.

Tiền Giang: Chuyển chức năng quản lý nhà nước các cụm công nghiệp từ Ban Quản lý các KCN về Sở Công thương

Cập nhật: 10:56, 17/02/2022 (GMT+7)

(ABO) Sáng 17-2, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Phạm Văn Trọng chủ trì Hội nghị tổng kết thực hiện Đề án thí điểm quản lý nhà nước các cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Theo quy hoạch phát triển ngành Công nghiệp tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh có 27 CCN với diện tích 1.007 ha.

Đến nay, toàn tỉnh có 10 CCN được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, trong đó có 5 CCN đã kêu gọi được nhà đầu tư.

5 CCN này đã kêu gọi được 79 dự án thứ cấp với tổng vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng và 150,3 triệu USD.

Diện tích đất thuê là 88,73 ha/120,56 ha, chiếm 73,6% diện tích đất công nghiệp cho thuê, tạo việc làm cho hơn 11.800 lao động.

Theo UBND tỉnh, trước thời điểm thí điểm quản lý nhà nước các CCN vào năm 2013, công tác quản lý nhà nước đối với các CCN trên địa bàn tỉnh còn nhiều bất cập, hạn chế, khó khăn trong mời gọi đầu tư, quản lý điều hành, bảo vệ môi trường, cơ chế, chính sách…

Từ năm 2013 đến nay, Ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh trong việc quản lý nhà nước về CCN đạt nhiều kết quả khả quan. Hạ tầng các CCN cơ bản đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp thứ cấp.

Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Phạm Văn Trọng phát biểu tại hội nghị.

Trước khi thực hiện thí điểm giao quản lý nhà nước đối với CCN, việc thực hiện các thủ tục hành chính liên quan đến quản lý CCN do nhiều cơ quan khác nhau thực hiện nên mất nhiều thời gian.

Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm, việc giải quyết các thủ tục hành chính được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông được tập trung về một đầu mối nên được thực hiện nhanh chóng hơn…

Năm 2017, Chính phủ ban hành Nghị định 68 về quản lý, phát triển CCN (được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 66 năm 2020).

Theo quy định tại Nghị định này, nhiệm vụ đầu mối quản lý nhà nước đối với CCN trên địa bàn tỉnh được giao cho Sở Công thương thực hiện.

Tại hội nghị, các địa phương đã nêu lên tình hình triển khai các thủ tục kêu gọi đầu tư các CCN trên địa bàn tỉnh.

Đồng thời, thống nhất việc chuyển giao nhiệm vụ quản lý nhà nước các CCN từ Ban Quản lý các KCN về Sở Công thương theo quy định của Chính phủ.

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Phạm Văn Trọng yêu cầu, sau hội nghị này, Ban Quản lý các KCN và Sở Công thương phải tập trung chuẩn bị mọi điều kiện để bàn giao và tiếp nhận việc quản lý nhà nước các CCN từ ngày 1-3-2022.

Văn phòng UBND tỉnh theo dõi phối hợp để thực hiện các thủ tục đúng quy định pháp luật.

Để phát huy vai trò, trách nhiệm của Sở Công thương khi nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước các CCN, rút kinh nghiệm trong giai đoạn thí điểm vừa qua, những mặt yếu kém, bất cập chưa tốt phải chấn chỉnh, những mặt đã tốt thì phải phát huy, đặc biệt là phải có những cái mới, ví dụ như: Thủ tục hành chính, thu hút doanh nghiệp…

M. THÀNH

.
.
.