.
TIẾN SĨ NGUYỄN MINH SƠN:

Chính sách tài khóa, tiền tệ là "cú hích" cho nền kinh tế sớm phục hồi, phát triển

Cập nhật: 10:28, 10/01/2022 (GMT+7)

Tại Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội khóa XV, Quốc hội dành nhiều thời gian để đại biểu thảo luận tổ và thảo luận trực tuyến dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Nghị quyết này được đánh giá có ý nghĩa rất quan trọng, là điểm tựa để Việt Nam sớm phục hồi kinh tế và đạt mục tiêu tăng trưởng trong năm 2022. Xoay quanh vấn đề này, phóng viên (PV) Báo Ấp Bắc đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Tiền Giang.

* PV: Xin Tiến sĩ cho biết ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) đối với thực tiễn nền kinh tế nước ta hiện nay?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Trong giai đoạn 2020 - 2021, tăng trưởng kinh tế của nước ta ở mức rất thấp trong nhiều năm trở lại đây, suy giảm ở cả 3 khu vực nông, lâm nghiệp, thủy sản; công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân 5 năm 2021 - 2025.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) gặp nhiều khó khăn; đặc biệt, trong năm 2021 chi phí đầu vào, vận tải hàng hóa tăng cao, chuỗi cung ứng sản xuất, lưu thông hàng hóa bị đình trệ, đứt gãy tạm thời; SX-KD trong nhiều ngành, lĩnh vực, nhất là du lịch, dịch vụ phải tạm ngừng hoặc hoạt động cầm chừng, dưới công suất, tác động việc làm, sinh kế của người lao động bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh. Dịch bệnh không chỉ tác động trong ngắn hạn, mà còn dài hạn…

Trong bối cảnh KT-XH chịu tác động nặng nề của dịch bệnh, căn cứ các kết luận của Hội nghị Trung ương 3, Trung ương 4 khóa XIII của Đảng; Kết luận 24, ngày 30-12-2021 của Bộ Chính trị về Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH và Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, tập trung vào các chính sách tài khóa, tiền tệ để thực hiện.

Quốc hội đang xem xét, cho ý kiến các nội dung có liên quan trước khi bấm nút thông qua Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình.

Các giải pháp trong Nghị quyết cũng như Chương trình tập trung kích thích cả phía cung và phía cầu, khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động; phục hồi, phát triển nhanh SX-KD, nhất là các ngành, lĩnh vực quan trọng; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh…

Tóm lại, việc xây dựng Chương trình với gói giải pháp tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình cùng các mục tiêu rất rõ ràng, nhanh chóng hỗ trợ phục hồi nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu đã đề ra, bắt kịp với xu thế phục hồi kinh tế khu vực và thế giới tại thời điểm hiện nay là rất phù hợp, cấp thiết và mang nhiều ý nghĩa.

* PV: Với tư cách Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của của Quốc hội, Tiến sĩ đánh giá như thế nào về những đề xuất mới của Chính phủ tại kỳ họp này?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Ủy ban Kinh tế của Quốc hội được Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao chủ trì thẩm tra Tờ trình của Chính phủ về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH. Tôi cho rằng, việc sớm ban hành và triển khai chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình kịp thời sẽ tạo sự đột phá, có sức lan tỏa lớn, giúp sớm phục hồi nền kinh tế, không để Việt Nam rơi vào suy thoái kinh tế và suy giảm các động lực tăng trưởng trong dài hạn, tạo nền tảng cho sự phát triển cả giai đoạn 2021 - 2025 và các năm tiếp theo.

Chính phủ đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển.
Chính phủ đề xuất nhiều chính sách hỗ trợ DN, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, sớm phục hồi và phát triển.

Tôi cơ bản nhất trí với các đề xuất sát thực tiễn của Chính phủ, như về chính sách miễn, giảm thuế; các chính sách về đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hóa hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, trung tâm kiểm soát bệnh tật cấp vùng; các chính sách tiền tệ như điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ để góp phần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, điều tiết thanh khoản phù hợp, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ giải ngân cho các đối tượng thụ hưởng gói hỗ trợ lãi suất…

Tuy nhiên, vẫn còn một số giải pháp, chính sách cần được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng hơn. Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh, việc xây dựng, triển khai Chương trình cần đưa ra các tiêu chí, nguyên tắc rõ ràng, có các ưu tiên, phân nhóm cụ thể nội dung cần làm ngay, nội dung cần triển khai từng bước để bảo đảm khả thi. Các chính sách hỗ trợ cần rà soát để có sự tiếp nối, kế thừa các chính sách đã triển khai trước đây; cần chú trọng khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát, hướng dẫn để không xảy ra sai sót, vi phạm, nhất là trong bối cảnh bố trí nguồn lực rất lớn trong khoảng thời gian ngắn...

* PV: Nhiều doanh nghiệp (DN) Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có tỉnh Tiền Giang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 rất quan tâm Chương trình này, nhất là gói chính sách tài khóa, tiền tệ bổ sung. Xin Tiến sĩ cho biết gói chính sách này sẽ hướng đến đối tượng nào, các DN cần làm gì để sớm tiếp cận gói hỗ trợ này từ Chính phủ trong thời gian tới?

* Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn: Đối tượng hỗ trợ của Chương trình rất cụ thể, bao gồm người dân, người lao động bị ảnh hưởng do dịch bệnh; DN, HTX, hộ kinh doanh và các ngành, lĩnh vực tạo động lực phục hồi và phát triển nền kinh tế. Đối với DN, mục tiêu trọng tâm của Chương trình giúp DN, HTX, hộ kinh doanh vượt qua khó khăn, phục hồi và phát triển.

Các chính sách đã được Chính phủ đề xuất như: Một số gói chính sách về miễn, giảm các loại thuế, phí, lệ phí; gia hạn thời hạn nộp thuế, tiền thuê đất; hỗ trợ lãi suất đối với các khoản vay thương mại cho DN, HTX, hộ kinh doanh trong giai đoạn 2022 - 2023; tiếp tục cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi suất đối với khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; hỗ trợ chi phí đầu vào (tiền điện, nước, cước phí viễn thông, phòng, chống dịch) cho DN trong năm 2022…

Ngay khi Nghị quyết được Quốc hội xem xét, thông qua, Chính phủ sẽ có căn cứ ban hành Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH, đồng thời có các hướng dẫn, tổ chức thực hiện đi kèm; trong đó nêu rõ đối tượng, mức hỗ trợ, trình tự, thủ tục cụ thể đối với các DN trong diện được thụ hưởng chính sách.

Về phía DN Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trong đó có các DN ở tỉnh Tiền Giang, theo tôi, ngoài những gói hỗ trợ từ Chương trình, cần tiếp tục triển khai phương thức tổ chức SX-KD an toàn, hiệu quả, thực hiện đầy đủ các quy định về phòng chống dịch bệnh, đảm bảo an toàn lao động; chủ động xây dựng chiến lược với tầm nhìn dài hạn hơn, có kế hoạch tái cấu trúc DN; đổi mới công nghệ, thiết bị, chuyển đổi số nhằm ứng dụng công nghệ trong quản lý, vận hành để sớm thích nghi với bối cảnh bình thường mới; có phương án giữ chân người lao động, đào tạo nâng cao trình độ kỹ năng, tay nghề cho người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, đảm bảo người lao động được ổn định cuộc sống mới theo hướng bền vững và hiệu quả cao.

* PV: Xin cảm ơn Tiến sĩ!

THU HOÀI (thực hiện)

.
.
.