Thứ Ba, 01/03/2022, 22:32 (GMT+7)
.

Sản phẩm OCOP: Động lực phát triển cho hợp tác xã

Việc tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) không chỉ giúp các hợp tác xã (HTX) nâng cao hiệu quả sản xuất, quảng bá sản phẩm, mà còn giúp “chuẩn hóa” và mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

“CHUẨN HÓA” SẢN XUẤT

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tính đến cuối năm 2021, tỉnh Tiền Giang đã công nhận 98 sản phẩm OCOP cho 28 chủ thể sản xuất; trong đó, 8 chủ thể là HTX, với 16 sản phẩm được phân hạng OCOP từ 3 sao tới 4 sao.

HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công (TX. Gò Công) đến nay đã có được 1 sản phẩm thịt tươi gà ta Gò Công được công nhận, đánh giá hạng OCOP 4 sao. Để đạt được kết quả trên, HTX đã tổ chức sản xuất theo chuẩn VietGAP và hệ thống giết mổ đạt chuẩn châu Âu. Theo ông Nguyễn Quốc Kiệt, Giám đốc HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công, trong xây dựng sản phẩm đạt chuẩn OCOP, khó khăn nhất là đảm bảo chất lượng đầu vào đồng đều do HTX có nhiều thành viên tham gia sản xuất.

“HTX triển khai kiểm soát chặt chẽ quy trình chăn nuôi theo chuẩn VietGAP của các thành viên, phải đảm bảo đồng bộ và tuân thủ các tiêu chuẩn như sử dụng chung 1 loại thức ăn, 1 loại thuốc phòng ngừa dịch bệnh... Dù có nhiều thành viên rời HTX do không thể đảm bảo, nhưng HTX đảm bảo được chất lượng đầu vào và đầu ra của sản phẩm theo tiêu chuẩn OCOP” - ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết.

Sau khi được phân hạng OCOP 4 sao, sản phẩm thịt tươi gà ta Gò Công của HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công nhận được sự tin tưởng của người tiêu dùng, giúp tăng lượng sản phẩm tiêu thụ hơn 20%.

Công nhân sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Tân Đông.
Công nhân sơ chế rau tại HTX Rau an toàn Tân Đông.

Tương tự, HTX Rau an toàn Tân Đông (huyện Gò Công Đông) có sản phẩm cải dún được phân hạng OCOP 3 sao vào năm 2020. Việc tham gia sản xuất sản phẩm OCOP giúp cho HTX chú trọng hơn đến việc quảng bá và bảo vệ thương hiệu sản phẩm. Các sản phẩm của HTX đều được sản xuất theo chuẩn VietGAP và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản. Việc được phân hạng OCOP giúp cho sản phẩm của HTX được định vị rõ hơn trên thị trường và tạo uy tín về chất lượng.

Việc sản phẩm được công nhận OCOP không chỉ giúp các HTX nâng cao giá trị sản phẩm, mà còn giúp nâng cao tư duy và “chuẩn hóa” hoạt động sản xuất. Bà Lê Khắc Đông Nghi, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Nông nghiệp Đông Nghi (huyện Châu Thành) cho biết, HTX có 6 sản phẩm từ sữa dê được phân hạng OCOP 3 sao vào năm 2021.

Trước đây, HTX không quá chú trọng tới mẫu mã bao bì, chủ yếu tổ chức kinh doanh theo truyền thống… Khi sản xuất theo OCOP, HTX được các cơ quan chức năng hướng dẫn đổi mới mẫu mã làm cho sản phẩm đúng tiêu chuẩn và đẹp mắt hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng, tin dùng.

MỞ RỘNG HOẠT ĐỘNG

Các HTX có sản phẩm được phân hạng OCOP không chỉ dừng lại ở những sản phẩm ban đầu, mà tiếp tục sản xuất thêm nhiều sản phẩm khác. Đơn cử như HTX Mắm Bà Hai Diễm (TX. Gò Công), sau khi sản phẩm mắm tôm chà được phân hạng OCOP 3 sao, đến nay HTX tiếp tục có thêm 3 sản phẩm được phân hạng OCOP 3 sao là: Mắm cá cơm, mắm ruốc, mắm tôm chua.

Bên cạnh đó, sản phẩm được phân hạng OCOP là cơ sở để các HTX mở rộng hoạt động kinh doanh, nhiều sản phẩm mới ra đời, qua đó các HTX có thể phát huy thế mạnh của mình. Ông Nguyễn Quốc Kiệt cho biết, sản phẩm thịt gà tươi được phân hạng OCOP là động lực để HTX Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công tiếp tục chuẩn bị hồ sơ đăng ký đánh giá phân hạng 3 sản phẩm OCOP mới là khô gà cay, thịt gà chà bông, thịt gà ủ muối hoa tiêu. Các sản phẩm mới khi được phân hạng OCOP sẽ giúp HTX khai thác hiệu quả và chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào từ thịt gà.

Thời gian qua, các cơ quan chức năng có nhiều hoạt động hỗ trợ quảng bá các sản phẩm OCOP. Bên cạnh đó, các chủ thể sản xuất, trong đó có các HTX cũng đã chủ động quảng bá sản phẩm OCOP của mình. Các HTX đã tận dụng môi trường Internet với nhiều kênh quảng bá như mạng xã hội, các kênh truyền thông điện tử… để đưa thương hiệu và sản phẩm đến gần với khách hàng.

Ngoài ra, các HTX còn tổ chức lồng ghép các hoạt động để quảng bá sản phẩm. Theo bà Lê Khắc Đông Nghi, HTX Nông nghiệp Đông Nghi tổ chức đón khách du lịch đến tham quan trải nghiệm chăn nuôi dê. Qua đó, HTX tổ chức điểm trưng bày gian hàng sản phẩm OCOP của HTX đến khách hàng. Nhờ đó, khách hàng dễ dàng lựa chọn và biết đến sản phẩm của HTX khi bán ra thị trường.

Theo đánh giá của Sở NN&PTNT, qua Chương trình OCOP, các HTX đã từng bước chuyển đổi từ sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín. Tuy nhiên, một số HTX có cơ sở sản xuất nhỏ, năng lực sản xuất và khả năng tiếp cận thị trường còn hạn chế nên vẫn còn gặp một số khó khăn.

Các HTX khi tham gia Chương trình OCOP cần phải chủ động xây dựng các phương án sản xuất, kinh doanh phát triển sản phẩm, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm; đảm bảo sản phẩm tham gia Chương trình OCOP phải chất lượng, an toàn.

CAO THẮNG

.
.
Liên kết hữu ích
Yến sào LifeNest
.