Tiền Giang cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp
(ABO) Ngày 28-12, Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang tổ chức Họp báo trực tuyến công bố số liệu thống kê kinh tế - xã hội năm 2021. Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang Trần Thị Mỹ Hạnh chủ trì buổi họp báo.
Tham dự buổi họp báo còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND tỉnh và các sở, ban, ngành.
Quang cảnh cuộc họp báo trực tuyến do Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang tổ chức. |
Trong năm 2021, tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang chịu tác động bởi dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến quá trình sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh. Chính quyền địa phương các cấp đã đưa ra nhiều giải pháp theo từng thời điểm, nhằm giảm bớt thiệt hại cho người dân và điều hành phát triển kinh tế - xã hội vượt qua khó khăn.
Theo đó, năm 2021, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (GRDP) ước đạt 58.865 tỷ đồng, giảm 0,72% so với cùng kỳ; GRDP bình quân đầu người đạt 56,4 triệu đồng/người/năm, tăng 0,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2020; thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.630 tỷ đồng, giảm 22,4% so cùng kỳ; vốn đầu tư phát triển trên toàn xã hội ước thực hiện 38.016 tỷ đồng, đạt 98,5% kế hoạch, tăng 3,5% so với cùng kỳ. Dự kiến cả năm, tỉnh thu hút được 15 dự án, với tổng vốn đầu tư đăng ký 1.827,4 tỷ đồng, bằng 11,2% so cùng kỳ…
Bên cạnh đó, có khoảng 580 doanh nghiệp thành lập mới, đạt 81,7% kế hoạch; có 124/143 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), 6/11 huyện, thị, thành hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM, 13 xã được công nhận NTM nâng cao; giới thiệu việc làm và tư vấn học nghề cho trên 63.000 lượt người; hỗ trợ 3.006 tấn gạo cho gần 200.500 người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, xây dựng và sửa chữa 183 nhà tình nghĩa…
Đến cuối năm 2021, toàn tỉnh có 1.998 hộ thoát nghèo, hộ nghèo phát sinh là 20 hộ; còn 7.455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,47% so tổng số hộ toàn tỉnh (506.184 hộ). Hộ thoát cận nghèo là 1.783 hộ, hộ cận nghèo phát sinh là 1.168 hộ; số hộ cận nghèo hiện có của tỉnh là 16.121 hộ, chiếm tỷ lệ 3,18% so tổng số hộ toàn tỉnh (506.184 hộ).
Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Tiền Giang Trần Thị Mỹ Hạnh nhận định, năm 2022, dự báo kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19... Tuy nhiên, với nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ cho các cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi đại dịch sẽ phần nào giúp cho người dân và doanh nghiệp dần trở lại cuộc sống bình thường mới và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Đồng thời, nhằm thực hiện tốt các chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, tỉnh cần tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động... Rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành như: Dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Ngoài ra, tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19.
LÊ MINH