Thứ Tư, 09/02/2022, 10:38 (GMT+7)
.

Tín hiệu lạc quan từ những ngày đầu năm

Các đơn vị sản xuất, kinh doanh bắt đầu cho một chu kỳ sản xuất mới với mong muốn chạm đến nhiều dấu mốc mới sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19. Những ngày đầu năm mới, không khí ở các doanh nghiệp dường như tất bật.

Công ty cổ phần GODACO bắt đầu chu kỳ sản xuất mới.
Công ty cổ phần GODACO bắt đầu chu kỳ sản xuất mới.

Mở phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, lượng khách hàng đến Vietcombank Tiền Giang khá đông. Phó Giám đốc Vietcombank Tiền Giang Chử Văn Nam cho biết, sau hơn 1 tuần nghỉ tết, nhu cầu của người dân muốn giao dịch với ngân hàng rất lớn.

Theo ông Nam, năm 2022, mặc dù tình hình dịch bệnh có nhiều chuyển biến tích cực, hầu hết người dân được tiêm vắc xin, nền kinh tế dần khôi phục, nhưng đâu đó vẫn còn có những rủi ro nhất định. Chính vì thế, theo định hướng chung của Chính phủ, Vietcombank đã triển khai các kế hoạch, tăng cường hơn nữa các giao dịch ngân hàng điện tử, giảm giao dịch tại quầy và giao dịch tiền mặt thông qua các chương trình cụ thể như: Vietcombank khuyến khích khách hàng giao dịch qua Internet, tất cả giao dịch qua Internet đều được miễn phí, đặc biệt khách hàng có thể mở tài khoản nhưng không cần đến trực tiếp tại ngân hàng.

“Trong mọi hoàn cảnh, ngân hàng vẫn là huyết mạch của nền kinh tế. Vì thế, Vietcombank đồng thời triển khai các chương trình hoạt động nhưng cũng đảm bảo an toàn, tuân phủ nguyên tắc phòng, chống dịch. Cũng giống như năm 2021, dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp nhưng Viecombank vẫn xác định mục tiêu kép là an toàn cho nhân viên và cung ứng vốn cho nền kinh tế. Năm 2021, Vietcombank tăng trưởng 13% về vốn huy động, tăng 12% về hoạt động tín dụng và hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Năm 2022, Vietcombank tập trung cung ứng vốn vào nhóm đối tượng khách hàng ưu tiên như lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn, doanh nghiệp vừa và nhỏ…” - ông Chử Văn Nam cho biết.

Nhiều khách hàng đến giao dịch với Vietcombank Tiền Giang sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.
Nhiều khách hàng đến giao dịch với Vietcombank Tiền Giang sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Cũng như các đơn vị khác, Hợp tác xã Quang Minh cũng bắt đầu chu kỳ sản xuất, kinh doanh với nhiều kỳ vọng mới. Ông Cao Dũng Khanh, Giám đốc Hợp tác xã Quang Minh cho biết, sau thời gian giãn cách, ngày đầu năm Quang Minh ra quân hết sức khẩn trương để tranh thủ hoàn thành các hợp đồng đã ký trước đó với khách hàng.

Trong điều kiện khó khăn của năm trước nhưng Quang Minh đã vượt qua được, với doanh số tăng khoảng 30%, kim ngạch xuất khẩu cũng tăng khá, là dấu hiệu tích cực của hợp tác xã. Chưa kể, nhu cầu khách hàng hiện tăng cao nên Quang Minh đang tập trung sản xuất để kịp thời giao cho các đơn hàng lớn. Quang Minh có lợi thế là được nhiều khách hàng truyền thống ký hợp đồng luân phiên trong giai đoạn từ 3 - 6 tháng. Thực tế hiện nay, Quang Minh đã nhận được những đơn hàng cho tháng 4 đến tháng 6.

“Hiện nay, mỗi tháng Quang Minh xuất khẩu khoảng 40 - 50 container và dự kiến trong năm 2022 tăng thêm khoảng 20% mới đảm bảo đáp ứng nguồn hàng cho khách hàng; bởi hàng của Quang Minh phong phú về mẫu mã, đảm bảo về chất lượng, ổn định sản lượng nhờ đầu tư khép kín từ sản xuất khung sườn, dây nhựa, chủ động được nguồn nguyên liệu lục bình và đang tiếp tục đầu tư thêm nhà máy làm khung sườn sắt để đảm bảo sản xuất ổn định theo đơn đặt hàng của khách” -  ông Cao Dũng Khanh cho biết.

Nhiều công trình giao thông quan trọng trên địa bàn tỉnh cũng được khởi công xây dựng tạo khí thế mới ngay từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022. Đáng chú ý là Dự án Cầu Cái Thia và cầu bắc qua sông Mỹ Đức Tây để kết nối thông tuyến đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) và kết nối đường huyện 78 với đường huyện 71B vào đường tỉnh 864, tạo trục giao thông theo hướng Đông - Tây và giúp giảm tải lưu lượng giao thông trên Quốc lộ 1. Dự án này được chính thức khởi công xây dựng vào ngày 10-2.

Song song đó, Dự án Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50 để hoàn thiện đường tỉnh 873, kết nối giao thông trong vùng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội khu vực phía Đông cũng được chính thức khởi công vào ngày 9-2. Ngoài ra, nhiều công trình, dự án quan trọng có quy mô lớn, điểm nhấn là đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền) cũng đang chuẩn bị triển khai, góp phần mang lại diện mạo mới cho Tiền Giang trong thời gian tới.

Ở nhóm ngành thủy sản chế biến xuất khẩu, với số lượng công nhân lớn, cũng đã bắt đầu cho chu kỳ mới. Tổng Giám đốc một doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu có quy mô lớn trong Khu công nghiệp Mỹ Tho cho biết, sau thời gian nghỉ tết, từ mùng 6 Tết công ty hoạt động trở lại với lượng lao động đạt khoảng 90%. So với các năm trước, đầu năm nay lượng công nhân trở lại làm việc cao hơn, điều này mang lại ý nghĩa lớn cho việc phục hồi, phát triển của công ty sau thời gian chịu tác động của dịch bệnh.

Đây là tín hiệu đáng mừng, đặc biệt là lực lượng công nhân cũng rất hồ hởi cho ngày làm việc đầu năm. Trên tinh thần này. công ty đặt ra mục tiêu tăng trưởng chung trong năm 2022 từ 20% - 30% cho từng nhóm chỉ tiêu. Với đà phục hồi nhanh, nhu cầu tiêu thụ lớn, lực lượng lao động dồi dào như hiện nay…, các chỉ tiêu được công ty đặt ra trong năm 2022 sẽ hoàn thành.

“Thật sự, trong quý IV-2021 tình hình kinh tế có dấu hiệu lạc quan, nhờ đó công ty cơ bản phục hồi hoạt động, đạt được kết quả ấn tượng, nhất là sau khi Nghị quyết 128 của Chính phủ được triển khai. Hiện nay, đơn hàng công ty nhận được cũng khá lớn. Với đà này, công ty hy vọng sớm phục hồi nhanh các hoạt động và đạt được nhiều chỉ tiêu trong năm 2022” - Tổng Giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

Nhìn một cách tổng thể hơn, sau khi thực hiện Nghị quyết 128 của Chính phủ, hầu hết các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã bắt đầu hoạt động trở lại với nhiều dấu hiệu tích cực hơn. Đây là tiền đề rất quan trọng để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn do tác động của dịch bệnh và chạm đến những dấu mốc mới.

THÁI AN

.
.
.