Huyện Chợ Gạo: Liên kết sản xuất, phát triển dừa hữu cơ
Nhằm nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp chủ lực trên địa bàn, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã liên kết với doanh nghiệp (DN) triển khai vùng sản xuất dừa hữu cơ phục vụ chế biến và xuất khẩu.
Nhiều nông dân trồng dừa kỳ vọng vào dự án sản xuất dừa hữu cơ. |
PHÁT TRIỂN VÙNG TRỒNG DỪA HỮU CƠ
Cùng với thanh long, dừa là 1 trong 2 loại nông sản chủ lực của huyện Chợ Gạo. Loại cây này được đánh giá có nhiều tiềm năng và dư địa phát triển. Phó Chủ tịch UBND huyện Chợ Gạo Cao Tấn Hưởng cho biết, hiện diện tích trồng dừa ở địa phương khoảng 8.000 ha.
Với đặc thù riêng, vùng trồng dừa của huyện có 2 khu vực, thứ nhất là vùng phía Tây kinh Chợ Gạo với nguồn nước sản xuất tương đối dồi dào. Tuy nhiên, khu vực phía Đông kinh Chợ Gạo bị ảnh hưởng bởi xâm nhập mặn khoảng 3 - 4 tháng. Do đó, huyện sẽ tập trung cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi để phục vụ tốt việc tưới tiêu.
Theo đồng chí Cao Tấn Hưởng, đến giai đoạn này, việc canh tác theo kiểu truyền thống không còn phù hợp, trước hết là về mặt giá và thị trường tiêu thụ. Do đó, Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã ban hành Nghị quyết về lãnh đạo phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây dừa đến năm 2025 và những năm tiếp theo; trong đó, có định hướng phát triển vùng trồng dừa hữu cơ. Đây là hướng đi đúng và cần thiết đối với việc phát triển cây dừa trên địa bàn huyện.
Để cụ thể hóa mục tiêu này, UBND huyện Chợ Gạo và Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang đã ký kết hợp tác triển khai vùng trồng dừa hữu cơ trên địa bàn huyện Chợ Gạo đến năm 2025 và những năm tiếp theo. Mục tiêu là liên kết nông dân - hợp tác xã (HTX) - DN nhằm nâng cao chuỗi giá trị cây dừa.
Để phát triển vùng trồng dừa hữu cơ, các HTX trên địa bàn huyện đóng vai trò quan trọng trong chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ giữa nông dân và DN. Các HTX sẽ đóng vai trò đầu mối trong việc sản xuất dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ cho thành viên và cung cấp sản phẩm cho DN.
Ông Phạm Văn Giàu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Bình Ninh (xã Bình Ninh, huyện Chợ Gạo), qua tìm hiểu, người dân địa phương rất vui mừng khi dự án sản xuất dừa hữu cơ được triển khai. Nông dân tin tưởng và kỳ vọng việc liên kết sản xuất này sẽ mang lại lợi nhuận cao hơn so với phương pháp truyền thống.
Với quyết tâm cao, HTX sẽ vận động thành viên đăng ký thực hiện quy trình trồng dừa hữu cơ để tăng năng suất, chất lượng và đảm bảo sản xuất nông nghiệp bền vững. Trước mắt, HTX mong muốn chính quyền hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật trong sản xuất dừa hữu cơ.
Có hơn 10 năm gắn bó với cây dừa, nhiều năm qua, ông Trần Văn Liêm, thành viên HTX Nông nghiệp Bình Ninh phải chịu cảnh bán dừa với giá rất bấp bênh. Khi có thông tin dự án trồng dừa hữu cơ sẽ triển khai tại địa phương, ông rất phấn khởi và ủng hộ.
Ông Liêm cho biết, khi sản xuất theo hướng hữu cơ, trong giai đoạn đầu, chắc chắn năng suất dừa sẽ giảm. Tuy nhiên, về lâu dài, năng suất sẽ tăng, chất lượng được đảm bảo, giá bán cao hơn thị trường nên nông dân sẽ được hưởng lợi.
Chưa kể, việc sản xuất dừa theo hướng hữu cơ còn góp phần bảo vệ môi trường, chất lượng. “DN cho biết sẽ thu mua dừa của nông dân với giá tăng từ 5% - 10% so với thị trường nên tôi rất kỳ vọng vào dự án này” - ông Liêm phấn khởi nói.
Đào tạo sản xuất dừa hữu cơ cho lãnh đạo các HTX trên địa bàn huyện Chợ Gạo. |
Còn đối với HTX Tiến Phát Chợ Gạo (xã Xuân Đông, huyện Chợ Gạo), đơn vị cũng nhận thấy việc tham gia chuỗi sản xuất, tiêu thụ dừa hữu cơ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho thành viên HTX. Do đó, HTX rất đồng tình và hưởng ứng dự án này.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo HTX Tiến Phát Chợ Gạo, đây là mô hình mới, HTX mong muốn chính quyền địa phương và DN hỗ trợ công tác tuyên truyền để nông dân thấy được lợi ích và tham gia. Đồng thời, giới thiệu, hỗ trợ HTX các nguồn vốn ưu đãi để thu mua dừa của nông dân cung cấp cho DN…
TÍCH CỰC HỖ TRỢ NÔNG DÂN
Theo ông Nguyễn Minh Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Công nghiệp thực phẩm Thabico Tiền Giang, sau khi dự án sản xuất dừa hữu cơ được triển khai, dự kiến, DN sẽ triển khai chế biến dừa vào quý II-2022. DN kỳ vọng sẽ mang lại giá trị gia tăng cho nông dân. Lợi ích của dự án này trước hết là cải thiện tập quán canh tác truyền thống của nông dân, hướng đến phát triển nông nghiệp bền vững.
Bởi trước đây, nông dân trồng dừa canh tác theo phương pháp truyền thống cho năng suất thấp, đầu ra bấp bênh. Quy mô hiện tại của nhà máy sẽ tạo đầu ra ổn định cho trái dừa. Công suất của nhà máy hiện khoảng 300.000 trái dừa/ngày đêm nên cần diện tích 10.000 - 15.000 ha.
Cũng theo ông Nguyễn Minh Tuấn, từ khoảng 1 năm nay, DN đã phối hợp với các sở, ngành và địa phương triển khai dự án. Đặc biệt, DN đã tiến hành khảo sát vùng trồng dừa của 4 xã xung quanh nhà máy.
DN sẽ quyết liệt triển khai ký kết với các HTX, tập huấn cho nông dân kỹ thuật trồng dừa hữu cơ, tiến tới đạt chứng nhận ORGANIC khoảng 300 ha vào năm 2022 và phấn đấu đến năm 2025 là 1.500 ha. Đối với thị trường thế giới, sản xuất nông nghiệp hữu cơ là xu hướng tất yếu.
Nếu muốn phát triển nông nghiệp bền vững, đưa nông sản nước ta đi sâu, đi xa vào thị trường các nước thì phải chuyển đổi sản xuất theo hướng hữu cơ.
Theo đồng chí Cao Tấn Hưởng, do đây là một dự án, chương trình trọng điểm nên hướng tới đây, huyện sẽ cụ thể hóa các chính sách hỗ trợ. Giữa chính quyền và DN sẽ phối hợp để có chính sách hỗ trợ cụ thể cho người trồng dừa. Trước hết, huyện sẽ tập trung tuyên truyền để người dân thấy được lợi ích khi tham gia sản xuất dừa hữu cơ.
Đồng thời, tuyên truyền, trang bị kiến thức, kỹ thuật cho người dân trồng dừa theo tiêu chuẩn hữu cơ và có mô hình mẫu để người dân tham quan, học tập và áp dụng. Địa phương sẽ hỗ trợ các HTX làm đầu mối liên kết giữa DN với nông dân. Ngoài các HTX, huyện còn tạo điều kiện cho các DN, cơ sở thu mua dừa liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
TRỌNG ĐẠT