Tiền Giang: Giá cả không tăng đột biến trong dịp tết
(ABO) Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang, mặc dù vừa trải qua đợt dịch bùng phát năm 2021, nhưng sau nhiều tháng liên tục khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, hàng hóa phục vụ Tết năm nay vẫn rất phong phú, dồi dào, không xảy ra hiện tượng mất cân đối cung cầu.
Các doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn giá đều bảo đảm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo thấp hơn giá thị trường từ 5% - 10% (8 doanh nghiệp, hợp tác xã tham gia với tổng trị giá hàng hóa dự trữ, cung ứng 402 tỷ đồng, trong đó 97,6 tỷ đồng là hàng thiết yếu, 95% là hàng trong nước).
Bên cạnh đó, trên lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm được quan tâm: Các ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công thương, Y tế... tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất, mua bán bánh kẹo, lương thực, thực phẩm, đảm bảo sức khoẻ nhân dân trước, trong và sau Tết. Theo đó, ngành Nông nghiệp có cuộc kiểm tra chuyên đề sản phẩm nông, thủy sản tại 10 cơ sở, lấy 36 mẫu sản phẩm các loại thực hiện test nhanh hàn the, formol, phẩm màu, kết quả 36 mẫu đều đảm bảo an toàn thực phẩm.
Giá cả hàng hóa không tăng đột biến trong dịp tết. |
Các huyện, thành, thị cũng tổ chức các cuộc kiểm tra thị trường, số vi phạm rất ít (như TX. Cai Lậy kiểm tra 19 điểm bán thịt heo, chỉ có 2 điểm vi phạm...); Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng kiểm tra tại 6 cơ sở kinh doanh hàng đóng gói sẵn và 14 cơ sở kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh đều cho kết quả chấp hành đúng quy định về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng.
Ngoài ra, tình hình niêm yết giá và mua bán theo giá niêm yết tại các chợ đạt tỷ lệ từ 70% - 90%. Riêng tại các siêu thị, các điểm bán hàng bình ổn việc niêm yết giá đạt 100%. Tại các huyện, TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, TX. Cai Lậy, việc mua bán theo giá niêm yết được các hộ kinh doanh, tiểu thương hưởng ứng tích cực. Nhìn chung, giá cả hàng hóa trong những ngày Tết không tăng đột biến, riêng thịt heo ngày 28 Tết do nhu cầu tăng cao, người dân tập trung chuẩn bị cho món ăn truyền thống ngày Tết, nên giá tăng bình quân khoảng 20%, sau đó bình ổn lại. Năm nay, người dân mua sắm nhiều sản phẩm trong một lần mua nhằm đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19, do vậy sức mua những ngày cận Tết tuy tăng 25% - 35% nhưng số lượng khách đi mua sắm giảm.
Tết Nguyên đán năm nay có điểm mới là thời điểm sau Tết giá cả gần như không biến động lớn: Giá hàng hóa mùng 3 Tết vẫn bằng với mùng 2, các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, dầu ăn, bột ngọt, thủy hải sản, trứng vịt, trứng gà đều tương đương so với trước Tết. Đặc biệt, khác với mọi năm, ngay từ chiều mùng 1 Tết, không ít cửa hàng dịch vụ tư nhân (nhất là ăn uống, giải khát…) đã mở cửa, một số tiểu thương kinh doanh trái cây, rau, thịt, thủy sản tại các chợ truyền thống hoạt động trở lại từ sáng ngày mùng 2 Tết… cho thấy sau dịch, nhu cầu sớm được phục hồi kinh doanh là một thực tế, đây cũng là dấu hiệu đáng phấn khởi trong năm mới này.
Nhìn chung, việc chuẩn bị hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán 2022 được triển khai chu đáo, kịp thời theo chỉ đạo của Bộ Công thương và Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang. Hàng hóa được dự trữ, đảm bảo số lượng, chất lượng để cung ứng phục vụ nhu cầu trong dịp Tết, không xảy ra tình trạng khan hiếm hàng, sốt giá...
TA