Chủ Nhật, 13/02/2022, 15:06 (GMT+7)
.

Xu hướng số hóa - đòn bẩy của tăng trưởng Việt Nam

Lộ trình phục hồi của Việt Nam sẽ được tiếp thêm động lực dựa vào sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số.

Lợi thế dân số “vàng”

Trong bài viết mới đây trên Trang eastspring.com, Việt Nam được biết đến với dân số “vàng”, trong đó gần 56% người dân dưới 35 tuổi, tỷ lệ cao nhất so với các nước có mức thu nhập tương tự trong khu vực.

Với việc thế hệ X và thế hệ Y đang hình thành nên hầu hết lực lượng lao động và thị trường tiêu dùng của đất nước, trong khi thế hệ Z nhanh chóng nổi lên như làn sóng người tiêu dùng tiếp theo, Việt Nam sẽ tăng 8 bậc lên vị trí thứ 18 trong bảng xếp hạng toàn cầu về 30 thị trường tiêu dùng lớn nhất trước năm 2030. Ước tính, tầng lớp có thu nhập trên 700 USD/tháng tại Việt Nam sẽ chiếm 1/3 dân số và dự kiến sẽ tăng gấp đôi quy mô vào năm 2030.

Theo bài viết, số hóa hiện đang trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày của người tiêu dùng tại Việt Nam. Nền kinh tế kỹ thuật số của đất nước đang tăng trưởng ở mức 2 chữ số và tổng trị giá thị trường dự kiến đạt 57 tỷ USD vào năm 2025.

a
Thị trường thương mại điện tử của Việt Nam được kỳ vọng đạt tới 35 tỷ USD vào năm 2025. Ảnh: FINANCIAL TIMES

Thương mại điện tử sẽ là động lực tăng trưởng lớn nhất, củng cố thị trường kỹ thuật số đang phát triển nhanh chóng của Việt Nam. Với mức độ thâm nhập internet ngày càng tăng, việc sử dụng điện thoại thông minh rộng rãi hơn và sự đa dạng các nền tảng mua sắm trực tuyến, thị trường thương mại điện tử dự kiến tạo ra mức tăng trưởng cao hơn 25% mỗi năm và có trị giá thị trường là 35 tỷ USD vào năm 2025, tương đương 1/10 tổng doanh số bán lẻ theo tầm nhìn dài hạn của Việt Nam.

Theo một nghiên cứu của McKinsey, vào năm 2030, 40% số người tiêu dùng của Việt Nam sẽ do thế hệ ra đời trong giai đoạn kỹ thuật số, tức sinh ra vào những năm 1980 đến 2012, thúc đẩy. Trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ phải cung cấp các dịch vụ kỹ thuật số sáng tạo để tăng độ hài lòng cho khách hàng.

Tín hiệu lạc quan từ sản xuất và FDI

Thương mại điện tử Việt Nam, được thúc đẩy bởi xu hướng số hóa và kết hợp với nguồn vốn tăng nhanh, đang trên đà đạt được tốc độ tăng trưởng cao. Do vậy, ngày càng nhiều nhà đầu tư nước ngoài tìm kiếm cơ hội đầu tư vào các nền tảng thương mại điện tử của Việt Nam. Một báo cáo mới đây của Hãng đánh giá xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings kỳ vọng tăng trưởng sẽ tăng tốc lên 7,9% vào năm 2022 và 6,5% vào năm 2023 khi nền kinh tế phục hồi.

Trong khi đó, Công ty Nghiên cứu thị trường IHS Markit (trụ sở tại London, Anh) vừa công bố báo cáo cho biết, Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất của Việt Nam đạt 53,7 điểm, tăng so với mức 52,5 điểm của tháng trước đó.

Cả sản lượng và đơn đặt hàng mới đều tăng với tốc độ mạnh hơn do nhu cầu của khách hàng tiếp tục được cải thiện. Các công ty cũng tin tưởng vào triển vọng sản xuất trong năm 2022. Khoảng 60% số người được hỏi dự đoán sản lượng tăng, phản ánh mức độ lạc quan nhất trong hơn 3 năm qua.

Song song với thương mại điện tử, xuất khẩu hàng “Made in Vietnam” của Việt Nam cũng đạt kỷ lục với số lượng và thị phần lớn trên thị trường quốc tế. Hãng tin Sputnik của Nga nhận định Việt Nam đang được chú ý nhiều hơn với kỳ vọng trở thành trung tâm sản xuất mới của thế giới.

Với việc các dự án có vốn FDI mới, điều chỉnh tăng vốn hàng trăm triệu USD ngay những ngày đầu năm 2022 cho thấy niềm tin của nhà đầu tư vào triển vọng phục hồi kinh tế Việt Nam.

Theo sggp.org.vn

 

.
.
.