Thứ Sáu, 29/04/2022, 17:01 (GMT+7)
.

Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 chỉ tăng 0,18% so với tháng trước ​

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 chỉ tăng nhẹ 0,18% so với tháng trước, sau khi CPI tháng 3 tăng tới 0,7%, khiến cho giới quan sát kinh tế lo ngại.

Như vậy, bình quân 4 tháng đầu năm 2022, CPI tăng 2,1% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,89% của 4 tháng đầu năm 2021, nhưng thấp hơn mức tăng của 4 tháng đầu năm  giai đoạn 2017-2020.

Cơ quan thống kê quốc gia cũng nhận định, trong tháng 4, hoạt động khởi sự kinh doanh khởi sắc mạnh mẽ. Số doanh nghiệp thành lập mới đạt cao nhất từ trước đến nay với 15.000 doanh nghiệp. Nếu tính cả số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động thì số doanh nghiệp tham gia thị trường trong tháng 4 gấp hơn 2 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 4 tháng đầu năm 2022, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2021; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 60,6% và số doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể giảm 17,5%.

Trong 4 tháng đầu năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 242,19 tỷ USD; tăng 16,1%; vận chuyển hàng hóa tăng 4,8%, luân chuyển hàng hóa tăng 12%; khách quốc tế đến nước ta tăng 184,7%. Riêng vận tải hành khách giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước, luân chuyển hành khách giảm 0,7%.

Về thị trường xuất, nhập khẩu hàng hóa 4 tháng đầu năm 2022, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 35,7 tỷ USD. Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch ước đạt 37,1 tỷ USD. Trong 4 tháng đầu năm 2022, xuất siêu sang EU ước đạt 10,4 tỷ USD, tăng 36,1% so với cùng kỳ năm trước; nhập siêu từ Trung Quốc 18 tỷ USD, tăng 2%; nhập siêu từ Hàn Quốc 15,2 tỷ USD, tăng 58,3%; nhập siêu từ ASEAN 5,8 tỷ USD, tăng 15,4%; nhập siêu từ Nhật Bản 790 triệu USD, tăng 57,7%.

Theo SGGPO

.
.
.