.
Ùn ứ nông sản và bài toán đầu ra

Bài 3: Những đợt biến động

Cập nhật: 10:05, 28/02/2022 (GMT+7)

BÀI 1: Sức hấp dẫn của "Rồng xanh"

Bài 2: Điểm sáng xuất khẩu rau quả

Không ít khuyến cáo đã được đưa ra trước tình trạng diện tích trồng thanh long ở các tỉnh, thành tăng rất nhanh trong thời gian gần đây, trong đó có Tiền Giang.

Lệ thuộc quá nhiều vào xuất khẩu tiểu ngạch nên khi có những thay đổi chính sách, biến động thị trường, ùn ứ hàng hóa nông sản, nhất là thanh long, dễ diễn ra.

1. Con số phân tích của các nhà chuyên môn cho thấy, có nhiều điểm còn bất cập trong khâu sản xuất và tiêu thụ nông sản, trong đó đáng chú ý là thanh long, nên khi thị trường có biến động dễ dẫn đến tình trạng ùn ứ, cần phải “giải cứu”.

Thống kê từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long toàn tỉnh đạt hơn 9.716 ha (chiếm 12% tổng diện tích cây ăn trái của tỉnh), với năng suất bình quân trên diện tích cho sản phẩm đạt hơn 31 tấn/ha, tổng sản lượng thu hoạch hằng năm đạt khoảng 240.857 tấn và chiếm khoảng 16% sản lượng trái cây toàn tỉnh.

Phân tích thêm về tình hình tiêu thụ, Sở NN&PTNT cho rằng, toàn tỉnh hiện có 17 công ty xuất khẩu trái cây chính ngạch, sản lượng xuất khẩu chính ngạch hàng rau quả trong năm 2021 ước đạt 12.411 tấn, với kim ngạch đạt hơn 26 triệu USD, giảm 1,28% về lượng và tăng 3,7% về trị giá, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc chiếm 2,14%... trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả của tỉnh.

Nếu tính riêng thanh long, tổng sản lượng thu hoạch toàn tỉnh đạt khoảng 240.000 tấn/năm; trong đó, xuất khẩu chính ngạch ước khoảng 3.000 tấn (chiếm hơn 1%), xuất khẩu tiểu ngạch 150.000 tấn (chiếm 62%), cung cấp nhà máy chế biến 25.000 tấn (chiếm 11%), tiêu thụ nội địa dạng tươi khoảng 62.000 tấn (chiếm 26%).

Không ít diện tích trồng lúa ở huyện Gò Công Đông được chuyển sang cây thanh long.
Không ít diện tích trồng lúa ở huyện Gò Công Đông được chuyển sang cây thanh long.

Nhìn vào bức tranh tiêu thụ thanh long mới thấy rằng, tỷ lệ xuất khẩu theo đường tiểu ngạch chiếm khá lớn, phần lớn sang thị trường Trung Quốc, nên khi có tác động của thị trường thì chuỗi cung ứng trong nước bị tắc nghẽn ngay.

Thực tế vừa qua cũng cho thấy, khi Trung Quốc áp dụng chính sách “Zero Covid”, thanh long là một trong những loại nông sản được cho là chịu tác động trực tiếp khi các cửa khẩu phía Bắc tạm dừng giao nhận nông sản.

Trao đổi với chúng tôi, Giám đốc Hợp tác xã Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Trung Quý, một trong những cung ứng thanh long có quy mô tương đối lớn cho biết, thời gian gần đây thanh long không xuất hàng được dẫn đến giá giảm khá sâu.

Từ thực tế này, có thời điểm giá mua tại vườn chỉ dao động từ 4.000 - 5.000 đồng/kg đối với thanh long ruột đỏ, giảm hơn 10.000 đồng/kg. Bên cạnh giá giảm, lượng hàng tiêu thụ cũng giảm theo, dẫn đến một số kho thu mua thanh long trong khu vực tạm ngưng, một số kho thu mua cầm chừng với số lượng ít.

“Khi tình hình tiêu thụ ở phía Bắc bị ùn ứ, các đơn vị cung ứng chủ yếu bán kênh trong nước nên lượng tiêu thụ không lớn. Hợp tác xã hiện cũng chỉ thu mua thanh long để cung ứng cho các nhà máy chế biến”- anh Nguyễn Trung Quý cho biết thêm.

Trước những biến động của giá thanh long trong thời gian gần đây, theo đánh giá của Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng một số cửa khẩu phía Trung Quốc tăng cường kiểm tra Covid-19, việc thông quan chậm, nên ảnh hưởng đến chất lượng thanh long, giá giảm mạnh.

Chưa kể, toàn tỉnh hiện chỉ có trên 80 kho lạnh, với công suất trên 16.000 tấn, chưa đáp ứng nhu cầu tồn trữ và bảo quản nông sản phục vụ xuất khẩu và cung ứng thị trường trong nước. Bên cạnh đó, số lượng cơ sở xuất khẩu chính ngạch còn ít, chủ yếu xuất khẩu sang Trung Quốc bằng đường tiểu ngạch nên mức độ rủi ro cao.

Theo thống kế của Sở NN&PTNT, trong năm 2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh tương đối chậm, có những thời điểm ùn ứ hàng hóa đã diễn ra.

Phân tích cụ thể hơn, từ tháng 7-2021 đến tháng 9-2021, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nên tình hình tiêu thụ thanh long chậm, giá giảm mạnh còn 1.000 - 4.000 đồng/kg (giảm 3.000 đồng/kg so với thời điểm cuối tháng 6-2021); từ tháng 10-2021 đến ngày 15-12-2021, tình hình tiêu thụ thanh long tương đối ổn định, giá thanh long dao động 10.000 - 15.000 đồng/kg (tăng 11.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó).

Tuy nhiên, từ ngày 15-12-2021 đến cuối tháng 1-2022, do ảnh hưởng tình hình xuất khẩu sang Trung Quốc nên một số cơ sở tạm ngừng thu mua; một số cơ sở thu mua để tiêu thụ tại thị trường nội địa nhưng sản lượng thu mua không nhiều, giá thu mua dao động từ 1.000 - 4.000 đồng/kg, giảm 6.000 - 11.000 đồng/kg.

Từ sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần đến nay, tình hình tiêu thụ thanh long tương đối ổn định, giá thanh long dao động từ 10.000 -15.000 đồng/kg. Tuy nhiên, những ngày gần đây do tỉnh Lạng Sơn và Lào Cai ngưng tiếp nhận xe nên giá thanh long giảm khoảng 5.000 - 10.000 đồng/kg, hiện giá dao động từ 5.000 - 10.000 đồng/kg.

2. Đánh giá của các nhà chuyên môn gần đây cho thấy, hệ thống thu mua thanh long trên địa bàn tỉnh chủ yếu do lực lượng thương nhân đảm nhận, năng lực thu mua của nhóm này chiếm hơn 64% tổng sản lượng thanh long.

Các hợp tác xã, doanh nghiệp vừa sản xuất, vừa thu mua chỉ đạt khoảng 50.000 tấn/năm. Nhìn chung, toàn bộ sản phẩm thanh long trên địa bàn tỉnh được thu mua và đưa ra thị trường tiêu thụ, chủ yếu dưới dạng trái tươi.

Phân tích thêm về cơ cấu tiêu thụ, con số thống kê của ngành Nông nghiệp gần đây cho thấy, đối với thanh long chính vụ có khoảng 30% tiêu thụ ở thị trường TP. Hồ Chí Minh, xuất khẩu chỉ chiếm 10%, 60% còn lại tiêu thụ ở các tỉnh miền Tây. Đối với thanh long nghịch vụ, khoảng 80% được xuất khẩu chủ yếu ở dạng tiểu ngạch hoặc ủy thác, 20% còn lại tiêu thụ ở thị trường nội địa.

Từ thực tế hiện hữu, không ít khuyến cáo được đưa ra dựa trên cơ sở về diện tích trồng thanh long của các tỉnh, thành trên cả nước đang tăng rất nhanh, chưa kể yếu tố dự báo nhu cầu tiêu thụ thanh long trên thế giới. Điểm đáng lưu ý là trên thực tế diện tích trồng thanh long của các tỉnh, thành trên cả nước thời gian gần đây tăng rất nhanh trong khi thị trường tiêu thụ phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc.

Theo dự báo của Bộ NN&PTNT, thị trường tiêu thụ thanh long của Việt Nam trong thời gian tới vẫn chủ yếu là Trung Quốc. Tuy nhiên, Trung Quốc đòi hỏi chất lượng ngày càng cao khi xuất khẩu chính ngạch và trong tương lai sẽ chuyển dịch từ xuất khẩu tiểu ngạch sang chính ngạch.

Trong khi đó, xuất khẩu thanh long Việt Nam sang các thị trường mới (Ấn Độ) và các thị trường khó tính (Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Hoa Kỳ…) cũng như tiêu dùng trong nước và công nghiệp chế biến có tăng trưởng nhưng chưa như mong đợi, trong khi các nước khác trên thế giới (Trung Quốc, Thái Lan, Philippines…) cũng đang quan tâm tăng sản lượng sản xuất thanh long.

Trước thực trạng hiện nay, theo dự báo của Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN&PTNT), thị trường thanh long sẽ gặp khó khăn trong thời gian tới nếu Việt Nam tiếp tục tăng diện tích trồng thanh long và chất lượng thanh long không đáp ứng tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Bởi, Trung Quốc chiếm tỷ lệ rất lớn trong tổng cơ cấu xuất khẩu thanh long của Việt Nam. Tuy nhiên, tốc độ xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc đã không còn duy trì ở mức cao như trong giai đoạn trước. Thống kê cho thấy, những năm gần đây Trung Quốc nhập khẩu dao động từ 530.000 - 550.000 tấn thanh long, trong đó hơn 90% đến từ Việt Nam.

Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, Trung Quốc đang có xu hướng giảm nhập khẩu nhờ nội địa hóa nguồn cung, hoạt động xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng. Chính vì thế, Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản khuyến cáo, các địa phương cần rà soát, quy hoạch trồng thanh long, không phát triển tràn lan, cần có kế hoạch và quản lý chỉ đạo sản xuất phù hợp…

THẾ ANH

(Còn tiếp)

.
.
.