BÀI 2: Tăng tốc
BÀI 1: "Tắc" đường bộ lẫn đường thủy
Xác định hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, các tỉnh, thành Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã tập trung đầu tư, nhằm từng bước hoàn thiện.
Mỗi tỉnh, thành trong vùng ĐBSCL bắt đầu tăng tốc trong xây dựng hạ tầng giao thông, nhất là giao thông mang tính kết nối vùng.
1. Thực tế cho thấy, bên cạnh việc thiếu những dự án giao thông mang tính kết nối liên vùng, thời gian qua, hệ thống hạ tầng giao thông của các tỉnh, thành ĐBSCL vẫn còn nhiều bất cập, cần được tập trung đầu tư. Xác định tầm quan trọng đó, thời gian qua, các địa phương đã tập trung nhiều nguồn lực để từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông cấp tỉnh, huyện.
Nằm ở cửa ngõ ĐBSCL, tiếp giáp TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Long An có nhiều lợi thế trong thu hút đầu tư, đặc biệt là các lĩnh vực dịch vụ - công nghiệp. Long An còn đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối giữa khu vực Đông Nam bộ và Tây Nam bộ. Do đó, những năm qua, việc đầu tư hạ tầng giao thông, đặc biệt là những dự án kết nối với TP. Hồ Chí Minh luôn được địa phương quan tâm.
Theo Sở Giao thông Vận tải (GTVT) tỉnh Long An, từ nay đến năm 2025, tỉnh sẽ tiếp tục hoàn thiện một số dự án giao thông quan trọng như: Đường tỉnh 830 giai đoạn 2, đường vành đai TP. Tân An... Đồng thời, triển khai thực hiện nhiều dự án mới như: Đường tỉnh 830E, đường tỉnh 827E, đường tỉnh 823D, đường tỉnh 822B… Trong đó, Dự án Đường tỉnh 830E và Đường tỉnh 827E được xác định là 2 công trình giao thông trọng điểm, đóng vai trò rất quan trọng trong việc phát triển hạ tầng đô thị, kết nối giao thông, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Các tuyến đường này khi hình thành sẽ góp phần kết nối các khu, cụm công nghiệp quan trọng từ Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc… đến cảng Hiệp Phước - TP. Hồ Chí Minh, Cảng quốc tế Long An.
UBND tỉnh Tiền Giang vừa phê duyệt Dự án Đường tỉnh 864 với tổng mức đầu tư hơn 3.260 tỷ đông. |
Đối với tỉnh Vĩnh Long, hiện địa phương đã có 15 tuyến đường giao thông trọng yếu với tổng chiều dài trên 400 km; trong đó, có 5 tuyến quốc lộ đi qua, 10 tuyến tỉnh lộ. Hầu hết các tuyến đường này đã được đầu tư nâng cấp, mở rộng, đảm bảo cho các loại xe thông suốt. Năm 2021, Bộ GTVT tiếp tục khởi công đường cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ dài hơn 22 km, giai đoạn 1 của dự án sẽ hoàn thành năm 2023, tổng mức đầu tư hơn 4.800 tỷ đồng. Theo Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long, trong năm 2022, tỉnh đầu tư khoảng 450 tỷ đồng để phát triển hệ thống giao thông tại địa phương. Ngoài việc khởi công xây dựng dự án mới, Vĩnh Long sẽ tranh thủ các nguồn vốn để tiếp tục đầu tư sửa chữa, nâng cấp một số tuyến đường đang xuống cấp.
Còn theo UBND TP. Cần Thơ, hiện mạng lưới giao thông đường bộ, đường thủy của Cần Thơ cơ bản đã hoàn thiện. Tuy nhiên, với tốc độ phát triển nhanh như hiện nay thì TP. Cần Thơ sẽ tập trung các dự án giao thông quan trọng nhằm kết nối vùng và phát triển kinh tế. Trong giai đoạn 2021 - 2026, thành phố sẽ đầu tư nhiều tuyến giao thông quan trọng nhằm phát triển giao thông, đô thị Cần Thơ để kết nối vùng ĐBSCL. Nguồn vốn thực hiện một số dự án từ ngân sách Trung ương và địa phương. Trong các dự án, Dự án Đường vành đai phía Tây có chiều dài khoảng 19,4 km, với tổng số vốn đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng. Tuyến đường này có điểm đầu nối Quốc lộ 91 tại quận Ô Môn đi qua quận Bình Thủy, huyện Phong Điền, quận Ninh Kiều và quận Cái Răng nối với Quốc lộ 61C.
Theo Giám đốc Sở GTVT tỉnh Bến Tre Cao Minh Đức, Bộ GTVT vừa có thông báo kết luận của Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bến Tre và Vĩnh Long về dự án đầu tư xây dựng cầu Đình Khao thay thế phà Đình Khao hiện hữu trên Quốc lộ 57. Quốc lộ 57 là tuyến đường nối tỉnh Vĩnh Long - Bến Tre với chiều dài hơn 103 km, bắt đầu giao với Quốc lộ 53 (tỉnh Vĩnh Long) nối tỉnh Bến Tre bằng phà Đình Khao. Đây là trục đường giao thông quan trọng nối liền 2 tỉnh Bến Tre - Vĩnh Long và một số tỉnh miền Tây Nam bộ với Dự kiến cầu Đình Khao được xây dựng tại vị trí điểm đầu tại phía Vĩnh Long nằm trên Quốc lộ 53 (cách vòng xoay Đồng Quê khoảng 6,5 km, cách thị trấn Long Hồ khoảng 1,2 km), với tổng mức đầu tư 2.425 tỷ đồng; hình thức đầu tư PPP, trong đó vốn ngân sách 50% (tương đương với 1.212 tỷ đồng). Như vậy, khi cầu Đình Khao, cầu Rạch Miễu 2 hoàn thành sẽ kết hợp với tuyến Quốc lộ 53, Quốc lộ 57 và Quốc lộ 60 tạo thành mạng lưới giao thông hoàn chỉnh đảm bảo điều kiện đi lại, giảm ùn tắc trên tuyến tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trong vùng. |
2. Nằm trong bức tranh chung của ĐBSCL, thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng giao thông từng bước hoàn thiện. Trong nhiệm kỳ vừa qua, tỉnh đã triển khai các công trình giao thông trọng điểm mang tính động lực trong phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, tỉnh đã triển khai xây dựng 5 cây cầu gồm: Bình Xuân, Ngũ Hiệp, Vàm Trà Lọt, Long Hưng, Nguyễn Văn Tiếp.
Những công trình này tạo kết nối, đồng bộ trong mạng lưới giao thông của tỉnh, tạo điều kiện thúc đẩy kinh tế - xã hội các địa phương trong tỉnh. Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, tỉnh Tiền Giang tiếp tục xác định phải tập trung phát triển hạ tầng giao thông, đây là một trong các khâu đột phá của tỉnh xác định trong nhiệm kỳ. Theo đó, ngay từ đầu năm 2022, tỉnh đã triển khai khởi công đầu tư các dự án gồm: Đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; cầu Vàm Cái Thia và cầu bắc qua sông Mỹ Đức Đây. Các công trình này có tổng vốn đầu tư khoảng 300 tỷ đồng.
Cùng với sự nỗ lực của tỉnh Tiền Giang, các huyện, thị trong tỉnh cũng xác định đầu tư phát triển hạ tầng giao thông sẽ tạo nền tảng cho phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, các địa phương rất quyết tâm trong việc triển khai thực hiện. Hiện nay, huyện Gò Công Tây đang triển khai thực hiện Dự án Mở rộng đường huyện 18 (giai đoạn 2021 - 2023).
Theo Bí thư Huyện ủy Gò Công Tây Đinh Tấn Hoàng, việc triển khai mở rộng đường huyện 18 được địa phương kỳ vọng rất lớn để phát triển vùng phía Bắc Quốc lộ 50 của huyện. Đây là vùng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng rất mạnh, với diện tích thanh long khoảng 1.000 ha, diện tích rau màu rất lớn và một số nhà máy xay xát lúa - gạo. Với việc nâng cấp đường huyện 18 sẽ tạo đòn bẩy thúc đẩy quá trình phát triển thương mại, công nghiệp và các lĩnh vực khác trong khu vực.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông quan trọng, cấp thiết như: Đường tỉnh 864 (đường dọc sông Tiền); đường tỉnh 879B từ cầu Gò Cát đến tỉnh Long An; đường tỉnh 873 từ cầu Bình Xuân đến Quốc lộ 50; đường phát triển vùng Đồng Tháp Mười; đường giao thông 2 bên bờ sông Bảo Định; các đường tỉnh 861, 863, 869 (kết nối tỉnh Tiền Giang với tỉnh Đồng Tháp); đường tỉnh 877C và cầu qua kinh Chợ Gạo; cầu Vàm Cái Thia; đường giao thông phục vụ phát triển công nghiệp phía Đông…
Đồng thời, thực hiện trách nhiệm để tuyến cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hoàn thành đúng kế hoạch. Trong các dự án tỉnh sắp triển khai, Dự án đường tỉnh 864 là một trong những dự án trọng điểm, với tổng chiều dài tuyến hơn 111 km. Dự án được đầu tư với mục tiêu nhằm thúc đẩy liên kết giữa Tiền Giang và các tỉnh, thành phố trong khu vực ĐBSCL; đồng thời, kết nối 3 vùng kinh tế - đô thị của tỉnh, tạo nên sự thông suốt, đồng bộ và phát huy hơn nữa mạng lưới giao thông hiện hữu, thúc đẩy phát triển liên kết vùng.
THÁI AN - ANH THƯ
(Còn tiếp)