Thứ Năm, 03/03/2022, 06:58 (GMT+7)
.
Ùn ứ nông sản và bài toán đầu ra

Bài cuối: Thay đổi tư duy sản xuất và tiêu thụ

BÀI 1: Sức hấp dẫn của "Rồng xanh"

Bài 2: Điểm sáng xuất khẩu rau quả

Bài 3: Những đợt biến động

Thay đổi tư duy, từ sản xuất đến tiêu dùng đối với nông sản nói chung, thanh long nói riêng đã và đang được đặt ra ngày càng cấp bách. Hướng vào chất lượng, đa dạng hóa thị trường thay vì chú trọng xuất khẩu tiểu ngạch là cách tiếp cận không mới nhưng vẫn còn mang tính thời sự.

1. Liên kết sản xuất, nói rộng hơn là xây dựng chuỗi giá trị hàng hóa nông sản, xuất phát từ đòi hỏi của thực tiễn và mang lại nhiều ý nghĩa. Thế nhưng, trên thực tế việc liên kết sản xuất, phát huy vai trò của các hợp tác xã (HTX) thời gian qua cũng còn cần nhiều trợ lực. Liên kết sản xuất để góp phần giải bài toán tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh Tiền Giang cũng thế.

Cần thay đổi tư duy sản xuất và tiêu thụ thanh long. 			Ảnh: HỒNG LÊ
Cần thay đổi tư duy sản xuất và tiêu thụ thanh long. Ảnh: HỒNG LÊ

Thực tế cho thấy, việc liên kết sản xuất đối với cây thanh long nhằm tạo ra sản lượng lớn, chất lượng đảm bảo, cũng đã manh nha từ lâu, cả về chủ trương và các mô hình thực tiễn nhưng việc nhân rộng các mô hình liên kết hiệu quả vẫn cần nhiều thời gian hơn.

Theo Giám đốc HTX Hưng Thịnh Phát (huyện Chợ Gạo) Nguyễn Trung Quý, thời gian qua HTX cũng đã tiến hành thực hiện liên kết sản xuất thanh long với tổng diện tích trên 132 ha, chia thành 8 tổ liên kết sản xuất, được cấp giấy chứng nhận VietGAP hoặc GlobalGAP, với tổng sản lượng liên kết khoảng 3.300 tấn/năm. Về tiêu thụ, HTX cũng đã liên kết với nhiều đối tác như: Công ty TNHH Chế biến trái cây Yasaka, Công ty TNHH Xuất nhập khẩu rau quả Thiên Tân, Công ty cổ phần Thực phẩm Hùng Hậu, Công ty cổ phần The Garden Việt Nam, Công ty cổ phần Công nghiệp Thực phẩm Thabico Tiền Giang…

Tuy nhiên, nhìn nhận từ thực tế thị trường tiêu thụ vừa qua, ông Nguyễn Trung Quý cũng cho rằng, HTX cũng cần tìm thêm nhà phân phối tiêu thụ cho sản phẩm, thêm đầu ra, trong khi thị trường Trung Quốc đang tạm đóng cửa, do sản lượng cung nhiều hơn sản lượng cầu.

Một trong những mô hình liên kết tiêu thụ thanh long được xem thành công là ở HTX Thanh long Mỹ Tịnh An. Theo Giám đốc HTX Thanh long Mỹ Tịnh An Võ Chí Thiện, nhờ được hỗ trợ kinh phí chứng nhận chứng chỉ GlobalGAP và xây dựng nhà đóng gói đạt chuẩn trong dự án QSEAP nên nhiều doanh nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và nước ngoài xuống tham quan, đặt hàng với số lượng ngày càng lớn.

Thống kê gần đây cho thấy,  HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An có khoảng 100 thành viên, với diện tích sản xuất khoảng 100 ha. HTX thực hiện ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản lượng do thành viên sản xuất ra, với mức giá cao hơn mức giá thị trường bên ngoài khoảng 2.000 đồng/kg trở lên. Nhờ đó, HTX Thanh Long Mỹ Tịnh An mỗi năm gia công và xuất khẩu cho các đối tác khoảng 1.000 tấn thanh long.

Nhìn ở phương diện rộng hơn, con số thống kê cho thấy, tỷ lệ liên kết tiêu thụ thanh long trên địa bàn tỉnh cũng còn ở mức rất thấp so với tổng sản lượng hằng năm. Chưa kể, phần lớn sản phẩm liên kết sản xuất cũng chỉ để cung ứng xuất khẩu hoặc xuất khẩu tiểu ngạch thông qua thị trường Trung Quốc. Nhận thấy hạn chế này, thời gian qua, tỉnh đã tập trung kêu gọi đầu tư các dự án chế biến với mục tiêu giải “bài toán” tiêu thụ cho nông sản, nâng cao giá trị gia tăng cho hàng nông sản.

Để nâng cao hiệu quả mô hình chuỗi giá trị nông sản hàng hóa hiện có, ngành Nông nghiệp cũng đã lập các dự án chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ trên một số sản phẩm chủ lực như: Thanh long, xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng...

Riêng đối với thanh long, để giải quyết những khó khăn gần đây, ngành Nông nghiệp đã triển khai một số giải pháp cấp bách như: Tập trung nâng chất HTX nông nghiệp theo hướng sản xuất an toàn gắn với yêu cầu thị trường tiêu thụ có sự tham gia doanh nghiệp tiêu thụ, chế biến; đẩy mạnh kết nối tiêu thụ thị trường trong nước thông qua các chương trình hợp tác giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành; trong đó, tập trung thị trường có sức tiêu thụ lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và các thị trường tiềm năng khác; đồng thời, hướng dẫn, hỗ trợ các doanh nghiệp cấp mã số vùng trồng, mã số nhà đóng gói đáp ứng yêu cầu các thị trường và khuyến khích doanh nghiệp chuyển hoạt động xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc theo hình thức chính ngạch.

2. Nhìn ở góc độ tiêu thụ nông sản, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn phân tích, thanh long Tiền Giang chủ yếu xuất khẩu, chiếm 80% sản lượng, tiêu thụ nội địa khoảng 20%. Trong xuất khẩu, khoảng 1% - 2% là chính ngạch, còn lại được mua bán theo hình thức biên mậu qua thị trường Trung Quốc hoặc liên kết với các doanh nghiệp ngoài tỉnh để xuất khẩu.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) cho thấy, trong tổng diện tích hơn 9.700 ha trồng thanh long của Tiền Giang có hơn 70% là thanh long ruột đỏ, hơn 28% thanh long ruột trắng, còn lại là các loại thanh long khác. Trong thời gian qua, ngành Nông nghiệp cũng tập trung xây dựng vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Theo đó, đến nay đã có 125 mã số vùng trồng được cấp cho thanh long (33 mã số vùng trồng sang thị trường Trung Quốc và 92 mã số vùng trồng sang thị trường Mỹ, Úc, Hàn Quốc, NewZealand), với hơn 6.765 ha, chiếm 70% diện tích thanh long toàn tỉnh.

Trước những khó khăn trong khâu tiêu thụ thanh long hiện nay, Sở NN&PTNT cũng đã đề xuất Bộ NN&PTNT tiếp tục đàm phán phía Trung Quốc để tăng tốc độ thông quan tại các cửa khẩu tránh tình trạng ùn ứ tại các cửa khẩu ảnh hưởng đến chất lượng nông sản; đàm phán mở rộng thêm nhiều loại trái cây Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc; đồng thời, mở rộng thị trường tiềm năng như: Mỹ, Nhật, EU...

Bên cạnh đó, xúc tiến mở tuyến vận tải biển cũng như đề xuất Chính phủ ban hành chính sách ưu đãi tín dụng để xây dựng kho lạnh bảo quản hàng hóa nông sản khu vực Đồng bằng sông Cửu Long nhằm giảm chi phí vận chuyển, giảm tổn thất sau thu hoạch cho doanh nghiệp chế biến.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 80 doanh nghiệp, cơ sở thu mua, chế biến, xuất khẩu thanh long; trong đó, có 17 đơn vị xuất khẩu chính ngạch và tiểu ngạch, còn lại là xuất khẩu tiểu ngạch.

Tiền Giang hiện có 56 kho lạnh, với công suất khoảng 10.000 tấn. Phần lớn sản lượng thanh long của Tiền Giang đều xuất sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch qua cửa khẩu phía Bắc như: Tân Thanh, Hữu Nghị, Chi Ma (Lạng Sơn); Móng Cái (Quảng Ninh); Kim Thành (Lào Cai)...

Tuy nhiên, do Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero Covid”, tăng cường kiểm soát dịch tại các địa phương có cửa khẩu biên giới, nên việc thông quan gặp rất nhiều khó khăn.

Nhìn tổng thể, tình hình thông quan hiện nay qua các cửa khẩu biên giới phía Bắc rất khó khăn do phía Trung Quốc đang tiếp tục thực hiện chiến lược “Zero Covid”, tăng cường kiểm soát dịch tại các địa phương có cửa khẩu biên giới.

Chính vì thế, Quyền Giám đốc Sở Công thương Đặng Văn Tuấn khuyến cáo các đơn vi kinh doanh, tiêu thụ thanh long trong thời gian tới nên ưu tiên thương thảo, ký kết các hợp đồng xuất khẩu chính ngạch, để hạn chế các rủi ro tiềm tàng, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp; thường xuyên cập nhật các thông tin, tình hình xuất nhập khẩu tại cửa khẩu và các quy định về phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, để chủ động, có kế hoạch vận chuyển hàng hóa lên cửa khẩu; trao đổi trước với các đối tác, để nắm bắt tình hình và các quy định về phòng, chống dịch Covid-19 của phía Trung Quốc, trước khi vận chuyển hàng lên cửa khẩu.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần tập trung xuất khẩu chính ngạch để giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như từng bước xây dựng thương hiệu; tăng cường sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) form E để tận dụng tốt hơn những ưu đãi của Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA); đồng thời, nghiên cứu và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc.

THẾ ANH

.
.
.