Thứ Năm, 06/01/2022, 08:14 (GMT+7)
.

Làm gì để trái cây Đồng bằng sông Cửu Long thêm ưa chuộng và vươn xa?

Điều đáng mừng là nhu cầu thị trường trái cây thế giới đang có xu hướng tăng, tuy nhiên thị hiếu tiêu dùng của khách hàng ngày càng trở nên khắt khe hơn, nên các nước nhập khẩu đưa ra các hàng rào kỹ thuật nhằm kiểm soát nguồn cung để nâng cao tính an toàn và chất lượng trái cây nhập khẩu.

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng trồng cây ăn quả chủ lực của Việt Nam, hiện có 38 ngàn ha, cung cấp cho thị trường trên 4 triệu tấn trái cây/năm. Trái cây ĐBSCL không chỉ tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành trong nước, mà còn xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới, do vậy luôn chịu sự cạnh tranh từ các vùng cung trong nước, nhập khẩu từ nước ngoài cũng như xuất khẩu.

“NGON”  VÀ  “LÀNH”

Trong bối cảnh thị trường trái cây thế giới ngày càng cạnh tranh gay gắt giữa các nhà cung ứng, việc nâng cao chất lượng là điều kiện cần để trái cây ĐBSCL thêm ưa chuộng và vươn xa. Đối với trái cây, chất lượng được phản ảnh ở 2 khía cạnh là “ngon” và “lành”.

Trái cây được xem là ngon khi hội đủ các yếu tố: Có những đặc điểm tốt tươi, nguyên, không hoặc ít tỳ vết tồn dư của sâu bệnh hại, không vết trầy xước do cơ giới…); đúng giống, trong cùng một lô hàng trái phải đồng đều về kích cỡ, ngoại hình và cùng một giống; thịt trái/cơm trái có hàm lượng dinh dưỡng cao, có thành phần dinh dưỡng phong phú; có độ brix phù hợp cho từng đối tượng người tiêu dùng.

Trái cây “lành” muốn nói là phải đảm bảo an toàn thực phẩm; tùy thuộc vào từng thị trường khác nhau mà tiêu chí an toàn thực phẩm khác nhau, nhưng xu hướng chung là các hóa chất có hại tồn dư trong trái phải giảm, có những chất bắt buộc phải bằng hoặc gần zero.

Nhà vườn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chăm sóc sầu riêng. 	Ảnh: THẾ ANH
Nhà vườn ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy chăm sóc sầu riêng. Ảnh: THẾ ANH

Thực tế vừa qua cho thấy, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu trái cây chủ lực của nước ta. Trong 3 năm gần đây, xuất khẩu nông sản của nước ta vào Trung Quốc có xu hướng chững lại, trong đó mặt hàng trái cây cũng giảm đáng kể. Cuối năm 2021, tình hình càng khó khăn hơn khi Trung Quốc thực hiện chính sách zero Covid, hàng ngàn tấn nông sản bị ách tắc tại cửa khẩu phía Bắc.

Sự sụt giảm kim ngạch xuất khẩu rau quả sang thị trường Trung Quốc thời gian qua một phần do tác động của dịch bệnh Covid-19, mặt khác phía Trung Quốc cũng có nhiều chính sách nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng rau quả nhập khẩu vào nước mình, không còn là thị trường dễ tính cho xuất khẩu trái cây các nước nói chung và Việt Nam nói riêng như trước đây nữa.

Xuất khẩu chính ngạch là hình thức được Trung Quốc khuyến cáo. EU cũng là thị trường xuất khẩu rau quả quan trọng của Việt Nam trong nhiều năm qua, và hiện tại là thị trường có quy mô lớn (thị trường này nhập khẩu khoảng 35 tỷ Euro rau quả, chiếm khoảng 40% thương mại về rau quả toàn cầu), tuy nhiên việc khai thác tiềm năng thị trường này đối với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây của Việt Nam còn hạn chế và dư địa xuất khẩu rau quả sang thị trường EU còn rất lớn.

Ngoài thị trường Trung Quốc, EU, các thị trường khác như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc… cũng có nhu cầu nhập khẩu trái cây từ Việt Nam, là cơ hội cho trái cây ĐBSCL tăng xuất khẩu vào các thị trường này.

Để trái cây ĐBSCL vươn xa trên thị trường thế giới, nhà vườn trồng cây ăn trái và các doanh nghiệp cần đổi mới tư duy và thay đổi cách làm, trong đó việc nâng cao chất lượng trái cây đảm bảo vừa “ngon” vừa “lành” là điều kiện cần cho trái cây ĐBSCL mở rộng thị trường tiêu thụ, không chỉ xuất khẩu mà ngay cả tại thị trường nội địa.

THAY ĐỔI TƯ DUY

Tuy nhiên, nâng cao chất lượng trái cây ĐBSCL là một quá trình không đơn giản, luôn đi cùng với các giai đoạn, từ lựa chọn vùng trồng, tổ chức sản xuất, cung ứng đầu vào, áp dụng các biện pháp canh tác, thu hoạch, bảo quản và thương mại theo chuỗi từ người trồng, đến tiêu thụ.

Qua quá trình nghiên cứu chuỗi giá trị cây ăn quả ở ĐBSCL, cũng như khảo sát nhu cầu thị trường trái cây, một trong những giải pháp quan trọng là lựa chọn vùng trồng phù hợp cho từng loại cây ăn quả. Mỗi loại cây ăn quả phù hợp với những tiểu vùng nhất định về điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, khí hậu; các yếu tố này đều có ảnh hưởng đến chất lượng trái cây.

Do đó, trong sản xuất cây ăn quả cần lưu ý khâu khảo sát điều kiện tự nhiên để xác định cây ăn quả phù hợp. Chẳng hạn, đối với cây sầu riêng, chôm chôm rất mẫn cảm với mặn, không nên trồng tại các tiểu vùng chịu ảnh hưởng của mặn làm trái sẽ bị nhỏ, cơm trái bị chai sượng, chất lượng trái kém. Nhà vườn có thể hạn chế thiệt hại do xâm nhập mặn, nhưng chi phí làm đê bao, mua nước để tưới… rất tốn kém và giá thành sản xuất cao, khó cạnh tranh.

Bên cạnh đó, nhà vườn cần cải tiến kỹ thuật thu hái, bởi nếu thu hái trái không đúng độ chín, dẫn đến trái cây chưa đạt độ brix, chất lượng trái cây sẽ giảm; cải tiến khâu đóng gói và công nghệ bảo quản trái cây; cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ thương mại trái cây. Đồng thời, tổ chức sản xuất và liên kết tiêu thụ là khâu rất quan trọng.

Trong điều kiện sản xuất nhỏ lẻ và phân bố tại các nông hộ nhưng thiếu liên kết giữa các nhà vườn trồng cây ăn quả, tình trạng mạnh ai người ấy làm, trái cây sản xuất ra thiếu sự quản lý, khó giám sát chất lượng và thực hiện truy xuất nguồn gốc.

Do sản xuất thiếu liên kết dẫn đến tình trạng thu gom trái cây gặp khó khăn, doanh nghiệp thiếu trái cây phải chờ thời gian dài cho đủ chuyến hàng, làm tăng thời gian lưu thông trái cây, làm giảm chất lượng trái.

Vì vậy, cần tăng cường xây dựng liên kết ngang giữa các nhà vườn với nhau và xây dựng liên kết dọc giữa các nhóm nông dân (tổ hợp tác, HTX, hội quán…) với doanh nghiệp…

Kiểm soát chất lượng cây giống cũng mang lại ý nghĩa lớn. Bởi chu kỳ kinh doanh cây ăn quả dài, có thể vài chục năm, trồng sai giống hoặc đúng giống nhưng cây giống chất lượng kém đều có ảnh hưởng lâu dài đến sinh trưởng và cho năng suất trong cả đời cây ăn quả đó.

Thời gian kiến thiết cơ bản vườn cây ăn quả dài (thường 3 - 4 năm), chi phí đầu tư lớn, nên cần thận trọng trong khâu chọn giống, tránh tình trạng khi phát hiện trái chất lượng không như mong muốn nhà vườn phải đốn bỏ, trồng lại, rất tốn kém.

Thị trường giống cây ăn quả hiện vẫn chưa được kiểm soát tốt, giống trôi nổi vẫn còn được bày bán, do vậy cần quản lý tốt chất lượng cây giống. Các nhà sản xuất giống cây ăn quả phải được đào tạo kỹ thuật nhân giống.

Các cơ sở sản xuất giống phải có cây đầu dòng, các cây đầu dòng được tuyển chọn đáp ứng về mặt năng suất, chất lượng trái và khả năng chống chịu sâu bệnh gây hại… Các cơ sở sản xuất cây giống phải đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn cây giống được cấp có thẩm quyền ban hành.

Bên cạnh đó, nhà vườn cần quản lý tốt vật tư phục vụ sản xuất cây ăn quả. Đối với các loại vật tư phục vụ sản xuất cây ăn quả như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)… có ảnh hưởng lớn đến chất lượng trái cây.

Tình trạng phân giả, thuốc BVTV kém chất lượng hoặc không còn phù hợp cho sản xuất cây ăn quả theo hướng an toàn thực phẩm đã và đang ảnh hưởng xấu đến năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm đối với trái cây, do vậy cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát chất lượng các loại phân bón, thuốc BVTV… của các cơ sở sản xuất, kinh doanh các loại vật tư này khi cung ứng cho thị trường.

Ngoài ra, cải tiến kỹ thuật canh tác cũng là khâu quan trọng. Trong điều kiện sản xuất manh mún và phân bố tại các hộ gia đình, quy trình canh tác không thống nhất giữa các hộ, trái cây cung ứng cho thị trường không đồng đều về chất lượng.

Do vậy cần thực hiện tốt công tác tổ chức sản xuất, hình thành nhiều các tổ chức nông dân, như tổ hợp tác, hợp tác xã… để nhà vườn được tập huấn và thực hiện đồng bộ quy trình canh tác, sử dụng phân bón, thuốc BVTV… trong cùng một nhóm nông dân.

Các biện pháp canh tác cần được chú ý cải tiến như: Tăng cường áp dụng biện pháp tỉa cành, tạo tán cho vườn cây, đảm bảo sau mỗi vụ thu hoạch cây được phục hồi bộ tán theo hướng gọn, thông thoáng; áp dụng biện pháp bao trái và biện pháp tỉa trái; quản lý ruồi đục quả, vì ruồi đục quả gây hại cho hầu hết các loại cây ăn quả ở ĐBSCL, thiệt hại gây ra ngày càng lớn, do vậy cần đẩy mạnh áp dụng các biện pháp quản lý ruồi đục quả cho từng loại cây ăn quả…

TS. ĐOÀN HỮU TIẾN
(Viện Cây ăn quả miền Nam)

.
.
.