Kỳ vọng đầu năm
Năm 2022 dự báo kinh tế - xã hội của Tiền Giang tiếp tục gặp khó khăn do tác động của dịch Covid-19... Tuy nhiên, với nỗ lực thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và thực hiện các chương trình an sinh xã hội sẽ phần nào giúp cho người dân và doanh nghiệp dần trở lại cuộc sống bình thường mới và ổn định sản xuất, kinh doanh.
Công ty TNHH Hữu Biên bắt đầu năm mới với nhiều hợp đồng mới. |
Bước vào nhịp sống mới, Tiền Giang sẽ tập trung tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp về tình hình hoạt động, thị trường tiêu thụ, nguyên liệu sản xuất, lao động; rà soát lại tình hình sản xuất ở từng ngành, đặc biệt là các ngành dệt may, da giày, chế biến thủy sản, sản xuất kim loại, cơ khí; các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến, chế tạo, công nghiệp hỗ trợ... tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp; tiếp tục phối hợp triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ của Trung ương và của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh…
Dựa trên điều kiện thực tế và dự báo tình hình, Tiền Giang cũng đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể trong năm 2022 như: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP theo giá so sánh 2010) tăng 6% - 7%; GRDP bình quân đầu người đạt 60,2 triệu đồng; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3,35 tỷ USD; có 670 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới…
Đại diện Công ty TNHH Hữu Biên cho biết, bắt đầu chu kỳ sản xuất mới theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, nhiều hợp đồng mới cũng đã được ký kết. Công ty cũng đặt ra mục tiêu trong năm 2022 là sản lượng bê tông tươi bán ra cao hơn 30% so với năm 2021, với khoảng 150.000 m3, mở rộng thị trường đối với sản phẩm cấu kiện đúc sẵn. Trong năm mới, trước tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, để ổn định sản xuất, công ty vẫn thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K, kiểm tra chặt chẽ nhân viên thường xuyên đi công trình. Công ty cũng hy vọng dịch Covid-19 sẽ được kết thúc, công nhân có việc làm ổn định, đẩy nhanh sản xuất, kinh doanh, nhịp sống trở lại bình thường như đà phát triển trước đây. Bên cạnh đó, công ty cũng mong muốn công nhân cùng đồng hành và chia sẻ với Công ty, hướng đến những mục tiêu mới hơn. |
Bắt nhịp trở lại theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, hầu hết doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã hoạt động. Theo thông tin từ Ban Quản lý các khu công nghiệp, tính đến cuối năm 2021 có hơn 90% doanh nghiệp trong khu, cụm công nghiệp đã được Tổ Công tác 2820 của tỉnh hướng dẫn, góp ý để thông qua phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 và đi vào hoạt động, với tổng số lao động hơn 87 ngàn người. Để góp phần đạt được các mục tiêu mà Tiền Giang đặt ra, trước thềm năm mới, phóng viên Báo Ấp Bắc đã ghi nhận những kỳ vọng từ cộng đồng doanh nghiệp.
* ÔNG BÙI BĂNG SƠN, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI DỊCH VỤ TRÍ SƠN
Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng số lượng khách biết đến các sản phẩm của công ty nhiều hơn, từ đó số lượng hàng hóa dịp Tết Nguyên đán 2022 bán ra tăng so với năm trước. Trong thời gian tới, định hướng của doanh nghiệp là sẽ phát triển chuỗi nhà nuôi yến lên gấp 3 lần hiện nay. Đồng thời, công ty sẽ thành lập trung tâm yến sào tại khu vực miền Tây. Song song đó, công ty sẽ tăng quy mô sản xuất lên 500 lao động, hướng tới thành lập chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ để xuất khẩu các sản phẩm từ yến sang thị trường Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản...
Trong năm 2022, công ty mong muốn dịch Covid-19 sẽ nhanh chóng qua, thị trường tiêu thụ sẽ tốt trở lại. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ cố gắng phát triển thị trường trong năm 2022. Doanh nghiệp cũng mong muốn các cơ quan, ban, ngành hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm vào các chuỗi siêu thị, trung tâm thương mại…
* ÔNG NGUYỄN VĂN ĐẠO, TỔNG GIÁM ĐỐC GODACO
Sau khi triển khai hoạt động trở lại theo tinh thần Nghị quyết 128 của Chính phủ, công ty bắt đầu thực hiện kế hoạch mới cho năm 2022 với một số chỉ tiêu cụ thể như: Kim ngạch xuất khẩu đạt 100 triệu USD, doanh thu 2.500 tỷ đồng, sản lượng xuất khẩu và tiêu thụ khoảng 41.000 tấn; đồng thời, phục hồi tất cả các chế độ của người lao động như trước khi có dịch Covid-19 diễn ra. Với hơn 5.000 lao động cùng với sự nỗ lực chung, công ty hy vọng sẽ đạt được tất cả các chỉ tiêu đặt ra.
Tuy nhiên, công ty cũng đang đứng trước không ít khó khăn, đặc biệt là chi phí đầu vào, nhất là do chuỗi cung ứng đường biển gặp khó khăn nhưng bù lại nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hiện còn khá lớn, giá bán cũng có xu hướng tăng. Thế nhưng, những khó khăn trong ngành được dự báo sẽ được tháo gỡ trong 6 tháng đầu năm 2022.
Hiện nay, dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, đây là giai đoạn để các doanh nghiệp tăng tốc. Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, công ty cũng mong muốn trong năm mới mọi người được khỏe mạnh, an lành, sống bình tĩnh, xử lý đúng mức trước diễn biến thường xuyên của dịch bệnh và công nhân có cuộc sống ổn định, tốt đẹp hơn và hơn hết là được sự ủng hộ, hỗ trợ của chính quyền địa phương.
* ÔNG NGUYỄN VĂN ỬNG, GIÁM ĐỐC CÔNG TY TNHH THƯƠNG MẠI NÔNG THUẬN PHÁT
Trong năm 2022, doanh nghiệp đặt ra 3 mục tiêu chính để phát triển sản xuất, kinh doanh. Thứ nhất là mong muốn cung cấp các mặt hàng phân bón cho nông dân với giá tốt. Tuy nhiên, một mình công ty không thể làm được, do đó, công ty sẽ thực hiện trong hệ thống khách hàng của đơn vị. Để cụ thể hóa mục tiêu này, công ty phải có một lượng lớn hàng nhập sẵn trong kho.
Muốn như vậy, các ngân hàng cần có gói lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ nhập nguyên liệu với giá tốt thì mới bán cho các đại lý được giá tốt và khi đến tay nông dân mới hạ được giá thành sản suất. Thứ hai, hiện nay, giá phân bón vô cơ trên thị trường khá cao, chưa có dấu hiệu giảm.
Theo dự báo, giá phân bón trong thời gian tới sẽ còn ở mức cao. Do đó, công ty sẽ tập trung bổ sung các hoạt chất cho các sản phẩm phân bón của công ty để chống bốc hơi, rửa trôi. Bởi trước nay, nông dân còn sử dụng phân bón lãng phí, lạm dụng phân bón vô cơ rất nhiều.
Do đó, trong thời gian tới, doanh nghiệp sẽ đưa những sản phẩm chống bốc hơi, rửa trôi để giảm chi phí. Thứ 3, nếu tình hình dịch Covid-19 được kiểm soát tốt, doanh nghiệp sẽ tổ chức các chương trình hội thảo tuyên truyền cho nông dân cách sử dụng phân bón tiết kiệm, hiệu quả.
ANH PHƯƠNG - MINH THÀNH