Đầu năm Dần, kể chuyện đánh thức "con hổ" ngủ
Vùng đất được mệnh danh là “con hổ” ngủ đã từng ngày thay đổi, khoác lên mình một màu xanh tươi mới hơn. “Con hổ” dường như đã được đánh thức sau hơn 40 năm dốc sức của bao thế hệ.
Thanh long dần trở thành cây chủ lực trên vùng đất “rốn lũ, rốn phèn”. Ảnh: CAO ANH |
Nhắc tới huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang nhiều người nghĩ ngay đến vùng đất bưng biền hay cánh đồng khóm bạt ngàn. Nhưng giờ đây, vùng “rốn lũ, rốn phèn” khi xưa đã phủ lên màu xanh bạt ngàn của cây trái, hoa màu.
1. Chúng tôi có dịp chứng kiến những đổi thay từng ngày của vùng đất khó này thông qua nhiều chuyến đi cơ sở. Nhờ đó, chúng tôi cảm nhận được những mầm xanh tươi mới không ngừng đâm chồi nảy lộc nơi đây. Một thời gian dài Tân Phước là vùng đất nhiễm phèn, nhưng nay đã khác, cây trái đã sum sê hơn thông qua quá trình cải tạo của bao thế hệ. Nếu ai có dịp về Tân Phước sẽ cảm nhận ngay về những thay đổi này, nhất là đối với diện tích trồng thanh long bạt ngàn thay cho cánh đồng khóm trước đây.
Cây thanh long (đa phần giống ruột đỏ) xuất hiện, với năng suất cao, đã cho thấy sự thích nghi với vùng đất phèn nặng này. Nhờ đó, nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn chuyển từ cây khóm sang trồng thanh long. Vườn thanh long 3,2 ha của bà Nguyễn Thị Hường (ấp Mỹ Thuận, xã Thạnh Mỹ) được chuyển đổi từ đất trồng khóm khoảng 4 năm nay.
Trước đây, bà trồng khóm với thu nhập ổn định nhưng nhận thấy nhiều hộ nông dân khác trồng thanh long có lợi nhuận cao nên đã chuyển một nửa diện tích sang trồng thanh long. “Cây thanh long khi trồng phát triển bình thường cho trái to, đẹp và năng suất rất cao. Đợt trái đầu tiên vào cuối năm 2019, vườn thanh long của tôi thu hoạch được hơn 1,5 tấn, bán giá từ 38.000 - 40.000 đồng/kg, cho thu nhập cao. Năm nay, vườn dự kiến cho thu hoạch 16 tấn trái”- bà Hường cho biết.
Vườn bưởi của ông Lê Văn Lực, xã Tân Hòa Đông. |
Cùng với xu hướng chung, tận dụng và phát huy hiệu quả từ các ô đê bao ngăn lũ, nhiều nông dân huyện Tân Phước mạnh dạn chuyển đổi từ trồng khóm sang cây ăn trái. Ông Lê Văn Lực (ấp Tân Thuận, xã Tân Hòa Đông) đã trồng 8.000 m2 bưởi da xanh và bưởi trên nền đất khóm. Theo ông Lực, dù trồng trên đất phèn nhưng bưởi phát triển khá tốt, lá xanh, trái to, tròn. Vụ tết vừa qua, vườn cho thu hoạch khoảng 1 tấn trái. Cùng với cây thanh long, bưởi… trên vùng đất được xem là rốn lũ, rốn phèn ngày nào hiện còn xuất hiện nhiều diện tích cây ăn trái khác.
Mãng cầu cũng được xem là một nhân tố mới. Vườn mãng cầu của ông Nguyễn Văn Nhàn (ấp Mỹ Thuận) đang phát triển tốt và cho trái đạt năng suất cao. Ông Nhàn cho biết: “Vườn của tôi có diện tích gần 1 ha. Sau thời gian trồng, cây mãng cầu thích nghi rất tốt với đất phèn, cho trái 46 tấn/năm.Với giá bán trung bình 15.000 đồng/kg, mỗi năm tôi thu được 450 triệu đồng sau khi trừ chi phí”.
Vườn mãng cầu có diện tích gần 1 ha của ông Nguyễn Văn Nhàn cho trái khoảng 45 tấn/năm. |
2. Mấy năm gần đây, bên cạnh phát triển các khu công nghiệp, khi nhắc đến vùng đất khó Tân Phước, nhiều người nghĩ ngay đến trung tâm phát triển vườn cây ăn trái, bởi có lợi thế là vùng đất mới, diện tích lớn thích hợp để xây dựng vùng chuyên canh cây ăn trái. Và thực tế vừa qua cũng đã chứng minh, các loại cây ăn trái mới ở Tân Phước phát triển tốt và cho thu nhập khá nếu trúng mùa trúng giá.
Nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp mới đã được hình thành. Nó được khơi nguồn từ chính những nông dân bám đất kể từ ngày khai hoang, ngọt hóa vùng này cách đây hơn 40 năm. Nhiều lần về Tân Phước, chứng kiến bao đổi thay, chúng tôi dường như ấn tượng hơn với vùng đất Tân Hòa Đông. Bởi nơi đây một thời được xem là một trong những vùng đất khó khăn nhất của huyện Tân Phước. Nhưng nay diện mạo xã Tân Hòa Đông đã khác hơn nhiều.
Khi về Tân Hòa Đông hôm nay, chúng tôi được nghe kể nhiều về những gương nông dân đã bám đất, vượt khó và vươn lên làm giàu. Đó là ông Nguyễn Văn Phước 30 ha trồng khóm, ông Hồ Văn Đờn trên 20 ha, ông Trần Văn Lữ 10 ha, ông Phạm Văn Đực 8 ha, ông Trần Văn Thích hơn 6 ha… Mấy mươi năm gắn bó với vùng đất chua phèn này, dù có khắc nghiệt nhưng đất đã không phụ người.
Tân Phước nằm trong bức tranh chung của Đồng Tháp Mười (ĐTM), trước đây còn hoang sơ, dân cư thưa thớt; mỗi năm có 6 tháng mùa nước nổi, cả vùng ngập chìm trong biển nước mênh mông; còn 6 tháng mùa khô hết sức khắc nghiệt, nắng nóng nung người, đất dậy phèn đỏ quạch, nước ngọt không đủ uống. Chính những điều kiện tự nhiên khắc nghiệt như thế, nên công cuộc khai phá vùng ĐTM được dự báo là vô cùng gian nan, vất vả. Theo tư liệu lịch sử ghi lại, mãi đến thế kỷ XIX, ĐTM còn là một vùng bưng lớn, đầy phèn. ĐTM với chiều ngang từ Hồng Ngự (Đồng Tháp) đến Tân An (Long An) khoảng 120 km, chiều dọc từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) đến Campuchia khoảng 70 km. Một thời nơi đây được gọi là đồng cỏ lác. Trong quá khứ người Pháp đã từng thất bại khi chinh phục ĐTM. Dù là vùng hoang hóa, bị nhiễm phèn nặng nhưng ĐTM có tiềm năng rất to lớn. Vì vậy, cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, người Pháp đã “thử sức” khai thác ĐTM nhằm biến nơi đây thành trung tâm xuất khẩu lúa gạo lớn nhất Đông Dương. Pháp đã sử dụng các phương tiện sản xuất hiện đại nhất thời đó để đào các con kinh như: Phước Xuyên, Dương Văn Dương, Nguyễn Văn Tiếp… và đưa nhiều nhà khoa học đến nghiên cứu, khảo sát, thực hiện nhiều đề tài, dự án nhưng cuối cùng không thể chinh phục được vùng đất hoang này. Các chuyên gia Hà Lan khi đến khảo sát vùng ĐTM đã ví vùng đất phèn này như “con hổ” ngủ, chớ nên chọc thức nó. Thế mà, vào cuối những năm 1970, cả 3 tỉnh Tiền Giang, Long An, Đồng Tháp đã đồng loạt tiến quân vào khai thác ĐTM. Và sau hơn 40 năm, “con hổ ngủ” đã từng bước được đánh thức, những mầm xanh mới không ngừng đâm chồi, nảy lộc. |
Sau hơn 40 năm cải tạo vùng đất khó này, những mầm xanh mới đã dần phủ khắp cánh đồng lác hay bưng sậy ngày nào và cây ăn trái đang là xu hướng phát triển chung. Cùng với các loại cây trên, huyện Tân Phước hiện nay còn nhiều loại cây khác cũng đang bén rễ và phát triển tốt như: Bơ 37 ha, sầu riêng 36 ha, mãng cầu 97 ha, xoài 65 ha…
Theo đánh giá của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, các loại cây có rễ ăn bàn trên mặt đất như: Cây có múi, thanh long… phát triển tốt. Ngoài cây thanh long, những loại cây còn lại khi so sánh với khu vực khác chỉ đạt khoảng 60% năng suất. Riêng các cây rễ ăn sâu như sầu riêng, hiện cây chưa lớn nên chưa thể đánh giá được có phát triển tốt hay không khi gặp lớp đất phèn bên dưới.
Theo thống kê gần đây cho thấy, diện tích cây có múi trên địa bàn khá lớn, với 280 ha; không chỉ phát triển nhiều ở các xã vùng ngoài như: Tân Hòa Thành, Phước Lập, Tân Hòa Tây, Mỹ Phước…, mà đã phát triển ở một số xã thuộc vùng lõi của “rốn lũ, rốn phèn” trước đây như: Tân Hòa Đông, Thạnh Tân, Thạnh Mỹ… với diện tích hơn 53 ha.
Nhận định chung về chặng đường vừa qua và xu hướng phát triển trong thời gian tới, theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, dù cây ăn trái có chiều hướng gia tăng nhanh nhưng cũng để lại một số hệ lụy. Bởi theo định hướng phát triển chung, trong quy hoạch phát triển cây ăn trái của huyện chỉ có 2 loại cây chủ lực là khóm 15.000 ha và cây thanh long khoảng 1.000 ha.
Thực tế vừa qua cho thấy, diện tích cây khóm trên địa bàn huyện ổn định khi tăng giảm không đáng kể. Ở khía cạnh khác, giá bán thanh long trong 2 năm gần đây thấp, cùng với ảnh hưởng dịch bệnh, người dân không chăm sóc được nên diện tích có xu hướng chững lại, đến cuối năm 2021 chỉ còn hơn 1.030 ha. Các loại cây ăn trái khác đa phần là do nông dân tự phát trồng khi thấy có giá trị kinh tế cao.
Thực tế cũng cho thấy, do giá cả một số loại trái cây bấp bênh (nhất là cây mít, thanh long) nên nhiều hộ dân đã quay lại trồng khóm, dẫn đến diện tích khóm của huyện nhiều năm qua vẫn đảm bảo theo quy hoạch. Theo đó, diện tích cây ăn trái trên địa bàn huyện Tân Phước hiện tại hơn 17.833 ha; trong đó, cây khóm chiếm diện tích lớn nhất, với 15.144 ha, tiếp đến là thanh long và mít Thái…
THẾ ANH - CAO THẮNG