Sức sống mới ở một xã cù lao
Qua 5 năm xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay xã Tân Phú (huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã được công nhận đạt chuẩn NTM. Xã Tân Phú ngày nay đã khoác lên mình màu áo mới, với gam màu tươi sáng. Đó là diện mạo của xã không ngừng thay đổi, đời sống của người dân được nâng lên đáng kể.
KẾT CẤU HẠ TẦNG ĐƯỢC ĐẦU TƯ
Từ khi bắt tay vào xây dựng NTM, Đảng ủy, UBND xã Tân Phú đã xác định xây dựng giao thông nông thôn (GTNT) là một trong những nhiệm vụ quan trọng, là điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nói chung và đời sống người dân nói riêng. Từ đó, cả hệ thống chính trị xã Tân Phú đã vào cuộc với tinh thần đoàn kết, thống nhất và linh hoạt trong huy động sức dân làm đường GTNT.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay, góp sức của người dân, nhiều tuyến đường GTNT, trường học được đầu tư nâng cấp. |
Chủ tịch UBND xã Tân Phú Võ Hồng Sơn cho biết, ngay khi triển khai xây dựng NTM, xã Tân Phú xác định, tư tưởng có thông thì hành động mới thuận lợi. Do đó, công tác tuyên truyền được xã đẩy mạnh bằng nhiều hình thức: Thông qua các hoạt động tuyên truyền trực quan như phát 4.590 tờ bướm đến từng hộ dân; lắp đặt 106 pa nô, áp phích, băng rôn trên các tuyến đường giao thông, khu vực đông dân cư để tuyên truyền, cổ động xây dựng NTM. Song song đó, các đoàn thể xã đã vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân ở khu dân cư hưởng ứng xây dựng NTM được 814 cuộc với 16.117 lượt người tham dự.
Qua hơn 5 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM từ nguồn vốn phân cấp và xã hội hóa, xã đã xây dựng các công trình đường GTNT đáp ứng nhu cầu đi lại, tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa. Hiện tại xã có 39 tuyến đường GTNT thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của xã, với tổng chiều dài 41,126 km. Các tuyến đường dân sinh được cứng hóa không lầy lội vào mùa mưa…
Anh Trần Quốc Huy chia sẻ: “Trước đây, đường GTNT của xã chủ yếu là đường cấp phối đá dăm, một số tuyến đường tuy được đầu tư nâng cấp đan bê tông nhưng còn nhỏ hẹp. Từ khi xã triển khai xây dựng NTM, những con đường được xây dựng rộng và thoáng hơn rất nhiều. Tôi và người dân ở xã rất vui mừng vì có thể thuận lợi trong việc đi lại, vận chuyển hàng hóa để phát triển kinh tế”.
ĐỜI SỐNG NGƯỜI DÂN ĐƯỢC NÂNG LÊN
Trong sản xuất nông nghiệp, xã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp với trọng tâm là đầu tư phát triển các cây trồng, vật nuôi chủ lực và có lợi thế của xã. Trong lĩnh cực trồng trọt, cây dừa vẫn chiếm ưu thế cả về năng suất và chất lượng với tổng diện tích hơn 813 ha. Ngoài ra, nhân dân đã chuyển đổi một số loại cây trồng kém hiệu quả, tận dụng tối đa diện tích đất trống để trồng các loại cây ăn trái, hoa màu như cây ổi, bưởi, xả, ớt… mang lại hiệu quả cao cho người dân.
Về chăn nuôi, xã tăng cường công tác tuyên truyền, thực hiện tốt việc cấp phát thuốc tiêu độc, khử trùng và tiêm phòng để dịch bệnh không xảy ra. Xã đang vận động hình thành chăn nuôi theo hướng trang trại, để có sự liên kết trong các khâu như con giống, thức ăn, phòng bệnh, sản xuất thực phẩm an toàn đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người chăn nuôi.
Cùng với đó, để nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho người dân, UBND xã đã phối hợp chặt chẽ với các chủ doanh nghiệp trên địa bàn nhận lao động của xã. Ngoài ra, xã còn phối hợp với các ngành, đoàn thể các cấp để giới thiệu đến các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh nhận số lao động còn lại vào làm việc. Hằng năm, xã phối hợp với các trung tâm dạy nghề huyện mở các lớp đào tạo, bồi dưỡng ngành nghề cho các lao động nông thôn, mỗi năm từ một đến hai lớp; trong đó, chú trọng những lớp đào tạo chăn nuôi, trồng trọt.
Bên cạnh đó, xã cũng tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo phát triển sản xuất như: Đề nghị Ngân hàng Chính sách cho vay vốn với lãi suất ưu đãi; vận động các nhà hảo tâm, các tổ chức, đơn vị trong và ngoài địa phương hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà tình thương, nhà đại đoàn kết cho hộ nghèo. Từ kết quả chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đời sống nhân dân từng bước nâng lên rõ rệt, tăng hộ khá giàu, giảm hộ nghèo. Đến nay, xã kéo giảm hộ nghèo còn 3,78% trên tổng số hộ toàn xã, giảm 37% so với năm 2015; thu nhập bình quân đầu người đạt 50,25 triệu đồng/năm.
Sau hơn 5 năm xây dựng NTM, với nhiều giải pháp đồng bộ, sáng tạo, linh hoạt, kinh tế - xã hội của xã Tân Phú phát triển nhanh, bền vững; ý thức của người dân về bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm…được nâng lên. Kết cấu hạ tầng được đầu tư, nâng cấp, nhất là hệ thống đường GTNT, trường học, các thiết chế văn hóa - thể thao, tạo nên diện mạo mới cho xã…
SONG AN