Hiệu quả mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng tại huyện Gò Công Tây
(ABO) Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang vừa tổ chức Hội thảo đánh giá tiến độ thực hiện các mô hình chuyển đổi cây màu xuống chân ruộng gắn kết với tiêu thụ sản phẩm (gọi tắt là Mô hình) tại huyện Gò Công Tây.
Tham dự hội thảo có Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn; Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang Võ Văn Men; Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Huỳnh Thanh Bình.
Khảo sát thực tế, đánh giá hiệu quả Mô hình tại xã Đồng Thạnh, huyện Gò Công Tây. |
Tham gia Mô hình có 2 hộ nông dân tiêu biểu tại ấp Thạnh Phú, xã Đồng Thạnh với 0,87 ha. Trong đó, tập trung sản xuất chủ yếu 3 loại cây màu gồm: Đậu nành rau, bắp rau và bắp ngọt lấy hạt. Cả 3 loại cây màu sẽ được Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang hỗ trợ thu mua 100% sau thu hoạch. Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Tiền Giang hỗ trợ chi phí hạt giống và phân bón cho nông dân.
Đến nay, sau 62 ngày xuống giống, toàn bộ 3 loại cây màu trong Mô hình đều cho năng suất, chất lượng cao, dự kiến sẽ thu hoạch trong tháng 2-2022. Qua khảo sát thực tế cho thấy, cây bắp và cây đậu nành rất phù hợp với với vùng đất Gò Công Tây, cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, thời gian sinh trưởng ngắn hơn cây lúa từ 30 đến 45 ngày nên rất phù hợp trong tình hình biến đổi khí hậu và ảnh hưởng hạn, mặn trong thời gian gần đây.
Theo đánh giá của ngành Nông nghiệp, Mô hình sẽ mang lại lợi nhuận ổn định cho nông dân, ước tính thu nhập khoảng 7 - 8 triệu đồng/1 công đất. Các sản phẩm sau thu hoạch còn tận dụng làm thức ăn cho dê, bò.
Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn đánh giá Mô hình. |
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Gò Công Tây Mai Đức Tấn cho biết: Đây là lần đầu thử nghiệm Mô hình vào vụ đông xuân, ghi nhận các loại cây màu đều phát triển tốt, cho năng suất cao, được nông dân đồng tình ủng hộ. Hướng tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ đúc kết kinh nghiệm, xây dựng quy trình kỹ thuật trồng và chăm sóc cây màu, chủ yếu là 3 loại cây màu gồm bắp rau, đậu nành rau, bắp lấy hạt để nhân rộng trong toàn huyện.
Theo Trưởng phòng NN&PTNT huyện Gò Công Tây Ngô Văn Dũng, qua theo dõi, đánh giá năng suất, hiệu quả kinh tế đối với Mô hình so với cây lúa trên cùng một đơn vị diện tích có sự chênh lệch rõ rệt, lãi từ 7 - 8 triệu đồng, trong khu lúa chỉ từ 3 - 4 triệu đồng. Người trồng màu cũng không còn sợ tình trạng thiếu nước, sản phẩm được doanh nghiệp hợp đồng thu mua, ổn định đầu ra cho nông dân.
KIM LAN - HOÀI THU