Đà tăng giá vẫn tiếp diễn
Giá xăng, dầu liên tục tăng từ đầu năm 2022 đến nay được cho là một trong những nhân tố chính tác động đến nhiều lĩnh vực. Giá cả nhiều loại hàng hóa, dịch vụ cũng từ đó tăng theo.
Trong những nhóm hàng chịu ảnh hưởng lớn từ việc tăng giá xăng, dầu thời gian gần đây, mặt hàng vật liệu xây dựng (VLXD) cũng được xem là có nhiều biến động nhất.
“NÓNG” VỚI GIÁ VLXD
Ghi nhận thực tế trên thị trường hiện nay cho thấy, có nhiều mặt hàng tăng giá, điển hình là ở nhóm VLXD. Theo ông Trần Văn Cường, Giám đốc Công ty TNHH TM-DV-XD Tư Lợi (xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang), giá vật liệu xây dựng đang biến động rất lớn. Sắt, thép là mặt hàng tăng mạnh nhất, kế đến là xi măng, gạch, cát, đá... Phân tích thêm về biến động giá của nhiều mặt hàng, ông Cường cho biết, thời điểm đầu năm 2022, thép có giá khoảng 19.000 đồng/kg, hiện đã tăng lên 22.000 đồng/kg, với mức tăng khoảng 30%. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay. Theo dự đoán, từ nay đến cuối tháng 3-2022, thép có thể tăng lên 23.000 đồng/kg.
Nhóm hàng vật liệu xây dựng đang trên đà tăng giá. |
Bởi hiện nguyên liệu đầu vào không có, các nhà máy, kho cung cấp cho doanh nghiệp với lượng nhỏ giọt. Chưa kể, hiện nay, tất cả các nhà máy sản xuất xi măng đều có thông báo ngày 20-3 tăng giá 5.000 đồng/bao, tăng khoảng 6%. Xi măng hiện giá cao nhất khoảng 90.000 đồng. Trước đó, giá xi măng đã tăng 5.000 đồng/bao vào tháng 10-2021. Gạch xây dựng cũng tăng khoảng 10% so với năm 2021 do chi phí vận chuyển tăng. Cát, đá cũng đang tăng ít nhất khoảng 10%.
Trong đó, đáng chú ý nguồn cát có dấu hiệu khan hiếm, gần như “cháy hàng”. Hiện cát xây dựng có giá khoảng 300.000 đồng/m3, cát san lấp 200.000 đồng/m3, dự kiến sắp tới sẽ tăng thêm khoảng 10%. “Thời điểm này, giá cứ tăng thì những doanh nghiệp kinh doanh VLXD, nhà thầu xây dựng sẽ “đuối”. Bởi người dân khi mua VLXD thường đặt cọc trước, trong khi đó giá thay đổi từng ngày. Doanh nghiệp bắt buộc phải giữ giá đã đặt cọc để giao cho khách nhằm giữ uy tín cũng như thương hiệu”- ông Cường cho biết thêm.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải thủy nội địa Việt Nam cho rằng, về tổng thể, trong cơ cấu giá thành của cước phí vận tải đường thủy thì xăng, dầu chiếm khoảng 20% - 25%, còn đối với giao thông bộ có thể từ 30% - 35%. Với tỷ lệ như thế, xăng, dầu tương đương với chi phí nhân công lao động. Do vậy, khi xăng, dầu liên tục tăng sẽ đẩy giá thành vận tải tăng theo. Một khi giá cước vận tải tăng kéo theo giá thành nhiều loại hàng hóa khác cũng sẽ được điều chỉnh, đương nhiên giá bán hàng hóa trên thị trường cũng sẽ thay đổi dẫn đến mặt bằng giá mới được hình thành. Đây cũng là lúc các chính sách điều tiết của Nhà nước sẽ được thực thi. |
Cùng chung nhận định về biến động giá VLXD, ông Phạm Nguyên Khang, Công ty TNHH Thép Minh Trang (xã Đạo Thạnh, TP. Mỹ Tho) cho biết, hiện thép tấm có giá khoảng 25.000 đồng/kg, thép xây dựng dao động từ 21.000 - 22.000 đồng/kg. Giá tăng khoảng hơn 30% so với thời điểm đầu năm 2022. Nguyên nhân sắt, thép tăng giá là do ảnh hưởng của giá xăng, dầu. Giá xăng, dầu tăng dẫn đến chi phí sản xuất, vận chuyển tăng.
Mặt khác là do tâm lý từ cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine, nguồn hàng xuất, nhập khó khăn nên tác động đến giá sắt, thép. Ông Khang cho biết thêm: “Hiện giá cước vận chuyển thép tăng gấp đôi. Trước đây, doanh nghiệp thuê xe đầu kéo từ TP. Hồ Chí Minh về tới TP. Mỹ Tho với giá 4 triệu đồng, hiện đã tăng lên 8 triệu đồng. Dù giá tăng, nhưng sức mua bình thường, không sôi động như năm 2021. Khi doanh nghiệp báo giá cho khách hàng, họ xem rồi chần chờ. Hiện doanh nghiệp chỉ thi công những công trình nhỏ, còn những công trình lớn, nhà đầu tư đang chờ giá thép giảm để triển khai”.
KHÓ CHO NGÀNH VẬN TẢI
Đánh giá từ thực tế cho thấy, xăng, dầu tăng là nhân tố để đẩy giá các mặt hàng khác. Theo ông Nguyễn Văn Quang, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng - Thương mại Vinh Quang (TX. Gò Công, tỉnh Tiền Giang), giá xăng, dầu tăng đã tác động lớn đến chi phí vận chuyển. Tuy nhiên, chi phí vận chuyển tăng từ từ chứ không tăng một lần. Hiện chi phí vận chuyển tăng từ 15% - 20% theo từng mặt hàng vật liệu xây dựng, từ đó đẩy giá bán tăng theo. Chưa kể, xăng, dầu còn làm giá xuất bán tại các mỏ cát tăng khoảng 20% - 25%.
Theo ông Quang, ngoài sắt, thép, xi măng, cát, đá tăng giá, các mặt hàng trang trí nội thất cũng tăng giá theo. Chưa kể, giá thuê nhân công cũng đang tăng cao. Thời điểm này, phụ hồ doanh nghiệp đã thuê với giá 350.000 đồng/ngày, riêng thợ xây từ 400.000 - 450.000 đồng/ngày. Hiện ở TP. Hồ Chí Minh đang thuê nhân công với giá cao nên kéo lao động từ quê lên thành phố khiến các doanh nghiệp xây dựng đang rất “mệt”.
“Đối với việc thi công các công trình, chi phí xây dựng tăng khoảng 10% - 15% theo tổng mức đầu tư. Dù vậy, do hợp đồng đã ký kết nên doanh nghiệp vẫn phải triển khai thi công theo kế hoạch. Tới đây, chắc chắn doanh nghiệp sẽ có kiến nghị chủ đầu tư trình Sở Xây dựng, UBND tỉnh nghiên cứu xem có cái nào bù giá được không, nếu không được thì nhà thầu sẽ rất khó khăn” - ông Quang cho biết thêm.
Có thể nói, hiện nay, việc giá xăng, dầu liên tục tăng đã dẫn đến giá cước vận chuyển tăng theo. Theo một chủ vựa trái cây tại chợ Thạnh Trị (phường 4, TP. Mỹ Tho), những ngày qua, chi phí vận chuyển trái cây đã tăng theo giá xăng, dầu. Cụ thể, trước đây, một giỏ trái cây được thuê vận chuyển từ chợ đầu mối trái cây An Hữu (huyện Cái Bè) về TP. Mỹ Tho có giá 20.000 đồng, hiện đã tăng thêm 5.000 đồng. Điều này buộc vựa phải cộng thêm chi phí vào giá bán.
Còn theo ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang), do ảnh hưởng của giá xăng, dầu nên chi phí logictics tăng lên rất cao. Cụ thể, trước đây, doanh nghiệp xuất khẩu gạo sang thị trường Trung Quốc 1 tấn khoảng 3 USD, hiện đã tăng lên khoảng 12 USD. Do đó, để duy trì chuỗi cung ứng, doanh nghiệp phải hết sức tiết kiệm, lựa thời điểm để xuất khẩu, chọn hãng tàu có giá cả phải chăng để xuất hàng.
Thực tế cho thấy, dù giá vận tải có tăng do tác động của giá xăng, dầu, nhưng nhiều đơn vị vận tải cũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Theo ông Phạm Văn Của, Giám đốc Hợp tác xã Thủy bộ Châu Thành, giá xăng, dầu tiếp tục tăng làm cho hoạt động vận tải của hợp tác xã ngày càng khó khăn. Hiện đơn vị đang đàm phán với các đối tác để tăng giá cước nhưng phải chờ sự chấp thuận. Do đó, hiện giá cước vận tải hàng hóa, đưa rước công nhân… của hợp tác xã chưa tăng được. Riêng đối với tuyến xe khách cố định, hợp tác xã đang khai thác từ Vĩnh Kim đi Bến xe miền Tây (2 chiếc) đã được cho phép tăng giá 30%. “Thời gian qua, hợp tác xã cố gắng cầm cự để giữ chân đối tác. Bởi hiện nay, nếu mình không giữ chân họ thì người ta sẽ tìm đơn vị khác” - ông Của cho biết thêm.
Cũng chung nhận định này, ông Đỗ Văn Chung, Giám đốc Công ty cổ phần Vận tải ô tô Tiền Giang cho rằng, trước tình hình giá xăng, dầu liên tục tăng, doanh nghiệp đã xin điều chỉnh cước phí vận tải hành khách. Giá xe buýt được điều chỉnh tăng khoảng 3.000 - 4.000 đồng/lượt, tùy theo chặng. Giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay khiến doanh nghiệp thiệt hại rất nhiều. Dù giá cước có được chấp thuận tăng nhưng theo tỷ lệ này thì càng chạy càng lỗ, bởi hiện khách rất ngại đi xe, nguồn khách cũng rất yếu.
TRỌNG ĐẠT - ANH PHƯƠNG