Kinh tế tập thể, hợp tác xã chuyển biến tích cực về chất và lượng
(ABO) Sáng 15-2, Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển kinh tế tập thể (KTTT), hợp tác xã (HTX) tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 13-NQ/TW về KTTT và tổng kết 10 năm thi hành Luật HTX năm 2012.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Tiền Giang. |
Chủ trì tại điểm cầu Trung ương có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái.
Chủ trì tại điểm cầu tỉnh Tiền Giang có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Văn Bình; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh.
Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển KTTT, HTX, trong 20 năm qua, khu vực KTTT đã trải qua các giai đoạn phát triển khác nhau, trong đó có những thuận lợi và khó khăn, thách thức nhất định.
Nổi bật nhất là sự thay đổi mô hình HTX kiểu cũ kém hiệu quả sang mô hình HTX kiểu mới. Khu vực KTTT với nhiều loại hình tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng (tổ hợp tác - THT, HTX, liên hiệp HTX); trong đó, nòng cốt là HTX.
Đây là một trong những thành phần kinh tế quan trọng, đóng góp vào những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Các tổ chức kinh tế hợp tác đã từng bước liên kết những người sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ, để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển.
Khu vực KTTT đã khắc phục được một phần tình trạng yếu kém kéo dài, từng bước đổi mới gắn với cơ chế thị trường.
Đến cuối năm 2021, cả nước có 69.294 THT, giảm 24.506 THT (khoảng 26%) so với cuối năm 2001, thu hút hơn 1,096 triệu thành viên tham gia, giảm khoảng 9% so với năm 2001.
Doanh thu bình quân của một THT là 294,85 triệu đồng/năm, tăng 6,5 lần so với năm 2001. Lãi bình quân của một THT là 49 triệu đồng/năm, tăng 6,8 lần so với năm 2001.
Đến hết năm 2021, toàn quốc có 27.342 HTX (18.327 HTX nông nghiệp và 9.015 HTX phi nông nghiệp), thu hút gần 6 triệu thành viên tham gia.
Số lượng HTX tăng 16.420 HTX (khoảng 2,5 lần) so với năm 2001, số thành viên tăng 465.603 người (khoảng 9%) so với năm 2001.
Doanh thu bình quân của một HTX năm 2021 đạt 2,657 tỷ đồng, tăng 1,644 tỷ đồng (gấp khoảng 2,5 lần) so với năm 2001.
Cũng theo Ban Chỉ đạo Đổi mới phát triển KTTT, HTX, từ khi Luật HTX năm 2012 có hiệu lực thi hành, khu vực KTTT, HTX tiếp tục phát triển ở hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế, thành viên, hộ gia đình, cá thể.
Doanh thu, lợi nhuận, thu nhập người lao động, trình độ cán bộ quản lý… đều có sự tăng trưởng. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế như: Mức tăng trưởng còn thấp, hiệu quả hoạt động chưa cao…
Do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 từ năm 2020 đến nay, thu nhập của người lao động trung khu vực KTTT giảm mạnh, đời sống người lao động, thành viên gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù số lượng đăng ký, thành lập mới HTX tiếp tục tăng so với năm 2020, nhưng doanh thu và lợi nhuận giảm khoảng 40%...
Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương đã nêu lên những khó khăn, hạn chế trong phát triển KTTT, HTX trong thời gian qua.
Đồng thời, đề xuất Chính phủ có những giải pháp, chính sách tháo gỡ khó khăn để khu vực KTTT, HTX phát triển hơn nữa.
Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, thời gian qua, khu vực KTTT mà nòng cốt là HTX luôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. KTTT, HTX đóng vai trò quan trọng trong những giai đoạn lịch sử.
Khu vực KTTT, HTX có những chuyển biến tích cực về chất và lượng, cơ bản khắc phục được những hạn chế, yếu kém, đặc biệt là khẳng định được tiềm năng, triển vọng phát triển.
Bên cạnh những mặt được, khu vực KTTT, HTX cũng còn một số hạn chế. Trước hết, nhận thức của người dân, cơ quan quản lý KTTT, HTX được nâng lên, nhưng vẫn còn tâm lý ngại tham gia KTTT, HTX.
Mặt khác, tốc độ tăng trưởng còn thấp, tỷ trọng đóng góp vào GDP chưa ngang tầm…
Trong thời gian tới, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phát triển KTTT, HTX phù hợp với tình hình mới, thực tiễn ở nước ta.
Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện thể chế và tháo gỡ “điểm nghẽn” về thể chế theo hướng tôn trọng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
Vận dụng sáng tạo khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số trong chuyển đổi nền kinh tế sang nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn; huy động mọi nguồn lực hợp pháp trong phát triển.
Có mô hình quản trị KTTT, HTX tiên tiến kết hợp với mô hình truyền thống là phù hợp với tình hình hiện nay.
Thủ tướng yêu cầu phải tạo sự cạnh tranh lành mạnh, gắn với việc mở rộng thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm.
Đồng thời, tăng cường liên doanh, liên kết xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi, theo thế mạnh của từng khu vực, vùng miền, quy hoạch vùng nguyên liệu hợp lý; nâng cao trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, người tham gia các chủ thể này…
M. THÀNH