Thứ Tư, 23/03/2022, 09:50 (GMT+7)
.
CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU HIỆP HỘI DOANH NGHIỆP TỈNH TIỀN GIANG LẦN THỨ IV, NHIỆM KỲ 2022 - 2027

Các doanh nghiệp nỗ lực thích ứng, phục hồi sản xuất

Đại dịch Covid-19 đã tác động rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng. Tuy nhiên, bằng sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và các ngành cùng nỗ lực vươn lên của cộng đồng DN, hoạt động sản xuất, kinh doanh của các DN dần khôi phục.

VƯỢT KHÓ

Từ tháng 6-2021, do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, tỉnh Tiền Giang phải 7 lần thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội. Điều này đã gây ra những tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và xuất nhập khẩu hàng hóa của các DN. Một số DN phải ngừng hoạt động hoặc giảm quy mô.

Để thực hiện “mục tiêu kép” là vừa phòng, chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn này, tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí hướng dẫn các DN sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”. Theo bà Huỳnh Thị Tuyết Nga, Giám đốc Công ty TNHH Chế biến thực phẩm xuất khẩu Vạn Đức Tiền Giang, thời điểm đầu, DN tự tổ chức sản xuất gắn với phòng, chống dịch theo phương án của đơn vị. Khi tỉnh ban hành Bộ Tiêu chí tạm thời hướng dẫn sản xuất, kinh doanh theo phương án “3 tại chỗ”, DN được sự hỗ trợ của tỉnh để hoàn thiện phương án sản xuất theo bộ tiêu chí này.

Việc áp dụng bộ tiêu chí này đã giúp DN yên tâm sản xuất với số lượng lao động 1.600 người. Với số lượng lao động này, nhà máy hoạt động được khoảng 50% - 60% công suất. Việc tuyển lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ” được lựa từ khu vực “vùng xanh”, “vùng vàng” và tổ chức sàng lọc rất kỹ. Nhờ đó, hoạt động sản xuất trong thời điểm này được an toàn, đáp ứng một phần các đơn hàng của đối tác.

Nhờ thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều DN trên địa bàn tỉnh đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhờ thực hiện phương án “3 tại chỗ”, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã duy trì được hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH Đại Thành cũng là một trong những DN áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” trong thời điểm giãn cách xã hội trên địa bàn tỉnh. Theo ông Hà Văn Tính, Giám đốc Công ty TNHH Đại Thành, thời điểm DN áp dụng sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, điều thuận lợi là hoạt động sản xuất của công ty được an toàn, giữ chân được khách hàng và giao những đơn hàng đã ký kết và ký tiếp những đơn hàng cho những tháng cuối năm 2021. Công nhân lúc đầu bỡ ngỡ, nhưng sau đó dần thích nghi và rất mong muốn để làm việc. Công ty có nhiều chính sách ưu đãi với người lao động. Ngoài lương, DN còn bồi dưỡng thêm 100.000 đồng/ngày cho lao động làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

Tuy nhiên, khó khăn khi sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” là chi phí tăng cao, chủ yếu là chi phí xét nghiệm, ăn ở cho công nhân, nguyên vật liệu đầu vào. Dù vậy, thuận lợi ở đây là DN được duy trì sản xuất nên đây là điều rất quý và có ý nghĩa rất lớn đối với công ty. Nhìn chung, việc sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” đưa ra ngay thời điểm đó rất hiệu quả và thành công, DN rất hài lòng. Trong thời điểm đó, DN vẫn duy trì sản xuất được khoảng 50% - 60% công suất nhà máy. Thuận lợi nhất là DN giải quyết được hàng tồn kho.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, thời gian qua, Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang đã thực hiện tốt việc thông tin, tuyên truyền các chính sách hỗ trợ DN gặp khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19, đặc biệt là các chính sách, giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19 theo tinh thần Chỉ thị 11 ngày 4-3-2020 của Thủ tướng Chính phủ. Song song đó, Hiệp hội DN tỉnh cũng đã chủ động tập hợp nhiều phản ánh, khó khăn, vướng mắc, báo cáo, kiến nghị với tỉnh để tháo gỡ, giải quyết cho DN.

Không chỉ dừng lại ở việc cho phép DN sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, UBND tỉnh còn linh hoạt, tạo điều kiện để các DN duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh trong thời điểm giãn cách xã hội.

Theo đại diện Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam - Tiền Giang, trong thời điểm giãn cách xã hội, DN đã thiết lập được mô hình sản xuất theo phương án “3 tại chỗ” kết hợp với “1 cung đường 2 điểm đến” để duy trì sản xuất. Bước đầu tiên, nhà máy cố gắng hoạt động với khoảng 30% lao động, sau đó từng bước tăng lên khoảng 40% lao động. Trong lúc dịch diễn biến phức tạp, nhà máy vẫn cố gắng kết hợp 2 phương án này đạt hiệu quả đảm bảo an toàn, liên tục sản xuất và sức khỏe người lao động. Công suất nhà máy vẫn duy trì được khoảng 40% - 50%.

PHỤC HỒI SẢN XUẤT

Đứng trước những khó khăn, thách thức của đại dịch Covid-19, UBND tỉnh Tiền Giang đã khẩn trương chỉ đạo ban hành và tổ chức triển khai thực hiện quyết liệt giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt để phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Các giải pháp trọng tâm là ưu tiên tiêm vắc xin phòng Covid-19 cho người lao động của các DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã. Đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo, Tổ công tác, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các DN; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách hỗ trợ cho DN và người lao động gặp khó khăn do Covid-19 gây ra…

Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết DN đã phục hồi.
Đến thời điểm này, hoạt động sản xuất, kinh doanh của hầu hết DN đã phục hồi.

Trên cơ sở đó, từ nữa cuối tháng 10-2021, Tổ công tác của UBND tỉnh Tiền Giang đã tập trung thông qua các phương án sản xuất, kinh doanh đảm bảo an toàn phòng, chống dịch cho các DN trong và ngoài khu, cụm công nghiệp với phương châm: “An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn”. Quá trình triển khai thực hiện với sự vào cuộc và tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành, chia sẻ của người dân và DN, nên từ quý IV-2021 tỉnh đã dần khống chế, kiểm soát được dịch bệnh, kinh tế bắt đầu phục hồi và tăng trưởng trở lại. Đến cuối năm 2021, cơ bản các DN, hộ kinh doanh, hợp tác xã đã hoạt động trở lại trong điều kiện bình thường mới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 3,1 tỷ USD, đứng thứ 2 khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Có thể nói, cùng với sự quan tâm, hỗ trợ của lãnh đạo tỉnh và các ngành, sự nỗ lực vươn lên của các DN chính là chìa khóa để các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chính vì vậy, đến nay, các DN đã vực dậy, khôi phục phát triển sản xuất, kinh doanh mạnh mẽ. Đại diện một DN xuất khẩu thủy sản lớn trên địa bàn huyện Châu Thành cho biết, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhà máy bắt đầu sản xuất trở lại. Công nhân đã làm việc trở lại ổn định. Trong đợt dịch này, dù phải tạm ngừng hoạt động, nhưng rất mừng là DN đã giải quyết được số hàng tồn kho. Khi hoạt động sản xuất trở lại, DN đã có những đơn hàng mới, giá bán tăng hơn 10%.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, qua ghi nhận, đến thời điểm này, nhiều DN đã khôi phục được thị trường của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, giày da, may mặc… Các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam đánh giá cao sự trỗi dậy, phục hồi nhanh của nước ta.

ANH THƯ

.
.
.