Thứ Sáu, 04/03/2022, 23:06 (GMT+7)
.

Nỗ lực "hồi sinh" - Bài 1: Khởi động

Bình thường mới trong giai đoạn dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp là điều không dễ dàng. Tuy nhiên, Nghị quyết 128 của Chính phủ đã mang lại những hiệu ứng tích cực, nhất là trong khối cộng đồng doanh nghiệp của cả nước, trong đó có Tiền Giang.

Chu kỳ sản xuất, kinh doanh mới được các doanh ngiệp (DN) khẩn trương khởi động, với nhiều mục tiêu
quan trọng sau thời gian dài chịu tác động lớn từ dịch Covid-19.

DN lĩnh vực thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi.
DN lĩnh vực thủy sản đã có dấu hiệu phục hồi.

Đến thời điểm này, các DN trên địa bàn tỉnh đã dần hoạt động trở lại ổn định. Đặc biệt là những thông tin lạc quan hơn về tình hình thành lập mới DN, thu hút đầu tư, cho thấy bước khởi sắc trong quá trình phục hồi kinh tế của tỉnh.

PHỤC HỒI

Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của các DN cả nước nói chung và Tiền Giang nói riêng là điều không cần phải bàn thêm. Hệ lụy đáng kể nhất là không ít DN trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động. Một số ít còn duy trì sản xuất, nhưng phải giảm quy mô do tuân thủ các quy định phòng, chống dịch của Chính phủ và tỉnh.

Tuy nhiên, từ khi Nghị quyết 128 của Chính phủ ra đời, cùng với sự quan tâm hỗ trợ, tạo điều kiện của tỉnh, cộng đồng DN đã từng bước khắc phục khó khăn, khôi phục sản xuất, kinh doanh. Ghi nhận thực tế cho thấy, đến nay tất cả các DN trên địa bàn tỉnh đã trở lại chu kỳ hoạt động trước đây, nhưng trong điều kiện bình thường mới.

Con số thống kê cho thấy, tính đến tháng 2, toàn tỉnh có hơn 6.100 DN hoạt động. Theo đó, nhiều DN đã xây dựng phương án, kế hoạch phát triển, liên kết phát triển và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với tình hình thực tế.

DSC_0028.jpg
 

Nhìn nhận lại thực tiễn mới thấy, trong cơn đại dịch vừa qua, ngành Thủy sản chịu ảnh hưởng rất lớn. Nhiều DN phải tạm ngừng hoạt động, giảm quy mô, hoạt động cầm chừng, chi phí tăng cao… Sau khi thực hiện chủ trương bình thường mới, đến thời điểm này, các DN lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh đã có dấu hiệu phục hồi khá tốt.

Đánh giá về tình hình sản xuất hiện nay, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy sản Sông Tiền (xã Bình Đức, huyện Châu Thành) Nguyễn Thị Ánh cho biết, sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, nhà máy bắt đầu sản xuất trở lại. Trước đó, do tác động từ diễn biến của đại dịch, công nhân của công ty bị ảnh hưởng khá lớn về mặt tư tưởng, tinh thần, nhưng giờ đã làm việc trở lại ổn định. Bởi trước Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, DN đã thực hiện chế độ lương, thưởng, thâm niên cho công nhân. Từ đó, công nhân đã yên tâm trở lại làm việc và gắn bó hơn với hoạt động của DN.

“Trong đợt dịch này, dù phải tạm ngừng hoạt động, nhưng rất mừng là DN đã giải quyết được số hàng tồn kho. Khi hoạt động sản xuất trở lại, DN đã có những đơn hàng mới, giá bán tăng khoảng từ 10% - 13%. Với tình hình này, năm nay ngành Thủy sản cả nước nói chung có thể trở lại đà tăng trưởng như trước đây” - bà Nguyễn Thị Ánh cho biết thêm.

Cùng với thủy sản, may mặc là một trong những ngành chịu tác động lớn của đại dịch. Với đặc thù có rất nhiều lao động tham gia sản xuất nên công tác phòng, chống dịch gặp nhiều khó khăn, dẫn đến hầu hết các DN may mặc phải tạm ngừng hoạt động. Điều này dẫn đến các DN không thể hoàn thành các đơn hàng theo hợp đồng và tất nhiên sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Thế nhưng, thời điểm này, nhiều DN may mặc đã vượt khó, quay lại hoạt động tương đối ổn định. Giám đốc Công ty cổ phần May Việt Tân (TX. Cai Lậy) Ngô Xuân Thuyên cho rằng, đến thời điểm đầu tháng 2, DN đã hoạt động trở lại bình thường và đã có đơn hàng đến quý III-2022. Tuy nhiên, khó khăn của DN chính là “bài toán” lao động. Bởi, sau dịch Covid-19, số lượng công nhân bị giảm và việc tuyển dụng hiện đang gặp khó.

TÁC ĐỘNG TÍCH CỰC

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, qua hơn 6 tháng đại dịch Covid-19 bùng phát, có hơn 2/3 DN trên địa bàn tỉnh phải tạm ngừng hoạt động, trong đó có nhiều DN rút lui khỏi thị trường. Rất nhiều DN đang khó khăn về tài chính, thiếu vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Chưa kể, sự đứt gãy của thị trường, mất đối tác… cũng làm cho DN gặp nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, từ tháng 11-2021 đến nay, các DN đã tập trung khôi phục sản xuất, kinh doanh. Qua ghi nhận thực tế cho thấy, nhiều DN đã khôi phục được thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, giày da, may mặc… Các quốc gia là bạn hàng lớn của Việt Nam đánh giá cao sự trỗi dậy, phục hồi nhanh của nước ta.

Trước tác động của đại dịch Covid-19, ngành Du lịch là một trong những lĩnh vực bị ảnh hưởng rất lớn và chậm phục hồi nhất.

Bởi lẽ, với việc sống chung với dịch và tình hình dịch bệnh vẫn còn diễn biến phức tạp, đặc biệt là biến thể mới với tốc độ lây lan nhanh nên đã ảnh hưởng đến tâm lý người dân.

Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 là thời điểm đánh dấu bước phục hồi của ngành Du lịch. Lượng khách du lịch tăng, tâm lý người dân không còn e ngại tình hình dịch bệnh cho thấy sự khởi sắc.

Đặc biệt, theo kế hoạch, kể từ ngày 15-3 tới đây, Chính phủ sẽ mở cửa toàn bộ ngành Du lịch và bắt đầu đón khách quốc tế. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc khôi phục hoạt động du lịch ở tỉnh; bởi trước dịch, mỗi năm, Tiền Giang đón một lượng khách quốc tế rất lớn.

Theo ông Nguyễn Thanh Phong, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Việt Nhật, hiện ngành Du lịch đã khởi sắc trở lại. Người dân đã tự tin để đi các tour du lịch trong thời gian này. Ngoài các tour du lịch đã có, hiện công ty đang đưa vào khai thác tour mới để đáp ứng nhu cầu của du lịch. Ngoài ra, hiện công ty cũng đã tổ chức lại các chiếc thuyền chạy trên sông Tiền phục vụ khách vào ban đêm với các dịch vụ như: Ăn uống, nghe đờn ca tài tử...

Nhìn ở khía cạnh khác, cùng với tín hiệu tích cực trong hoạt động khôi phục sản xuất, kinh doanh của các DN, những tháng cuối năm 2021 và đầu năm 2022, việc thành lập mới DN tăng mạnh cho thấy sự phục hồi nhanh của nền kinh tế Tiền Giang.

DSC_0061.jpg
 

Thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong quý IV-2021 Tiền Giang có 190 DN thành lập mới, với tổng số vốn đăng ký hơn 2.950 tỷ đồng. Đặc biệt, trong tháng 1-2022, toàn tỉnh có 105 DN thành lập mới, đây là số DN thành lập mới cao nhất trong các năm gần đây.

Điều này cho thấy sự phục hồi của nền kinh tế, các DN đã có niềm tin và nhận thấy cơ hội để đầu tư vào thị trường. Bên cạnh việc thành lập mới DN tăng mạnh, tình hình thu hút đầu tư của tỉnh giai đoạn hậu Covid-19 cũng có những bước khởi sắc.

Theo đó, từ tháng 11-2021 đến nay, tỉnh thu hút được 9 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký 875 tỷ đồng, tăng 5 dự án so với cùng kỳ. Kết quả trên cho thấy, môi trường đầu tư, kinh doanh ở tỉnh đã không ngừng cải thiện, từ đó các nhà đầu tư đã tìm đến và đầu tư vào các dự án.

Có thể nói, việc hầu hết các DN đã quay trở lại sản xuất, kinh doanh ổn định cùng với việc thành lập DN mới và thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc đã tác động tích cực đến việc phục hồi kinh tế ở tỉnh.

MINH THÀNH - A.P

.
.
Liên kết hữu ích
.