Xây dựng hai trạm thu phí trên tuyến chính cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận
UBND tỉnh Tiền Giang đã gửi đề xuất lên Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) về phương án đặt trạm thu phí trên tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn vốn đầu tư cho dự án.
Sau nhiều cuộc làm việc của Bộ GTVT với UBND tỉnh Tiền Giang và được sự chấp thuận của Chính phủ, tỉnh Tiền Giang đã đồng ý với doanh nghiệp đầu tư dự án là CTCP BOT Trung Lương - Mỹ Thuận trình Bộ GTVT về việc xây dựng 2 trạm thu phí trên tuyến chính tại Km51+940 và Km99+200.
BOT Trung Lương - Mỹ Thuận chuẩn bị thu phí trở lại. Ảnh: Báo Vĩnh Long |
Cụ thể: Sẽ đặt 1 trạm tạm trên tuyến chính tại Km51+940 khu vực nút giao Thân Cửu Nghĩa để kiểm soát được toàn bộ phương tiện ra vào tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận; xây dựng nhà điều hành tạm trong phạm vi đã giải phóng mặt bằng của dự án (bên trái tuyến) để phục vụ công tác vận hành, thu phí, điều chuyển thiết bị chưa lắp đặt của 4 làn trên tuyến nhánh đã phê duyệt và bổ sung thiết bị cho hai làn thu phí để lắp đặt cho tuyến chính.
Các trạm thu phí trên tuyến nhánh tại nút giao Cai Lậy, nút giao Cái Bè, nút giao An Thái Trung được giữ nguyên theo hồ sơ thiết kế được duyệt.
Trong quá trình khai thác, nhà đầu tư tiếp tục theo dõi tình hình thực tế, chủ động đề xuất phương án đặt thêm 1 trạm trên tuyến chính tại cuối tuyến (khu vực nút giao An Thái Trung) trong trường hợp cầu Mỹ Thuận 2 và tuyến cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ hoàn thành nhưng chưa thu phí, có nghiên cứu phù hợp với nút giao đường cao tốc Cao Lãnh - An Hữu.
Như vậy, để thông xe tuyến cao tốc này sau hai năm rưỡi về CTCP Trung Lương - Mỹ Thuận quản lý, nâng cấp, dự án sắp thu phí trở lại để tránh chậm trễ kéo dài khi kết nối được với hệ thống thu phí tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương.
Trước đó, doanh nghiệp dự án đề xuất 2 phương án:
(1) Sửa chữa, nâng cấp hệ thống hạ tầng và thay mới hệ thống thiết bị thu phí các trạm thu phí của tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương để thực hiện chức năng kiểm soát đầu vào (hướng TP Hồ Chí Minh đi Mỹ Thuận) và đầu ra (hướng Mỹ Thuận đi TP Hồ Chí Minh) theo nguyên tắc chỉ thu phí các phương tiện lưu thông qua tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận (từ điểm đầu là nút giao Thân Cửu Nghĩa đến điểm cuối là nút giao An Thái Trung và ngược lại).
Mặt khác không thu phí các phương tiện lưu thông trên tuyến cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương (từ trạm chợ Đệm đến điểm đầu cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận là nút giao Thân Cửu Nghĩa và ngược lại). Với phương án này không cần giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư 160 tỉ đồng.
(2) Xây dựng trạm thu phí mới trên tuyến chính tại km51+940. Với phương án này cần phải thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, chi phí đầu tư khoảng 140 tỉ đồng, thời gian triển khai và thi công kéo dài (13 tháng) dẫn đến việc chậm đưa vào thu phí hoàn vốn khoảng 6 tháng, phát sinh phí lãi vay so với phương án 1 khoảng 396 tỉ đồng.
Bên cạnh đó, khi cao tốc TP Hồ Chí Minh - Trung Lương cho phép thu phí trở lại, hệ thống trạm thu phí đặt trên tuyến chính không tận dụng được sẽ gây lãng phí. Vì vậy, tỉnh Tiền Giang đã quyết định đặt trạm tạm trên tuyến chính và 1 trạm cuối tuyến tại nút giao An Thái Trung để đi vào vận hành thu phí.
(Theo thesaigontimes.vn)