Vật liệu xây dựng tăng cao, nhiều nhà thầu lao đao
Giá xăng dầu tăng liên tiếp từ đầu năm đến nay kéo theo giá hàng loạt vật liệu xây dựng quan trọng ở TPHCM tăng mạnh, đẩy nhiều chủ đầu tư, nhà thầu đứng trước nguy cơ thua lỗ.
Tiến độ thi công một dự án căn hộ tại TPHCM bị chậm lại do ảnh hưởng giá VLXD tăng |
Tăng giá ào ạt
Ghi nhận tại các cửa hàng vật liệu xây dựng (VLXD) ở TP Thủ Đức, các quận Bình Tân, Gò Vấp và quận 12… trong những ngày đầu tháng 3 cho thấy, hầu hết các mặt hàng đều tăng giá, trong đó giá thép và cát xây dựng tăng khá sốc.
Cụ thể, năm 2021, giá thép đã tăng 106.000-110.000 đồng/cây phi 10; đến thời điểm này giá là 128.000-136.000 đồng/cây, giá thép hộp kẽm từ 16.000 lên 29.000 đồng/kg. Giá cát xây dựng loại 1 từ 240.000 tăng lên 330.000 đồng/m3, sau đó tiếp tục tăng lên 450.000/m3; giá cát san lấp tăng nóng 100%, từ 80.000-90.000 đồng/m3 lên 160.000-180.000 đồng/m3.
Một số loại VLXD khác có mức tăng giá thấp hơn: xi măng tăng khoảng 18% (lên 110.000 đồng/bao), gạch xây dựng tăng khoảng 10% (lên 1.000 đồng/viên), gạch ốp trang trí tăng 10%-15%…
Đáng chú ý, mặt hàng sắt thép đóng vai trò quan trọng trong lĩnh vực xây dựng, việc tăng giá xuất phát từ sự điều chỉnh bởi nhà sản xuất. Mới đây nhất, Công ty CP Gang thép Thái Nguyên thông báo tăng giá thép xây dựng, giá mỗi tấn thép cuộn CB240 là 17,3 triệu đồng, nếu thanh toán ngay; 17,4 triệu đồng nếu thanh toán chậm, có bảo lãnh. Giá thép chưa gồm VAT cũng tăng lên 17,3-17,6 triệu đồng/tấn, tùy loại và tùy thuộc thanh toán nhanh hay chậm. Nhìn chung, giá mới tăng 250.000-350.000 đồng/tấn so với cuối tháng 1 và tuần đầu tháng 2-2022. Các công ty Thép Hòa Phát Hưng Yên, Thép Việt Đức, hay Thép Vinausteel… cũng điều chỉnh giá bán thép cuộn xây dựng từ giữa tháng 2 vừa qua.
Theo các đại lý kinh doanh, giá thép khả năng còn tăng. Chị Trần Tuyết Mai, chủ cửa hàng VLXD trên đường Lê Đức Thọ (quận Gò Vấp), cho hay: “Dự báo tới đây có ít nhất 2-3 đợt tăng giá thép nữa, khoảng 1 triệu đồng/tấn. Việc tăng giá liên tục làm cho các cửa hàng thép như chúng tôi bị tác động rất nhiều”.
Chủ thầu và khách hàng gánh chịu
Trước mắt, nếu giá thép, giá nguyên vật liệu tăng trong khoảng thời gian ngắn và tăng nhẹ thì nhà thầu, chủ đầu tư (CĐT) vẫn xoay xở được. Song, về lâu dài, việc giá VLXD tăng cao sẽ khiến CĐT bị lỗ nặng, thậm chí nhiều CĐT có thể buông xuôi để mặc dự án “đắp chiếu”.
Phó Tổng Giám đốc Trần Anh Group Hà Văn Thiện cho biết, giá xi măng tăng cao, mà trước đó là sắt thép, khiến cho không chỉ CĐT, mà cả nhà thầu và khách hàng phải gánh chịu, bởi giá thành xây dựng sẽ tăng. Theo tính toán của ông Thiện, với một hợp đồng 100 tỷ đồng, nhân công chiếm 20%, chi phí khác chiếm 10% và VLXD chiếm 60%-70%. Khi giá sắt, thép, xi măng tăng “phi mã” như hiện nay, có thể khiến công trình bị đội lên 20%.
Cụ thể, một căn hộ dự toán trên giấy tờ (lý thuyết) bán ra 30 triệu đồng/m2, nhưng VLXD tăng giá, sẽ đẩy căn hộ chào bán ra thị trường đội lên là 36 triệu đồng/m2. Tùy CĐT, nếu họ chia sẻ với khách hàng, giá nhà chào bán ra sẽ tăng ở biên độ vừa phải (dưới 10%). Ngược lại, nếu CĐT không thể chia sẻ, giá căn hộ có thể đội lên đến 20% và khi đó khách hàng phải gánh chịu.
Việc tăng giá VLXD, cả bên CĐT và đơn vị thi công đã ký hợp đồng trọn gói sẽ hết sức căng thẳng. Với giá VLXD tăng chóng mặt như hiện nay, bên thi công tiếp tục làm sẽ bị lỗ, không làm thì bị phạt vi phạm hợp đồng. “Chúng tôi rất mong các cơ quan chức năng tham mưu cho các bộ, ngành để có những giải pháp hỗ trợ các doanh nghiệp”, ông Hà Văn Thiện kiến nghị.
Mới đây, Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) đã có văn bản kiến nghị Văn phòng Chính phủ có giải pháp tháo gỡ trước tình trạng giá thép xây dựng tăng đột biến. Theo Chủ tịch VACC Nguyễn Quốc Hiệp, thời điểm này, không chỉ các nhà thầu xây dựng “đau đầu” với bài toán VLXD tăng giá, mà các CĐT lớn cũng rơi vào tình huống nan giải khi đơn giá xây lắp bị đội lên cao so với dự toán ban đầu, ảnh hưởng đến tổng mức đầu tư.
Ngày công xây dựng cũng tăng Ông Phạm Thế Nam, nhà thầu xây dựng tại khu dân cư Lập Phúc mở rộng (xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè, TPHCM) cho biết, trước đây trả công nhật cho công nhân xây dựng là 450.000 đồng/ngày thì nay tăng lên 500.000 đồng/ngày. “Vì giá cả tăng nên phải điều chỉnh lương tăng theo để giữ chân công nhân xây dựng công trình”, ông Nam chia sẻ. Chuyên xây dựng nhà phố ở khu vực Nam Sài Gòn, ông Đặng Văn Thanh, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Phú An, cho biết, việc tăng giá VLXD phải tính từ đầu năm 2020, chỉ riêng sắt thép phục vụ cho việc ép cọc làm móng công trình đã tăng 70%. Lực lượng cán bộ, công nhân đều phải tăng lương, chẳng hạn lương bảo vệ trước đây là 5 triệu đồng/tháng thì nay tăng lên 7,5 triệu đồng/tháng, bao gồm cơm nước. Vật giá leo thang làm cho các công trình đang xây dựng phải giảm lợi nhuận sâu. Với tình hình này, các nhà thầu nhỏ lẻ rất khó cầm cự. “Cái lo lắng nhất là giá VLXD, lương công nhân tăng sẽ dẫn tới việc xây dựng co cụm, ít công trình nhưng bộ máy vẫn phải nuôi, dẫn đến công ty sẽ không gồng nổi”, ông Thanh chia sẻ. |
Theo sggp.org.vn