Cai Lậy hướng đến huyện nông thôn mới trong năm 2022
Để đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NTM) trong năm 2022, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang tiến hành rà soát các tiêu chí, xây dựng chương trình, kế hoạch với lộ trình phù hợp.
Cai Lậy quyết tâm xây dựng thành công huyện NTM vào năm 2022. |
Điều đáng ghi nhận qua hơn 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM ở huyện Cai Lậy là diện mạo quê hương thay đổi rõ nét, kết cấu hạ tầng được đầu tư nâng cấp, kinh tế - xã hội phát triển. Huyện đã hình thành vùng sản xuất lúa chất lượng cao tập trung ở các xã phía Bắc Quốc lộ 1, còn các xã phía Nam Quốc lộ 1 tập trung phát triển vườn chuyên canh với các giống cây trồng có giá trị kinh tế cao như sầu riêng, mít Thái.
Lĩnh vực văn hóa, y tế, giáo dục cũng có bước phát triển đáng kể so với trước, an ninh trật tự được tăng cường, hệ thống chính trị được củng cố, kiện toàn. Tính đến cuối năm 2021, huyện Cai Lậy có 12/15 xã đạt chuẩn NTM (3 xã đạt chuẩn NTM) nâng cao và dự kiến trong quý I-2022 sẽ ra mắt 3 xã NTM còn lại là Mỹ Thành Bắc, Mỹ Thành Nam và Phú Cường.
Có được kết quả trên là nhờ chủ trương xây dựng NTM trên địa bàn huyện được nhân dân đồng thuận, hưởng ứng. Các địa phương trên địa bàn huyện đã phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân nên công cuộc xây dựng NTM diễn ra thuận lợi. Ông Trần Văn Hiệp (xã Cẩm Sơn) chia sẻ: “Chúng tôi rất phấn khởi vì diện mạo quê hương đã thay đổi rất nhiều so với trước. Đường sá rộng, thoáng, giúp cho việc đi lại và giao thương được thuận tiện. Do vậy, khi cấp ủy, chính quyền phát động các phong trào, chúng tôi tùy vào điều kiện mà có sự chung sức để đảm bảo chất lượng các phần việc”.
Để giữ vững thành tích đạt được, những năm qua, ngoài tập trung xây dựng các xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, huyện còn nỗ lực thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM ở những xã đã đạt chuẩn NTM. Đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và phát huy tính chủ động, sáng tạo trong nhân dân; trong đó, đặc biệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của các thành viên Ban Chỉ đạo, tích cực bám sát cơ sở, lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, thực hiện tốt phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát và dân thụ hưởng”. Từ đó, có những điều chỉnh phù hợp với thực tế, giải quyết kịp thời các khó khăn.
Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, huyện cũng gặp những khó khăn nhất định như sự ảnh hưởng của dịch Covid-19 tác động đến sản xuất, thu nhập, việc làm của nhân dân; nguồn vốn đầu tư cho các tiêu chí lớn cần có sự ủng hộ của cấp trên; ý thức trách nhiệm, xã hội hóa trong xây dựng NTM, bảo vệ môi trường của một bộ phận nhân dân vẫn còn hạn chế…
Từ những vấn đề trên, trong thời gian tới, huyện Cai Lậy sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền với nhiều hình thức phong phú để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của xây dựng huyện NTM, tạo sự thống nhất từ nhận thức đến hành động của cả hệ thống chính trị.
Chủ tịch UBND huyện Cai Lậy Trần Quốc Bình cho biết, huyện đề cao trách nhiệm, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về xây dựng NTM, xem đây là một nhiệm vụ chính trị trọng tâm và thường xuyên. Đồng thời, khẳng định vai trò chủ thể của người dân trong xây dựng NTM, quyết tâm giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí. Cùng với đó, huyện nâng cao năng lực của đội ngũ làm công tác xây dựng NTM; tập trung huy động lồng ghép các nguồn lực vào xây dựng NTM; phát huy thế mạnh của địa phương; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp và nhân dân chung tay góp sức, góp của, góp công để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp và văn minh.
HỒNG LINH