Thứ Sáu, 18/03/2022, 14:53 (GMT+7)
.

Huyện Tân Phước: Khai thác lợi thế để phát triển du lịch

Từ vùng đất phèn Đồng Tháp Mười của huyện Tân Phước (tỉnh Tiền Giang) kinh tế nông nghiệp là chủ yếu, những năm gần đây, địa phương chú trọng đầu tư phát triển du lịch sinh thái và tâm linh với nhiều dự án được mời gọi đầu tư. Đặc biệt là, từ khi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác xây dựng hoàn thành đã tạo điểm nhấn ấn tượng, thu hút nhiều du khách đến chiêm bái, trải nghiệm, khám phá.

NHIỀU ĐIỂM ĐẾN

Dù không có lợi thế về hạ tầng giao thông, song với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, Tân Phước đã mời gọi được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư phát triển du lịch mà huyện có lợi thế về du lịch sinh thái do thiên nhiên đã ban tặng và du lịch tâm linh với kiến trúc độc đáo của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Theo UBND huyện Tân Phước, huyện đã kêu gọi đầu tư mở rộng nhiều dự án kích cầu du lịch địa phương nói riêng và tỉnh Tiền Giang nói chung, như: Mở rộng Khu du lịch sinh thái Đồng Tháp Mười (244 ha), với tổng vốn đầu tư 2.885 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành trong 5 năm (2021 - 2025); Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Mỹ Đức (7 ha), vốn đầu tư 100 tỷ đồng, đang thi công; Khu du lịch sinh thái Trung Kiên (7 ha), vốn đầu tư khoảng 50 tỷ đồng, gồm dịch vụ lưu trú, vui chơi giải trí và ăn uống, hiện nhà đầu tư xây dựng thêm các loại hình khác để phục vụ du khách; Dự án Khu du lịch Làng Mai cao cấp, do tư nhân đầu tư tại ấp Mỹ Hòa, xã Thạnh Mỹ, với quy mô 14,5 ha, đang thực hiện thủ tục trình duyệt dự án…

Khu vực Thiền viện  Trúc Lâm Chánh Giác.
Khu vực Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Là một trong những công ty đến đầu tư sớm tại huyện Tân Phước, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Resort Bảo Đăng Lê Thanh Bình cho biết, trước đây công ty đã đầu tư khoảng 40 tỷ đồng, gần đây tiếp tục đầu tư thêm trên 10 tỷ đồng để chuyển sang loại hình khách sạn kết hợp với du lịch nghi dưỡng, tạo điều kiện để du khách trải nghiệm quy trình làm mứt khóm, chiêm bái Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, rồi dừng chân lưu trú nghỉ dưỡng tại đây.

Có thể nói, thời gian trước đây hoạt động du lịch trên địa bàn huyện Tân Phước hầu như rất ít người biết đến, bởi chưa có sản phẩm, dự án du lịch tạo dấu ấn cho du khách. Tuy nhiên, từ một số dự án mời gọi đầu tư hoàn thành (giai đoạn 1) đưa vào khai thác, nhất là khi Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác được xây dựng hoàn thành, lượng du khách đến huyện Tân Phước tăng đáng kể theo từng năm.

Địa phương hiện còn gặp một số khó khăn, đang từng bước tháo gỡ trong việc phát triển du lịch, nhất là Khu bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười trong thời gian qua chưa khai thác triệt để do vướng mắc về cơ chế quản lý, chưa hình thành được khu vui chơi giải trí, dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm cho du khách.

Huyện chưa có doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành, chưa kết nối được các tour du lịch trong và ngoài tỉnh. Hạ tầng đường giao thông, trong đó có huyện lộ 47 (Tây kinh Tây) chiều dài khoảng 6 km (từ tỉnh lộ 865 đến Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười) mặt đường chưa đáp ứng cho xe khách từ 30 chỗ ngồi trở lên vào…

Những khó khăn này đang được lãnh đạo huyện tập trung tháo gỡ, trong đó UBND huyện đã đề nghị UBND tỉnh đầu tư mở rộng
huyện lộ 47.

Theo Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Đoàn Văn Tuấn, với quy mô và lối kiến trúc xây dựng độc đáo, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác là một điểm nhấn độc đáo, kết hợp khai thác các tiềm năng du lịch khác trên địa bàn huyện Tân Phước nên ngày càng thu hút khách du lịch. Những năm gần đây, khách đến tham quan, chiêm bái, lễ Phật lên đến khoảng 200.000 lượt mỗi năm; năm 2020 và năm 2021 do đại dịch Covid-19 bùng phát nên lượng du khách có giảm.

Tuy nhiên, dịp Tết Nguyên đán 2022 lượng khách tăng trở lại, cụ thể có khoảng 40.000 lượt khách đến, tăng gấp 4 lần so với cùng kỳ năm 2021.

CHỦ ĐỘNG TẠO RA SẢN PHẨM  VÀ ẨM THỰC ĐỊA PHƯƠNG

Định hướng phát triển du lịch của huyện là du lịch sinh thái, tâm linh và từng bước khai thác hiệu quả các sản phẩm du lịch riêng của huyện theo tinh thần Nghị quyết 11 của Tỉnh ủy về định hướng phát triển du lịch tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 và Nghị quyết 13 của Huyện ủy Tân Phước về lãnh đạo phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025.

Kiến trúc độc đáo của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.
Kiến trúc độc đáo của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác.

Theo đó, huyện Tân Phước sẽ đẩy mạnh xúc tiến, quảng bá hình ảnh, nét đẹp của quê hương mình và kiến trúc độc đáo của Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác trên các phương tiện truyền thông để thu hút doanh nghiệp đến đầu tư.

Đồng thời, nghiên cứu nâng cấp quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm, đầu tư về hạ tầng du lịch, tạo điều kiện thuận lợi trong việc mời gọi các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân đầu tư làm dịch vụ du lịch theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại.

Tiếp tục khai thác lợi thế về điều kiện tự nhiên sinh thái, truyền thống văn hóa, lịch sử, chủ động tạo ra các sản phẩm du lịch và đặc sản ẩm thực của địa phương, du lịch tham quan các di tích lịch sử - văn hóa, làng nghề.

Ngoài ra, địa phương chủ động liên kết với các doanh nghiệp, công ty lữ hành du lịch trong và ngoài tỉnh xây dựng các tour, tuyến đưa khách du lịch đến địa phương. Tăng cường tuyên truyền, định hướng cho người dân địa phương tham gia hoạt động du lịch, góp phần giải quyết công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Phối hợp với Trung tâm Phát triển du lịch tỉnh mở các lớp hướng dẫn, đào tạo kỹ năng về du lịch, tạo nguồn nhân lực bản địa phục vụ phát triển du lịch địa phương. Tổ chức các cuộc hội thảo chuyên đề, các chuyến tham quan học tập mô hình làm du lịch hiệu quả của các đơn vị bạn…

TUẤN LÂM - HOÀI THU

.
.
.