía Trung Quốc tại Lệnh 248 “Quy định Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu” và Lệnh 249 về “Biện pháp quản lý an toàn thực phẩm xuất nhập khẩu” có hiệu lực từ ngày 1-1-2022; tiếp tục thực hiện các quy định về truy xuất nguồn gốc, mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, ghi nhãn… cũng như các yêu cầu khác có liên quan để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng quy định, tiêu chuẩn đã thỏa thuận với bạn hàng nước ngoài…

A.P

.
.
.