Thứ Bảy, 05/03/2022, 14:58 (GMT+7)
.

Nỗ lực "hồi sinh" - Bài 2: Tiếp sức

Nỗ lực "hồi sinh" - Bài 1: Khởi động

Dù hầu hết các doanh nghiệp (DN) đang trên đà phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng cũng đối mặt với nhiều khó khăn trong quá trình hoạt động sau thời gian dài chịu tác động của dịch Covid-19.

Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang nỗ lực khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tiếp sức cho DN thông qua các chính sách cụ thể để thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh là những gì mà DN đã và đang mong chờ.

CHI PHÍ TĂNG

Đà phục hồi của các DN mới chỉ đang giai đoạn khởi động, nhưng lại đối diện với nhiều yếu tố tác động khác. Đó là tác động của chi phí đầu vào. Những ngày qua, biến động tăng của giá xăng, dầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động của các DN trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Chi phí sản xuất tăng chính là khó khăn chung của nhiều DN hiện nay. Giám đốc công ty trong ngành thủy sản chế biến xuất khẩu phân tích rằng, hiện khó khăn mà DN đang đối mặt là chi phí đầu vào tăng; trong đó, giá xăng, dầu tăng cao đã ảnh hưởng đến giá cước vận chuyển, vật tư…

Bên cạnh đó, DN còn gặp phải khó khăn về nguồn nguyên liệu. Việc thả nuôi cá tra nguyên liệu trong 6 tháng dịch bệnh bùng phát bị gián đoạn. Do đó, khi các DN đi vào sản xuất trở lại bị thiếu nguyên liệu. Từ đó, giá cá tra nguyên liệu đã tăng lên hơn 30.000 đồng/kg, tăng khoảng 9.000 đồng/kg so với trước đây. “Tuy nhiên, điều may mắn là DN có vùng nuôi nên tạm thời ổn định.

Để vượt qua khó khăn, DN cho rằng trước hết phải ổn định được nguồn lao động và nguyên liệu. Chất lượng sản phẩm phải đi đầu, chứ đua theo thị trường mà không chú trọng đến chất lượng sản phẩm thì sẽ ảnh hưởng đến những năm tiếp theo. Một giải pháp nữa của DN là làm sao phải quay được đồng vốn để hạn chế vay ngân hàng”- Giám đốc doanh nghiệp này cho biết.

 

Bên cạnh khó khăn khi chi phí tăng cao, hiện nhiều DN cũng đang gặp khó về nguồn vốn để khôi phục sản xuất, kinh doanh. Bởi lẽ, trong thời gian dài phải tạm ngừng hoạt động, các DN vẫn phải chi trả lương để giữ chân người lao động, chưa kể những khoản chi phí khác.

Trong khi đó, việc tạm ngừng sản xuất, kinh doanh khiến dòng tài chính của DN bị “tắc nghẽn”. Do đó, hiện nhiều DN đang rất cần nguồn vốn để khôi phục sản xuất được nhanh hơn. Ngoài những khó khăn trên, ở giai đoạn hậu Covid-19, vấn đề lao động luôn là “bài toán” khó đối với các DN. Nhiều DN thiếu hụt lượng lao động lớn ảnh hưởng đến việc khôi phục sản xuất, kinh doanh của đơn vị.

Đánh giá thêm về những khó khăn hiện nay, Tổng Giám đốc GODACO Nguyễn Văn Đạo cho biết, công ty cũng đang đứng trước không ít khó khăn, đặc biệt là chi phí đầu vào, nhất là do chuỗi cung ứng đường biển gặp khó khăn, nhưng bù lại nhu cầu tiêu thụ sản phẩm hiện còn khá lớn, giá bán cũng có xu hướng tăng. Thế nhưng, những khó khăn trong ngành được dự báo sẽ được tháo gỡ trong 6 tháng đầu năm 2022.

ĐỒNG HÀNH VƯỢT KHÓ

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Vĩnh, để hỗ trợ cộng đồng DN, tỉnh sẽ nghiêm túc quán triệt và tổ chức thực hiện kịp thời, hiệu quả các gói hỗ trợ cho người lao động, chính sách miễn giảm thuế, lệ phí, hỗ trợ lãi suất cho DN… theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đồng thời, tỉnh tiếp tục triển khai Nghị quyết 07 ngày 26-7-2021 của Tỉnh ủy, tập trung cải cách thủ tục hành chính đối với DN, cố gắng cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao chỉ số PCI, PAPI, SIPAS. UBND tỉnh sẽ tích cực hỗ trợ các DN tiếp cận nguồn lực về tài chính, nhân lực, thông tin, thị trường; thường xuyên tiếp xúc, đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho DN…

Trước những khó khăn hiện nay, ngoài sự nỗ lực của chính các DN, còn có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước.

Theo Tiến sĩ Trần Thanh Đức, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Tiền Giang, để giúp cho các DN vượt qua khó khăn, hiện “bài toán” khó chính là nguồn vốn. Điều này đã được đề cập rất nhiều lần, Hiệp hội DN tỉnh cho rằng cần có sự đồng hành cụ thể hơn.

Hiệp hội DN tỉnh cũng mong muốn các ngân hàng thương mại tạo sự thông thoáng, tạo điều kiện để các DN tiếp cận nguồn vốn. Đây là một giải pháp quan trọng. Khó khăn lớn thứ hai của các DN vẫn là “bài toán” về thị trường. Nhà nước cần có sự đồng hành, giúp các DN tiếp cận thị trường.

Nhà nước phải tiếp tục hỗ trợ các DN trong quảng bá, xúc tiến thương mại. Bản thân các DN cũng cần đổi mới trong cách quảng bá sản phẩm của mình. Chắc chắn xã hội hiện nay sẽ thay đổi nhiều, chúng ta không thể nào duy trì cách làm cũ, loại hình kinh doanh cũ, cách quảng bá sản phẩm cũ.

Hiệp hội DN tỉnh sẽ cùng lãnh đạo các DN tiếp cận điều này, nhưng cần sự hỗ trợ của Nhà nước, đặc biệt là công tác xúc tiến thương mại điện tử. Muốn vậy, việc cấp thiết hiện nay các DN phải làm là chuyển đổi số. “Hiệp hội DN tỉnh mong các doanh nhân nhìn nhận thẳng thắn điều này. Nếu chúng ta bằng lòng với sức mạnh, kết quả hiện có thì chắc chắn thất bại sẽ đến.

Chính phủ đã có các nghị định hướng dẫn, tạo điều kiện, hỗ trợ cho các DN nhỏ và vừa các chính sách hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số. Hiệp hội DN tỉnh hy vọng, nghị định của Chính phủ sẽ được tỉnh triển khai và hỗ trợ nhanh hơn” - Tiến sĩ Trần Thanh Đức nói.

Cùng với cả nước, Tiền Giang cũng đang tập trung thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ DN khôi phục sản xuất, kinh doanh. Lãnh đạo tỉnh cho rằng, để tháo gỡ khó khăn, giúp các DN khôi phục sản xuất, kinh doanh, các cấp ủy, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận, đoàn thể và các địa phương cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, nhà đầu tư, tạo điều kiện để DN lấy lại đà tăng trưởng trong tình hình mới; luôn lắng nghe ý kiến, kiến nghị của DN, quan tâm, chia sẻ, đồng hành với DN.

Bên cạnh đó, phải tăng cường cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi để thu hút đầu tư, phát triển DN. Một trong những công việc quan trọng là triển khai thực hiện nhanh chóng, hiệu quả các chính sách hỗ trợ  DN, nhà đầu tư theo Nghị quyết 11 ngày 30-1-2022 của Chính phủ.

 

Bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, lãnh đạo tỉnh cũng cho rằng, các DN cần phải tiếp tục phát huy tinh thần tự lực, tự cường, thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh với phương châm “Sản xuất phải an toàn, an toàn để sản xuất”.

DN cần chủ động xây dựng chiến lược, kế hoạch phục hồi, phát triển nhanh, mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh gắn với phương án an toàn phòng, chống dịch để bảo đảm hoạt động được duy trì ổn định, an toàn, hiệu quả.

Đồng thời, tiếp tục tăng cường năng lực quản trị của DN; nâng cao năng lực thích ứng với tình hình, ứng dụng công nghệ số trong hoạt động quản trị, điều hành sản xuất, kinh doanh.

DN phải chú trọng việc xây dựng thương hiệu và nâng cao đạo đức kinh doanh, văn hóa DN để tạo dựng cho mình một phong cách sản xuất, kinh doanh có văn hóa. Đó là những nhân tố, yếu tố quyết định sự thành công của mỗi DN.

DN cần quan tâm đến việc liên kết, chia sẻ, hỗ trợ giữa các DN với nhau (nhất là DN nhỏ và vừa) để cùng phát triển; tích cực tham gia các hoạt động nhân đạo, từ thiện, an sinh xã hội, chia sẻ cộng đồng.

Nhìn vào bức tranh chung của kinh tế cả nước, nhất là sau thời gian thực hiện Nghị định 128 của Chính phủ, hoạt động của cộng đồng DN đã có những gam màu sáng hơn. Các DN đã và đang tiếp tục nỗ lực vượt qua khó khăn để chạm đến những đích mới hơn, an toàn và hiệu quả hơn.

MINH THÀNH - A.P

.
.
.