.

Giải pháp căn cơ để nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc

Cập nhật: 10:42, 22/01/2022 (GMT+7)

Ngày 21-1, tại Hà Nội đã diễn ra tọa đàm “Tìm giải pháp căn cơ cho nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Theo ông Nguyễn Văn Tiến, Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp - nông thôn, Ban Kinh tế Trung ương, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam (đã tăng 4,27 lần từ năm 2010-2020). Hiện nay chúng ta đang tham gia nhiều hiệp định thương mại, mới nhất là Hiệp định RCEP.

Ban Kinh tế Trung ương đang nghiên cứu đề án đẩy mạnh xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc, khảo sát các cửa khẩu lớn ở Lạng Sơn, Quảng Ninh, Lào Cai… Tuy nhiên, hiện khâu kết nối từ sản xuất tới thị trường còn thiếu; chuỗi kho lạnh, logistics còn yếu. Tình trạng ách tắc không chỉ năm nay mà từ các năm trước vẫn xảy ra, để đảm bảo tính bền vững cần đồng bộ từ khâu sản xuất, chế biến và thương mại, gắn sản xuất với nhu cầu thực tiễn và đáp ứng đúng các yêu cầu về chất lượng của thị trường Trung Quốc.

Ông Nguyễn Văn Tiến cho rằng, Trung Quốc đã thay đổi tiêu chuẩn kiểm soát an toàn thực phẩm từ năm 2015 ngang bằng châu Âu để đảm bảo chiến lược bảo vệ sức khỏe nhân dân. Do đó, quan trọng nhất hiện nay là không được nhìn nhận Trung Quốc là thị trường dễ tính. Chúng ta cần thay đổi từ khâu sản xuất tới đàm phán, thương mại; chuyển mạnh từ tiểu ngạch sang chính ngạch và cần những doanh nghiệp tiên phong; chấp nhận có những sản phẩm phải mất 9-10 năm mới đàm phán xuất khẩu chính ngạch sang thị trường Trung Quốc.

Trước mắt, cần tổ chức lại sản xuất nông nghiệp theo chuỗi, đảm bảo chất lượng theo đúng yêu cầu của nước nhập khẩu. Qua đó, tăng đơn hàng xuất khẩu chính ngạch, hạn chế xuất khẩu tiểu ngạch theo mùa vụ.

Hiện nay, ách tắc chủ yếu là với mặt hàng trái cây và nông sản. Trong vòng 3-4 năm qua, nhiều nhà máy lớn đã được xây dựng ở Sơn La, Ninh Bình, Tây Nguyên, Đông Nam bộ… song vấn đề lớn nhất là đảm bảo số lượng và chất lượng nguyên liệu cho các nhà máy, đảm bảo liên kết vùng trồng với các nhà máy.

Các doanh nghiệp sẵn sàng xây dựng nhà máy với quy mô lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, nhưng cần tạo ra vùng trồng liên kết giữa các hộ nông dân, hợp tác xã theo quy trình an toàn thực phẩm. Từ đó, tạo ra mã số vùng trồng, chỉ dẫn địa lý để tạo thuận lợi cho hàng xuất khẩu chính ngạch.

Còn theo ông Ngô Xuân Nam, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thực hiện những quy định mới của Lệnh 248 và 249, các doanh nghiệp nhập khẩu nông sản của Trung Quốc kể từ đầu năm 2022 phải có hồ sơ truy xuất vùng trồng; các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản vào Trung Quốc cũng phải có hồ sơ đăng ký. Đến thời điểm này, Việt Nam đã được Trung Quốc cấp 1.448 mã sản phẩm cho hơn 1.200 doanh nghiệp xuất khẩu. Trong thời gian tới, Bộ NN-PTNT sẽ cùng với các bộ, ngành tiếp tục nỗ lực để Trung Quốc cấp thêm mã sản phẩm cho các doanh nghiệp.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.