.

Đưa đặc sản quê nhà đi xa

Cập nhật: 14:39, 12/01/2022 (GMT+7)

Đó chính là chị Huỳnh Thị Diễm, chủ Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm (xã Tân Trung, TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang). Gia đình chị Diễm là một trong những gia đình có truyền thống làm nghề mắm lâu đời. Đến nay, cơ sở không ngừng phát triển, sản xuất đều đặn các sản phẩm chủ lực, như: Mắm tôm, mắm tôm chà, mắm tôm chua, mắm ruốc… góp phần đưa thương hiệu mắm Gò Công có chỗ đứng trên thị trường.

Chị Diễm bên các sản phẩm mắm của Cơ sở.
Chị Diễm bên các sản phẩm mắm của Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm.

GIỮ NGHỀ TRUYỀN THỐNG

Gia đình chị Diễm có truyền thống 3 đời làm nghề mắm. Khi bà ngoại chị “về hưu” thì mẹ chị lại tiếp nối nghề truyền thống của gia đình. Từ một cơ sở gốc, mẹ chị Diễm phát triển thêm cơ sở thứ hai. Trân quý nghề truyền thống của gia đình, chị Diễm theo bà và mẹ học nghề làm mắm. Với mong muốn duy trì cái nghề truyền thống, vào tháng 10-2018, chị Diễm cho ra đời cơ sở thứ ba của riêng chị, với tên gọi Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm. Khởi điểm với 6 nữ nhân công địa phương làm việc thường xuyên, đến nay, cơ sở không ngừng phát triển sản xuất, đều đặn cung ứng thị trường những sản phẩm mắm thơm ngon. 

Chị Diễm cho biết, các sản phẩm mắm đều được chế biến trực tiếp từ con tôm đất gạch son, con tép tươi sống. Để làm được mẻ mắm tôm chất lượng luôn đòi hỏi sự kỳ công và thời gian. Chỉ cần lựa tôm cẩu thả khác loại hoặc tôm cùng loại nhưng không tươi, trời không nắng, đậy không kỹ, đồ đựng không sạch, nêm gia vị “lỡ tay” không đúng liều lượng, thì mắm tôm làm ra không có màu hồng nhạt mà có thể bị xỉn màu như mắm ruốc, hương vị cũng chẳng thơm ngon…

Chị Diễm cho rằng, nghề mắm đòi hỏi sự kỹ càng, tỉ mỉ cũng như độ chính xác cao, vì đây là mặt hàng thực phẩm nên ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người tiêu dùng. Do đó, cơ sở sản xuất mắm của chị Diễm luôn đặt tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm lên hàng đầu, sử dụng nhà kính để ủ, phơi mắm, nhằm tránh bụi bặm, côn trùng, đảm bảo nhiệt độ để mắm giữ được hương vị thơm ngon nhất, đồng thời tránh ảnh hưởng mùi đến các hộ dân xung quanh. Đặc biệt, cơ sở luôn nói không với các loại chất bảo quản, chú trọng chế biến bằng phương pháp truyền thống và bảo quản tự nhiên.

Theo chị Diễm, thông thường vụ mắm được làm theo con nước, mỗi tháng (âm lịch) chỉ có hai con nước vào ngày rằm và 30 mới có nguồn nguyên liệu để làm mắm tôm chà. Do việc sản xuất phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu thiên nhiên, nên trung bình mỗi tháng cơ sở của chị Diễm gia công khoảng 3 tấn ruốc và 1 tấn tôm đất, sau khi khấu trừ các chi phí, thì lợi nhuận của cơ sở đạt từ 25% - 30% trên tổng doanh thu. Dịp tết, nhu cầu khách hàng tăng cao, nên cơ sở sản xuất số lượng tăng gấp 3 -  4 lần ngày thường. Do đó, trước tết khoảng 3 tháng, cơ sở bắt đầu sản xuất hàng tết, bởi lúc này giá nguyên liệu còn thấp, cận tết thì nguyên liệu khan hiếm, giá lại cao. 

KHẲNG ĐỊNH THƯƠNG HIỆU

Với mong muốn phát triển nghề truyền thống 3 đời của gia đình, cũng như đưa đặc sản Gò Công vươn xa đến mọi miền đất nước và ra cả nước ngoài, nên chị Diễm luôn cố gắng cải tiến chất lượng sản phẩm, dịch vụ cơ sở ngày một tốt hơn, đưa sản phẩm xuất hiện ở các chuỗi siêu thị, cửa hàng bán lẻ trên cả nước.

Hiện chị Diễm đã nâng cấp xưởng sản xuất và trang bị thêm nhiều máy móc để tự động hóa các công đoạn, như: Rửa nguyên liệu, phơi con mắm, chà tôm nguyên liệu… vừa tiết kiệm nhân công, vừa đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đặc biệt là vẫn giữ nguyên công thức làm mắm gia truyền. Với sự cải tiến trong sản xuất, con mắm được phơi và ủ trong phòng kín, mắm thành phẩm đáp ứng đủ độ đạm chuẩn cần có, hương vị thơm ngon. Bên cạnh đó, việc tận dụng tốt giá trị nguồn nguyên liệu góp phần làm giảm giá thành, giúp sản phẩm dễ tiếp cận khách hàng.

Chị Diễm bên các sản phẩm mắm của Cơ sở.
Chị Diễm bên các sản phẩm mang thương hiệu “Mắm tôm Bà Hai Diễm”.

Tất cả các sản phẩm của cơ sở sản xuất mắm của chị Diễm đều được đăng ký thương hiệu “Mắm tôm Bà Hai Diễm”, có logo, địa chỉ sản xuất rõ ràng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Vừa qua, Hợp tác xã Mắm Gò Công được thành lập với 7 thành viên, đã tạo bước đệm vững chắc để chị Diễm phát triển thương hiệu và đưa các sản phẩm mắm vươn xa.

Hiện 4 sản phẩm, gồm: Mắm ruốc, mắm tôm chà, mắm tôm chua và mắm cá cơm của Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm đạt sản phẩm OCOP 3 sao tỉnh Tiền Giang năm 2019 - 2020. Mắm Bà Hai Diễm dần xuất hiện trên các trang thương mại điện tử, tham gia trưng bày tại các hội thảo, hội chợ… Từ đó, thị trường tiêu thụ trong nước bắt đầu quan tâm hơn đến các sản phẩm mắm này, với lượng khách hàng tìm đến mua cũng nhiều hơn. Cơ sở cũng đã ký hợp đồng cung ứng mắm cho chuỗi hệ thống siêu thị Big C và Mega, góp phần khẳng định, nâng cao uy tín thương hiệu mắm Bà Hai Diễm trên thị trường.

Chị Diễm chia sẻ, sẽ tiếp tục phát triển Hợp tác xã Mắm Gò Công; đồng thời, nộp hồ sơ nâng hạng OCOP 4 sao cho các sản phẩm của cơ sở. Đặc biệt, chị đang dự định thực hiện mô hình sản xuất kết hợp với du lịch cộng đồng tham quan Gò Công. Khi du khách đến thăm di tích Lăng Hoàng Gia sẽ được trải nghiệm dây chuyền sản xuất mắm tôm chà tại cơ sở.

Cơ sở sản xuất mắm Bà Hai Diễm đã dần thành công trên con đường xây dựng thương hiệu, không chỉ góp phần giữ gìn sản phẩm đặc trưng nổi tiếng xứ Gò Công, mà còn tạo động lực cho người dân tiếp tục phát triển nghề mắm truyền thống, một thế mạnh của địa phương.

NGỌC OANH

.
.
.