Thêm khó khăn cho việc phục hồi kinh tế
Kể từ 15 giờ chiều 21-2, giá xăng dầu đồng loạt tăng gần 1.000 đồng. Đây cũng là mức tăng giá cao nhất trong 8 năm trở lại đây làm cho việc phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch của người dân và doanh nghiệp đã khó nay càng thêm khó.
Xăng dầu tăng giá được xem là một trong những tác nhân thúc đẩy giá một số nhóm ngành tăng theo, điển hình như vận tải, rộng hơn là chỉ số giá tiêu dùng.
1. Đợt điều chỉnh gần nhất đã đưa giá xăng dầu vọt lên mức khá cao. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 960 đồng/lít, lên mức 25.531 đồng/lít; giá xăng RON95-III tăng 960 đồng/lít, lên mức 26.282 đồng/lít; dầu hỏa tăng 750 đồng/lít, lên mức 19.501 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 940 đồng/lít, lên mức 20.800 đồng/lít… Có thể nói, việc giá xăng dầu liên tục leo thang đã tác động lớn đến nhiều ngành hàng, lĩnh vực; trong đó, lĩnh vực vận tải chịu ảnh hưởng lớn nhất.
Ông Phạm Văn Của, Giám đốc Hợp tác xã Vận tải thủy bộ Châu Thành (huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang) cho biết, hiện hợp tác xã đang hợp đồng đưa, rước công nhân với các doanh nghiệp trong khu công nghiệp; vận tải hàng hóa, dịch vụ vận tải. Dù giá xăng dầu tăng, nhưng phí đưa, rước công nhân vẫn không tăng. Bên cạnh đó, nhu cầu dịch vụ vận tải chưa hoạt động lại bình thường như trước dịch. Chưa kể, các phương tiện container hiện không thể vận chuyển nông sản ra các cửa khẩu phía Bắc để xuất khẩu nên đơn vị gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Của, xăng dầu chiếm khoảng 40% giá thành dịch vụ. Do đó, giá tăng cao chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận. Thế nhưng, hiện nhu cầu vận tải hàng hóa hiện không cao. Dù xăng dầu tăng giá nhưng đối tác không chịu tăng giá giá cước vận tải thì hợp tác xã cũng phải chịu.
Xăng dầu tăng giá tác động trực tiếp đến lĩnh vực vận tải. |
Tương tự như nhiều đơn vị kinh doanh vận tải khác, thời điểm này, Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang cũng đang gặp nhiều khó khăn do xăng dầu liên tục tăng giá. Ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang cho biết, lượng khách đi lại sau đại dịch không nhiều, doanh nghiệp đang nỗ lực tìm khách. Tuy nhiên, hiện giá xăng dầu lại tăng cao càng làm cho doanh nghiệp thêm khó khăn. “Công ty đang làm văn bản để trình Sở Giao thông Vận tải xin tăng giá vé xe buýt khoảng 2.000 - 3.000 đồng, chứ không thể tăng nhiều do sẽ ảnh hưởng lớn đến người dân”- ông Đỗ Văn Chung cho biết.
Giá xăng dầu biến động không chỉ ảnh hưởng lớn đến các doanh nghiệp vận tải, mà còn ảnh hưởng đến các đơn vị sản xuất. Theo ông Huỳnh Văn Danh, Giám đốc Công ty TNHH Vinh Hiển (huyện Gò Công Tây), những ngày qua, giá xăng dầu liên tục tăng khiến chi phí vận chuyển gạo tăng lên khoảng 50 đồng/kg. Hiện doanh nghiệp có 5 phương tiện phục vụ cho việc vận chuyển gạo cung ứng cho các đối tác trong và ngoài tỉnh. Giá xăng dầu tăng làm tăng chi phí sản xuất, tất nhiên ảnh hưởng đến lợi nhuận của công ty, do trong khi hiện tình hình tiêu thụ gạo cũng tương đối chậm.
2. Nhìn ở khía cạnh khác, xăng dầu tăng giá còn tác động trực tiếp hoặc gián tiếp đến nhiều lĩnh vực khác và hơn hết là tác động đến chỉ số giá tiêu dùng. Một trong những lĩnh vực dễ nhận thấy dưới tác động của xăng dầu là đối với những phương tiện khai thác thủy sản. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, ngư dân chịu tác động rất lớn do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới dần khôi phục hoạt động lại gánh thêm chi phí xăng dầu tăng liên tiếp.
Theo tính toán của chủ phương tiện khai thác thủy sản, với mức xăng dầu như hiện nay, ngư dân phải gánh thêm từ 20% - 25% chi phí cho mỗi chuyến ra khơi. Ông Nguyễn Thành Ba (phường 2, TP. Mỹ Tho), chủ phương tiện khai thác thủy sản cho biết, trong năm 2021 phải tạm ngưng ra khơi một khoảng thời gian dài do dịch Covid-19.
“Những chuyến đi biển mới được chúng tôi khởi động lại vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, việc giá nhiêu liệu liên tục biến động tăng, trong khi giá tiêu thụ hải sản còn ở mức khá thấp, khiến các chuyến ra khơi của gia đình cũng gặp không ít khó khăn. Nhưng để duy trì nghề truyền thống và giữ chân bạn ghe, chúng tôi vẫn phải tiếp tục cho tàu ra khơi”- ông Ba cho biết thêm.
Không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng xăng dầu Ngày 23-2, Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Tiền Giang cho biết, thực hiện cao điểm về kiểm tra, giám sát đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn tỉnh từ ngày 28-1 đến ngày 22-2, lực lượng QLTT thường xuyên có mặt, giám sát chặt chẽ hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn quản lý; đồng thời, tăng cường công tác quản lý địa bàn, chủ động theo dõi, nắm chắc diễn biến tình hình, nhất là trước thời điểm điều chỉnh tăng giá xăng dầu trong 2 lần vào các ngày 11-2 và 21-2 vừa qua. Theo đó, lực lượng QLTT đã kiểm tra đột xuất 4 vụ, phát hiện 3 vụ vi phạm, xử lý 1 vụ, thu phạt 15 triệu đồng; còn 2 vụ đang hoàn chỉnh hồ sơ xử lý. Các hành vi vi phạm như: Không đăng ký hệ thống phân phối; không đăng ký thời gian bán hàng; giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu hết hiệu lực; bán cao hơn giá niêm yết; sử dụng nhân viên trực tiếp kinh doanh tại cửa hàng bán lẻ xăng dầu không được đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ về phòng cháy, chữa cháy và bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lực lượng QLTT còn tiến hành giám sát tổng cộng 1.193 lượt đối với các cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn toàn tỉnh. Nhìn chung, không xảy ra tình trạng đầu cơ, găm hàng, cắt giảm thời gian, số lượng bán hàng, tạo khan hiếm nguồn cung xăng, dầu. Ý PHƯƠNG |
Nhìn từ thực tế, giá xăng dầu tuy chiếm tỷ lệ không lớn trong cơ cấu giá thành nhưng ít nhiều cũng tác động, nhất là nhóm phương tiện vận tải và nguyên liệu sản xuất đầu vào. Điều này tạo nên tác động dây chuyền đến giá thành sản xuất sản phẩm và tất nhiên sẽ tác động đến giá bán nhiều nhóm ngành trên thị trường.
Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, nhu cầu tiêu thụ trên thị trường còn ở mức thấp, việc tăng chi phí sản xuất làm cho lợi nhuận của nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng.
Theo đánh giá của ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hợp tác xã Rạch Gầm, ngoài việc ảnh hưởng đến lợi nhuận của các doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng còn kéo theo các dịch vụ khác tăng theo. Giá xăng dầu trong nước phụ thuộc vào giá dầu của thế giới và các loại thuế.
“Giá xăng dầu trong nước hiện đang chịu nhiều loại thuế. Để bình ổn giá xăng dầu, Nhà nước cần tính toán xuất Quỹ Bình ổn giá xăng dầu và mức thu các loại thuế đối với mặt hàng xăng dầu phù hợp để giữ giá ở mức tương đối”- ông Trần Đỗ Liêm phân tích thêm.
Nhìn trên phương diện rộng hơn, chuyên gia Nguyễn Bích Lâm cho rằng, giá xăng dầu tăng không chỉ làm tăng giá thành sản phẩm hàng hóa và dịch vụ, mà còn trực tiếp làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI), ảnh hưởng đến thu nhập và chi tiêu của người dân. Theo đó, giá xăng dầu tăng 10% làm cho chỉ số CPI tăng 0,36 điểm phần trăm.
Bên cạnh đó, chi tiêu cho xăng dầu chiếm 1,5% trong tổng tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình. Khi giá xăng dầu tăng cao, hộ gia đình sẽ cơ cấu lại và cắt giảm một phần chi tiêu, điều này làm giảm tổng cầu của nền kinh tế. Tất nhiên, việc đánh giá mức độ tác động của tăng giá xăng dầu đối với từng nhóm ngành cụ thể cũng cần có thời gian đo lường nhất định, vì không chỉ ảnh hưởng trực tiếp, mà còn có tác động gián tiếp…
A.P - MINH THÀNH