Bộ Tài chính: Chính sách tài khóa hỗ trợ kiểm soát lạm phát
Quý 1/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, đây là mức tăng vừa phải, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia trên thế giới đang chịu áp lực lớn vì lạm phát tăng cao. Ở góc độ vĩ mô, các chính sách cắt giảm thuế, phí và giãn thời gian nộp thuế đã góp phần kiểm soát lạm phát.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng: Ở góc độ vĩ mô, các chính sách cắt giảm thuế, phí và giãn thời gian nộp thuế đã góp phần kiểm soát lạm phát |
Đây là ý kiến của Thứ trưởng Bộ Tài chính Võ Thành Hưng khi trao đổi với báo chí về diễn biến và hiệu quả kiểm soát lạm phát của Việt Nam.
Lãnh đạo Bộ Tài chính cho rằng, từ đầu năm đến nay, giá cả thế giới tăng nhanh đã tác động lên thị trường Việt Nam; đánh giá "áp lực lên lạm phát là rất lớn nhưng chúng ta đã khá thành công".
Tại nhiều nước trên thế giới, lạm phát tăng cao. Cụ thể, lạm phát của Mỹ tháng 2 tăng 7,9% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ tháng 1/1982. Lạm phát tại Anh tháng 2 tăng 6,2%, mức cao nhất trong 30 năm qua. Các nước thuộc khu vực ASEAN đều có mức lạm phát tháng 2 cao hơn Việt Nam.
Để đạt kết quả kiểm soát lạm phát, có tác động từ điều chỉnh chính sách tài khóa, trong đó có điều chỉnh chính sách thuế. Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15, trong đó thực hiện giảm 2% thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT (trừ một số nhóm hàng); giảm nhiều loại thuế, phí trong đó có lệ phí trước bạ ô tô sản xuất trong nước; thực hiện giảm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với nhiên liệu bay góp phần tháo gỡ khó khăn cho ngành hàng không…
Ngoài ra, trước bối cảnh giá xăng dầu nhập khẩu tăng cao, để giảm bớt áp lực tăng giá trong nước, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định giảm 50% thuế BVMT đối với xăng dầu. Nhờ đó, góp phần trực tiếp làm giảm giá bán lẻ 2.200 đồng/lít đối với xăng; 1.100 đồng/lít đối với dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn… Ước tính, tổng số giảm các loại thuế, phí và lệ phí trong năm 2022 là khoảng 88.000 đến 90.000 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Võ Thành Hưng cho hay, Bộ Tài chính đang chuẩn bị trình Chính phủ thực hiện giãn thu một số loại thuế và tiền thuê đất, ước tính khoảng 135.000 tỷ đồng, trong thời gian từ 3-6-9 tháng. Như vậy, để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giảm chi phí vay, coi như đó là khoản hỗ trợ lãi suất 0% của Nhà nước cho các doanh nghiệp.
"Các yếu tố đó cộng hưởng vào sẽ giảm áp lực chi phí, giúp lạm phát được kiềm chế trong quý I/2022", lãnh đạo Bộ Tài chính nói.
Từ nay tới cuối năm, ông Võ Thành Hưng nhận định, để kiểm soát lạm phát theo mục tiêu Quốc hội đề ra, phải xử lý đồng thời cả 3 hướng. Đó là, giảm tác động đồng thời của chi phí đẩy; thúc đẩy cung hàng hóa; làm tốt công tác tuyên truyền vận động, tránh tác động tâm lý kỳ vọng.
Về tổng thể, Ban Chỉ đạo Điều hành giá đã họp và các bộ, cơ quan Trung ương cơ bản đã thống nhất từ nay đến cuối năm, tiếp tục theo dõi sát diễn biến thị trường từng mặt hàng, đặc biệt là các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, tác động lớn đến hàng hóa, từ đó có phương án, giải pháp điều hành phù hợp.
Thứ hai, chúng ta thực hiện thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh để tăng cung hàng hóa trong nước. Thứ ba, làm tốt công tác điều hành thị trường để vận hành cung cầu thông suốt, không bị tắc nghẽn.
Bên cạnh đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để người dân, doanh nghiệp hiểu, chia sẻ. Mọi người dân và doanh nghiệp cố gắng tiết kiệm chi phí, từ đó giảm thiểu tác động của giá thế giới tới thị trường trong nước.
Thứ trưởng Bộ Tài chính cho hay: chương trình hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội, ước tính giảm thu khoảng 64.000 tỷ đồng. Đó là đã tính đến trong trường hợp cần thiết, tăng bội chi và Quốc hội đã cho phép.
Ngoài ra, trong năm 2022 tiếp tục giảm thêm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) đối với xăng dầu; thực hiện giãn một số loại thuế, tiền thuê đất… Tất cả những giải pháp nêu trên tất nhiên là sẽ có tác động đến giảm thu ngân sách Nhà nước (NSNN).
"Tuy nhiên, chúng tôi cũng kỳ vọng trên cơ sở tăng trưởng của quý I/2022 là 5,03% và dự kiến có thể ở mức cao hơn trong các quý tiếp theo. Cùng với đó, nếu chúng ta kiềm chế được lạm phát thì dự kiến thu NSNN trong năm nay có thể đạt hoặc vượt so với kế hoạch", Thứ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ.
Trao đổi bên lề cuộc họp báo công bố Báo cáo Triển vọng kinh tế châu Á 2022 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) vừa qua, ông Nguyễn Minh Cường, chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB phân tích: Tác động của chi phí đến lạm phát của Việt Nam, đặc biệt là giá dầu chưa thực sự thể hiện rõ nét. Có lẽ khi giá dầu tiếp tục biến động, tác động chi phí đẩy đến lạm phát sẽ rõ ràng hơn. ADB dự báo lạm phát của Việt Nam sẽ tăng nhưng vẫn trong tầm kiểm soát dưới 4%.
Chính phủ Việt Nam đã có những biện pháp nhất định để hạn chế lạm phát. Dù chưa thể dùng công cụ tiền tệ để ứng phó lạm phát trong năm 2022, khả năng điều hành giá của Việt Nam vẫn còn tương đối linh hoạt, ví dụ như giảm thuế BVMT đối với xăng dầu. Trong suốt năm 2022, rủi ro lớn nhất đối với lạm phát vẫn là yếu tố bên ngoài. Sang năm 2023, khi kinh tế phục hồi và nhu cầu nội địa tăng lên, sức ép lạm phát sẽ bắt đầu đến từ tăng cầu.
(Theo chinhphu.vn)