.

Tiền Giang: Các cửa hàng xăng dầu vẫn hoạt động bình thường

Cập nhật: 09:11, 11/02/2022 (GMT+7)

Thông tin thiếu hụt nguồn cung xăng dầu tại các cửa hàng xuất hiện những ngày gần đây. Tuy nhiên, kiểm tra thực tế trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, đến thời điểm hiện nay các cửa hàng kinh doanh xăng dầu vẫn hoạt động bình thường.

Tuy có khó khăn về nguồn cung, nhưng theo Bộ Công thương, các đơn vị cung ứng đang nỗ lực để bù đắp nguồn hàng có khả năng thiếu hụt để hoạt động của các cửa hàng xăng dầu diễn ra thông suốt.

CHƯA PHÁT HIỆN ĐẦU CƠ, GĂM HÀNG

Xoay quanh thông tin về tình hình thị trường xăng dầu những ngày qua, sáng 10-2, Quyền Giám đốc Sở Công thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 641 cửa hàng bán lẻ xăng dầu, đến ngày 9-2 có 10 cửa hàng xin tạm nghỉ (trong đó có 6 cửa hàng xăng dầu xin tạm nghỉ do Covid-19 và  4 cửa hàng tạm nghỉ để nâng cấp sửa chữa); 11 đơn vị cung ứng xăng dầu, trong đó có 6 thương nhân phân phối, 2 thương nhân phân phối nhận ủy quyền, 1 thương nhân xuất nhập khẩu, 1 tổng đại lý và 1 đơn vị thuộc Tập đoàn Petrolimex.

Để nắm tình hình cung ứng xăng dầu trên dịa bàn tỉnh, UBND tỉnh Tiền Giang đã chỉ đạo Sở Công thương và Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra và giám sát tại các đơn vị cung ứng và phân phối xăng dầu. Theo đó, về nguồn cung xăng dầu, Sở Công thương cho biết, theo thông tin từ các thương nhân phân phối, tổng đại lý, trong thời gian qua do nguồn cung hạn chế nên chỉ cung cấp đủ lượng hàng đảm bảo cho các cửa hàng duy trì hoạt động hằng ngày, không cung cấp đủ theo nhu cầu của các cửa hàng như trước đây.

Mỗi đợt giao hàng chỉ cung cấp từ 2 - 3 m3 xăng dầu cho mỗi cửa hàng. Các thương nhân phân phối, tổng đại lý vẫn duy trì cung ứng hàng nên đến thời điểm hiện nay, các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống phân phối của các đơn vị nêu trên vẫn hoạt động bình thường.

Đề cập về việc chiết khấu bán xăng dầu của các cửa hàng xăng dầu, đại diện Sở Công thương cho biết thêm, theo thông tin từ các thương nhân phân phối, tổng đại lý, hiện nay không có chiết khấu/lít xăng dầu bán ra, các đơn vị cung ứng xăng dầu còn phải gánh chi phí vận chuyển (từ 100 - 200 đồng/lít xăng dầu) cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu. Riêng Công ty cổ phần Thương mại Dầu khí Thuận Tiến giao hàng tại kho nên hỗ trợ 50 đồng chi phí vận chuyển cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu.

Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra tình hình kinh doanh tại một cửa hàng xăng dầu.
Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang kiểm tra tình hình kinh doanh tại một cửa hàng xăng dầu.

Về tình hình khó khăn của các đơn vị cung ứng xăng dầu, cửa hàng xăng dầu, đại diện Sở Công thương tỉnh Tiền Giang cũng cho biết, hầu hết các đơn vị cung ứng xăng dầu đang gánh chi phí vận chuyển và chi phí hoạt động của doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải chịu thêm chi phí chênh lệch giá mua và giá bán khoảng 300 đồng/lít (mua cao - bán thấp) nhằm duy trì lượng hàng cung ứng cho các cửa hàng xăng dầu thuộc hệ thống. 

Bên cạnh đó, do không có chiết khấu, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu đang chịu chi phí hoạt động của cửa hàng (tiền lương, tiền mặt bằng, điện, nước…), ước tính chi phí từ 20 triệu đồng/tháng trở lên (tùy quy mô cửa hàng). Chưa kể, hiện nay lượng hàng cung ứng nhỏ giọt chỉ đủ duy trì cửa hàng hoạt động; đồng thời, không có chiết khấu bán hàng nên trong thời gian tới có thể không đảm bảo nổi chi phí hoạt động, chi phí vận chuyển dẫn đến nguy cơ nhiều cửa hàng xăng dầu gặp khó khăn.

Liên quan đến việc giám sát tình hình mua bán xăng dầu của các cửa hàng bán lẻ, đồng chí Đặng Văn Tuấn cho biết thêm, Cục Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang đã tiến hành giám sát 433 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Kết quả giám sát cho thấy, các cửa hàng này hoạt động bình thường, chưa phát hiện tình trạng đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý.

Cục Quản lý thị trường tỉnh cũng đã kiểm tra đột xuất đối với 1 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn xã Bình Đông, TX. Gò Công, do ngừng kinh doanh mặt hàng xăng. Tuy nhiên, qua kiểm tra thực tế do không còn hàng nên cửa hàng ngừng bán mặt hàng này. Sau đó, cửa hàng đã nhập 6.000 lít xăng để cung cấp cho người tiêu dùng.

NỖ LỰC BÙ ĐẮP NGUỒN CUNG

Liên quan đến tình hình cung ứng xăng dầu hiện nay, tại cuộc họp về bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước diễn ra trong ngày 9-2, Bộ Công thương cho biết, theo báo cáo của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Nghi Sơn, do khó khăn về tài chính nên Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã phải cắt giảm công suất sản xuất từ mức 105% xuống 80% và dự kiến ngừng sản xuất vào sau Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, theo chỉ đạo của Chính phủ và sau khi có nguồn cung cấp bổ sung tạm thời về tài chính từ phía PVN (Tập đoàn Dầu khí Việt Nam), Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn hiện vẫn duy trì sản xuất với công suất khoảng 60% và dự kiến sẽ nâng dần công suất lên 85% từ ngày 12-3 và lên mức 100% từ ngày 15-3. Việc duy trì sản xuất tạm thời đến khoảng tháng 5-2022.

Còn theo báo cáo của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn, do nguồn cung xăng dầu trong nước thời gian vừa qua giảm nên từ trước tết Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn đã nâng công suất lên 103% và từ ngày 7-2 đã nâng công suất lên 105%. Dự kiến Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn sẽ cung cấp cho thị trường 300.000 m3 xăng và 300.000 m3 dầu mỗi tháng.

Bộ Công thương cũng cho biết thêm, lượng xăng dầu tồn kho tại các doanh nghiệp đầu mối (đến ngày 27-1) còn khoảng 1,3 triệu m3 các loại (620 ngàn m3 xăng, 650 ngàn m3 dầu diesel, chưa kể lượng tồn kho của các thương nhân phân phối và đại lý); dự kiến lượng mua vào để cung ứng cho thị trường đến hết tháng 2-2022 khoảng 1,55 triệu m3 (trong đó 600 ngàn m3 xăng và 950 m3 là dầu diesel; về nguồn, gồm 800 ngàn m3 các loại từ nguồn trong nước và 750 ngàn m3 từ nguồn nhập khẩu). Với nhu cầu khoảng 1,8 - 2 triệu m3 xăng dầu các loại/tháng, nguồn cung như trên cơ bản đáp ứng nhu cầu thị trường trong tháng 2-2022. Từ tháng 3, nguồn cung có thể giảm, lượng tồn kho thấp so với các tháng thông thường.

Tuy nhiên, Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch chạy đủ 100% công suất từ ngày 13-3. Hiện các thương nhân đầu mối cũng đã có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (nếu Nhà máy Lọc hóa dầu Nghị Sơn không bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất như kế hoạch). Hiện nay, Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đã có kế hoạch nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam ngày 20-2 là 26.000 m3 xăng và 42.000 m3 dầu; Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng đã ký kết các hợp đồng nhập khẩu để bảo đảm cung ứng xăng dầu cho thị trường theo đúng kế hoạch đã đăng ký. Lượng bán xăng dầu ra thị trường của Petrolimex trong tháng vừa qua đã tăng khoảng 30% so với các tháng thông thường. Ngoài ra, các thương nhân đầu mối xăng dầu khác cũng đang tích cực triển khai việc ký kết, nhập khẩu xăng dầu.

Bộ Công thương cũng cho biết thêm, tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Hóa dầu Quân đội, Công ty Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh… (chiếm trên 90% thị phần), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay. Cục bộ tại một số địa phương phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai) có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.

Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Vụ Thị trường trong nước đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn như đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho địa bàn TP. Cần Thơ; yêu cầu Công ty TNHH MTV Dầu khí Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro) cung cấp hàng cho Công ty Xăng dầu Bông Sen Vàng, Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Resol để kịp thời bổ sung nguồn hàng cho các cửa hàng xăng dầu tại Hậu Giang và Cần Thơ.

Ngoài ra, một số doanh nghiệp có hiện tượng hạn chế bán hàng ra để chờ tăng giá, việc này đã được các cơ quan chức năng trên địa bàn các tỉnh kiểm tra và xử lý nghiêm hành vi vi phạm theo quy định. Tại các tỉnh: Long An, An Giang, Hậu Giang, Đồng Nai… ngay sau khi Sở Công thương các tỉnh phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiến hành kiểm tra, các cửa hàng đã bán hàng trở lại…

NHÓM PVKT

.
.
.