Thứ Hai, 07/02/2022, 14:57 (GMT+7)
.

Nhiều cơ hội tăng trưởng xuất khẩu nông sản

Đóng gói gạo xuất khẩu ở Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long tại Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TÀI
Đóng gói gạo xuất khẩu ở Chi nhánh Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long tại Đồng Tháp. Ảnh: NGỌC TÀI

Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình. Cùng với sự phục hồi của nhiều nền kinh tế trên thế giới khi dịch Covid-19 đang dần được kiểm soát, cũng như lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do phát huy hiệu quả ngày một rõ nét, lĩnh vực xuất khẩu nông sản đang đứng trước nhiều cơ hội tăng trưởng trong năm 2022.

Theo Tổng cục Thống kê, trong cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu tháng 1/2022, nhóm hàng công nghiệp, chế biến chiếm 88,5%, giảm 1,5 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021; nhóm hàng nông sản, lâm sản chiếm 7,7%, tăng 0,7 điểm phần trăm; nhóm hàng thủy sản chiếm 2,9%, tăng 0,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2021. 

Lợi thế từ nông sản chủ lực

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An Phạm Thái Bình cho biết: Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu gạo của công ty vượt gần 70% so với năm 2020 nhờ sự bứt tốc thành công vào những tháng cuối năm ở các thị trường trọng điểm. Riêng thị trường châu Âu, hai tháng cuối năm 2021 công ty giao 4.000 tấn gạo. Với đặc thù đòi hỏi chất lượng cao nhưng giá xuất vào cũng rất cao cho nên đây sẽ là thị trường mà Trung An tập trung đầu tư mở rộng thị phần trong năm 2022 với lợi thế từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA).

Ngoài nỗ lực từ các công ty có truyền thống như Trung An thì năm 2022, ngành hàng gạo cũng có nhiều tín hiệu vui. Giữa tháng 1 vừa qua, Công ty cổ phần Tập đoàn Tân Long đã khánh thành Nhà máy gạo Hạnh Phúc tại xã Lương An Trà, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Nhà máy được xây dựng với quy mô lớn nhất châu Á với diện tích 161.000 m2, công suất sấy đạt 4.800 tấn lúa tươi/ngày, hệ thống 80 silo chứa lúa, công suất xay xát chế biến 1.600 tấn/ngày (lúa khô), nâng tổng công suất gạo thành phẩm đạt 1.000 tấn/ngày. Nhà máy vận hành 100% giải pháp công nghệ được nhập khẩu từ châu Âu như hệ thống tiếp nhận, làm sạch, sấy... Lúa tươi được sấy và lưu trữ với chất lượng cao, giữ được mùi thơm, hương vị của các giống lúa, nhất là đối với các loại gạo thơm. 

Đối với mặt hàng rau quả, cơ hội xuất khẩu trong năm 2022 cũng vô cùng rộng mở, nhất là ở các thị trường như EU, Mỹ, Nhật Bản… Ông Nguyễn Đình Tùng-Tổng Giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: EU đang là thị trường tiềm năng lớn đối với rau quả Việt Nam, nhất là các sản phẩm thế mạnh như chôm chôm, thanh long, dưa, dứa, nhãn, vải… Thực tế, năm 2021, việc xuất khẩu nhiều mặt hàng rau quả, nhất là trái cây bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19. Cuối năm 2021, hàng loạt trái cây bị “tắc đường” sang Trung Quốc do các chính sách kiểm soát dịch từ phía nước bạn thì xuất khẩu sang thị trường EU vẫn ghi nhận sự tăng trưởng. Nếu Việt Nam tăng cường các sản phẩm chế biến sâu, có thể bảo quản dài ngày thì cơ hội xuất khẩu vào thị trường EU càng lớn với giá bán rất cao.

Mỹ cũng là thị trường rất tiềm năng đối với hàng rau quả của Việt Nam, bởi xu hướng ẩm thực ngày càng chú trọng tới các chủng loại rau quả. Trong khi đó, tỷ trọng nhập khẩu hàng rau quả từ Việt Nam của Mỹ vẫn ở mức thấp. Đối với thị trường Ấn Độ, vốn ít được nhắc đến trong thời gian vừa qua, Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ Bùi Trung Thướng thông tin: Ấn Độ có khoảng 1,4 tỷ dân, là quốc gia có tỷ lệ người ăn chay rất lớn cho nên nhu cầu tiêu thụ trái cây khá cao. Nghiên cứu tại bang Telangana cho thấy, một người Ấn Độ tiêu thụ trung bình mỗi tháng 3 kg trái cây. Nếu nhân tỷ lệ này cho cả nước sẽ là khoảng 4 triệu tấn/tháng, cả năm là 48 triệu tấn. Riêng về thanh long, Ấn Độ nhập khẩu 95% sản lượng từ các nước Thái Lan, Malaysia, Việt Nam và Sri Lanka, trong đó chủ yếu là thanh long Việt Nam. Chính vì vậy, đây là “lối ra” rộng mở cho trái cây Việt Nam.   

Hướng tới những kỷ lục mới

Năm 2021, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cả nước đạt kỷ lục với 48,6 tỷ USD, tăng mạnh so với mức 41,2 tỷ USD của năm 2020. Trong đó, sáu mặt hàng có kim ngạch hơn 3 tỷ USD (gỗ và sản phẩm gỗ; tôm; rau quả; hạt điều; gạo, cao su). Năm 2022, kim ngạch xuất khẩu toàn ngành đang được đặt mức kỳ vọng là 50 tỷ USD.

Cơ hội rất lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ, nhất là liên quan đến việc thực thi các quy định mới về tiêu chuẩn, chất lượng nông, lâm, thủy sản xuất khẩu do các nước nhập khẩu đặt ra. Dễ nhận thấy nhất là ở thị trường Trung Quốc với việc áp dụng các lệnh 248, 249 từ ngày 1/1/2022; đồng thời thắt chặt các quy định trong xuất khẩu hàng qua đường tiểu ngạch, bắt buộc chuyển sang xuất khẩu chính ngạch trên cơ sở đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về giấy tờ, thủ tục, chứng nhận hàng hóa từ phía Trung Quốc.

Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ và kiểm dịch động, thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), thì, với Lệnh 249, doanh nghiệp phải chịu trách nhiệm về an toàn thực phẩm ngay cả khi sản phẩm đã xuất khẩu sang Trung Quốc. Do đó, doanh nghiệp cần lựa chọn những đối tác bảo đảm, tin cậy nhằm lưu trữ hồ sơ (ít nhất 6 tháng) được thuận lợi, bên cạnh việc tuân thủ các yếu tố như kho bãi, vận chuyển, kiểm dịch thực vật...

Ngoài ra, Trung Quốc cũng ban hành tiêu chuẩn mới GB 2763-2021 quy định 10.092 mức giới hạn dư lượng tối đa với 564 loại thuốc bảo vệ thực vật, trong danh mục 376 thực phẩm. Đối với các thị trường lớn khác, khi các hiệp định thương mại tự do đã có hiệu lực một thời gian với nhiều ưu đãi thuế quan được thực thi cũng đồng nghĩa với việc các nước sẽ lập thêm “hàng rào” kỹ thuật như an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn về lao động, môi trường... tạo ra thách thức không nhỏ cho nông sản Việt. 

Trước những đòi hỏi của thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu cần thích ứng nhanh và linh hoạt để không bỏ lỡ cơ hội tăng trưởng. Tuy nhiên, chỉ nỗ lực của doanh nghiệp thì chưa đủ mà cần sự hợp sức của hàng chục triệu nông dân trên cả nước trong việc thực hiện sản xuất theo quy trình, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP, đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ vào sản xuất... để ngay từ những khâu đầu tiên của cả chuỗi ngành hàng đã bảo đảm về chất lượng, an toàn, có trách nhiệm với cộng đồng.

Mặt khác, dự báo năm 2022, dịch Covid-19 vẫn tác động đến giao thương hàng hóa trên toàn cầu cho nên các sản phẩm chế biến sâu, đóng hộp... tiếp tục là xu hướng tiêu dùng phổ biến, do đó doanh nghiệp xuất khẩu nên chú trọng vào phân khúc này để thuận lợi trong lưu thông, vận chuyển, bảo quản hàng hóa, đồng thời nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm.

(Theo nhandan.vn)

 

.
.
.