Tiền Giang tăng tốc đầu tư công
Để tạo động lực trong khôi phục và phát triển kinh tế sau đại dịch, tỉnh Tiền Giang đã tập trung triển khai các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2022.
CHỦ ĐỘNG
Những năm gần đây, Tiền Giang luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành phố của cả nước dẫn đầu về tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công. Đạt được điều này là nhờ sự chủ động trong công tác chuẩn bị đầu tư và triển khai đồng bộ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công.
Năm 2022, Tiền Giang sẽ triển khai nhiều dự án trọng điểm. |
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), ngay từ giữa năm 2021, UBND tỉnh Tiền Giang đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết kế hoạch đầu tư công năm 2022. Điều này giúp các chủ đầu tư chủ động chuẩn bị hồ sơ, tạo điều kiện cho các công trình năm 2022 có thể khởi công ngay từ những tháng đầu năm. Ngay sau HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công năm 2022, UBND tỉnh đã tổ chức triển khai kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 và giao vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 vào giữa tháng 12-2021 để các chủ đầu tư sớm triển khai thực hiện.
Chủ tịch UBND huyện Châu Thành Huỳnh Văn Bé Hai cho biết, năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn huyện khoảng 220 tỷ đồng. Từ nguồn vốn này, huyện sẽ triển khai các công trình trọng điểm như: Trường Tiểu học Bàn Long, Trường Tiểu học Song Thuận, Trường Mầm non Bàn Long, Trường Mầm non Điềm Hy, Trường Tiểu học Điềm Hy, Hội trường Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Truyền thanh huyện Châu Thành, đường Tống Văn Lộc, đường Bàn Long - Mỹ Long…
Giám đốc Sở KH&ĐT Nguyễn Đình Thông cho biết, theo số liệu của Bộ Tài chính, đến cuối tháng 1-2022, Tiền Giang giải ngân vốn đầu tư công của năm 2021 đạt 98,9%, đứng thứ 1/63 tỉnh, thành phố. Nguồn vốn còn lại chưa giải ngân được chủ yếu do ngân sách cấp huyện quản lý liên quan đến nguồn sử dụng đất và xổ số kiến thiết. |
Theo đồng chí Huỳnh Văn Bé Hai, huyện đã chỉ đạo rất quyết liệt đối với công tác đầu tư công để trong năm 2023, địa phương phấn đấu ra mắt huyện nông thôn mới (NTM). Hiện địa phương đang tổ chức đấu thầu để trong tháng 3-2022 khởi công 4 công trình gồm 2 tuyến đường và 2 trường học. Còn lại, địa phương sẽ tập trung triển khai các công trình giao thông, trường học để hoàn thành các tiêu chí huyện NTM.
Còn tại huyện Gò Công Tây, xác định đầu tư công sẽ tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội của huyện, do đó địa phương rất quyết tâm trong việc triển khai thực hiện. Năm 2022, nguồn vốn ngân sách tỉnh giao cho huyện thực hiện 4 công trình đầu tư công (4 trường học) với khoảng 120 tỷ đồng (vốn giao trong 2 năm). Về nguồn vốn chuyển tiếp, địa phương được giao thực hiện Dự án Mở rộng tuyến huyện lộ 18 (vốn giao giai đoạn 2021 - 2023).
Tuyến đường này đang trong giai đoạn thi công nền hạ. Đối với các nguồn vốn còn lại, địa phương đã tổ chức đấu thầu và đã giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Riêng nguồn vốn ngân sách huyện, năm nay, địa phương dùng nguồn vốn này để tập trung giải tỏa nghĩa địa thị trấn Vĩnh Bình với tổng kinh phí khoảng 48 tỷ đồng. Đây là “nút thắt” ở cửa ngõ phía Nam mà nhiều năm nay huyện không thể mở rộng thị trấn được. Huyện đã tổ chức kê biên, lấy ý kiến dân cư… Đây là một dự án trọng điểm được đầu tư bằng nguồn ngân sách huyện.
Theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, huyện đã chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và đã được HĐND huyện thông qua. Bước vào cuối năm 2021, huyện đã tập trung thuê tư vấn, thiết kế hoàn chỉnh hồ sơ để đấu thầu, chỉ định thầu các dự án theo đúng quy định pháp luật. Hiện địa phương đang đẩy mạnh việc bàn giao mặt bằng để triển khai thi công sớm trong mùa khô. Đây là quyết tâm rất lớn của huyện; bởi huyện xác định có đầu tư mới phát triển. Công trình càng được triển khai sớm sẽ đẩy nhanh quá trình phát triển của huyện.
Còn đối với huyện Tân Phú Đông, trong năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư công của huyện khoảng 142 tỷ đồng. Trong đó, huyện sẽ triển khai 7 công trình khởi công mới, còn lại là các công trình chuyển tiếp. Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông Lê Thanh Đằng, dự kiến vào ngày 29-2, huyện sẽ tổ chức khởi công các công trình trọng điểm như: Đường huyện 83C (xã Tân Thạnh), một số chợ trên địa bàn huyện…
Năm nay, huyện rất quyết tâm trong việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phấn đầu từ bằng đến hơn năm 2021. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị đầu tư các công trình đã được huyện chủ động từ rất sớm. Trong quá trình triển khai thực hiện, huyện sẽ tập trung công tác kiểm tra, đôn đốc để đẩy nhanh tiến độ các công trình.
TẬP TRUNG NHIỀU GIẢI PHÁP
Theo Sở KH&ĐT, năm 2022 là năm triển khai khởi công nhiều dự án quan trọng như: Đầu tư xây dựng hệ thống cống ngăn mặn tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 (tổng mức đầu tư hơn 840 tỷ đồng); đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định, tổng mức đầu tư khoảng 2.000 tỷ đồng; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười (giai đoạn 1), tổng mức đầu tư 600 tỷ đồng; đường tỉnh 864 nối dài (đường dọc sông Tiền với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng).
Thi công mở rộng huyện lộ 18 trên địa bàn huyện Gò Công Tây. |
Ngoài ra, trong năm 2022, các dự án bộ, ngành Trung ương cũng sẽ triển khai đầu tư trên địa bàn tỉnh như: Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Mỹ Thuận 2, Dự án Đầu tư xây dựng công trình nâng cấp tuyến kinh Chợ Gạo giai đoạn 2, Dự án Đầu tư xây dựng công trình cầu Rạch Miễu 2... Trong đó, công tác giải phóng mặt bằng rất quan trọng để triển khai, giải ngân vốn trong năm 2022 và những năm tiếp theo. UBND tỉnh cũng đã thành lập các ban chỉ đạo để tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện các dự án.
Cũng theo Sở KH&ĐT, để đẩy nhanh tiến độ đầu tư công trong năm 2022, Sở cùng các đơn vị có liên quan sẽ khẩn trương hoàn tất hồ sơ, chủ động tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và giải quyết dứt điểm công tác đền bù, hỗ trợ, tái định cư. Đồng thời, thực hiện ứng vốn Quỹ Phát triển đất năm 2022 tạm ứng cho công tác giải phóng mặt bằng nhằm đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình và giải ngân tốt nguồn vốn được giao trong năm 2022.
Bên cạnh đó, đơn vị sẽ thường xuyên kiểm tra, đôn đốc tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, xem đây là nguồn lực quan trọng để bù lại những ngành bị tác động tiêu cực bởi dịch Covid-19. Mặt khác, để triển khai hiệu quả công tác đầu tư công, Sở sẽ tiếp tục điều chuyển kế hoạch vốn năm 2022 giữa nội bộ chủ đầu tư và các chủ đầu tư. Đồng thời, thực hiện nghiệm thu, thanh toán vốn với Kho bạc Nhà nước ngay khi có khối lượng nghiệm thu, không để dồn thanh toán vào cuối năm.
TRỌNG ĐẠT