.

Dư địa của sầu riêng vẫn còn lớn

Cập nhật: 09:05, 08/04/2022 (GMT+7)

Vụ thu hoạch sầu riêng đã và đang bắt đầu, nhưng giá lại đang trên đà “lao dốc”, khiến nông dân “thắc thỏm” lo âu… Dù vậy, nhìn trong dài hạn, sầu riêng vẫn được xem là cây chủ lực để tập trung đầu tư nhờ tiềm năng phát triển còn rất lớn.

GIÁ GIẢM CHỈ NHẤT THỜI?

Những ngày này, người trồng sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy nói riêng, tỉnh Tiền Giang nói chung đang bước vào thời kỳ thu hoạch. Ghi nhận thực tế cho thấy, năm nay nhờ thời tiết thuận lợi, cộng với đầu tư chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật, bón phân cân đối... nên cây sầu riêng phục hồi phát triển tốt, cho năng suất cao.

Thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy.
Thu hoạch sầu riêng trên địa bàn huyện Cai Lậy.

Tuy nhiên, việc nhà vườn thu hoạch đồng loạt, kết hợp với việc xuất khẩu tiểu ngạch qua các nước láng giềng gặp nhiều khó khăn, thậm chí cửa khẩu phía Bắc tạm ngưng nhận hàng khiến giá sầu riêng đang trên đà giảm mạnh.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Minh Tâm (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy) chia sẻ, gia đình ông có gần 7 công sầu riêng Ri6, vừa thu hoạch được gần 1 tấn, thương lái mua xô chỉ với 40 ngàn đồng/kg. “Chỉ cách đây 3 tuần, tôi còn bán được xấp xỉ 100 ngàn đồng/kg, nay giá sầu riêng giảm nhanh quá”- ông Tâm chia sẻ.

Giá sầu riêng những ngày gần đây giảm khá sâu nhưng người trồng cũng còn có thể chấp nhận được. Theo ông Dương Văn Đầy, người trồng sầu riêng tại xã Ngũ Hiệp, mặc dù giá sầu riêng giảm liên tục, mất giá khoảng 50% so với cách đây vài tuần, nhưng với giá hiện nay người trồng cũng đã có lời, chỉ những ai đầu tư chi phí quá nhiều mới không có lãi.

“Nhiều vườn sầu riêng trên địa bàn thu hoạch đồng loạt nên giá bán ra không cao như trước đây, chỉ 45.000 đồng/kg (giá mua xô). Nhà tôi vừa thu hoạch xong 7 tấn sầu riêng Ri6, bán được trên 300 triệu đồng. Dự kiến vụ này chúng tôi thu hoạch khoảng 20 tấn sầu riêng Ri6 và Monthong, nếu mức giá vẫn giữ ổn định như hiện nay thì vụ sầu riêng năm nay nhà tôi thu về trên 1 tỷ đồng”- ông Đầy cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến giá sầu riêng ở mức thấp như hiện nay là do ảnh hưởng từ các cửa khẩu phía Bắc. Thương lái của vựa Huỳnh Sang thu mua trên địa bàn xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy) cho biết, hiện tại sầu riêng không qua được cửa khẩu, hàng nội địa ùn ứ, chỉ còn làm hàng lột múi nên giá khá thấp. Hiện nay, các kho trữ khá đầy, thương lái đang thu mua chậm để chờ xem tình hình thị trường như thế nào.

Trước thực tế hiện nay, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình cho biết, trên địa bàn huyện 15.032 ha cây ăn trái, trong đó có 10.050 ha sầu riêng, còn khoảng 10 ngày nữa là vào vụ thu hoạch rộ. Trước đây, sầu riêng có giá khá cao do nghịch vụ, số lượng thu hoạch không nhiều.

Tuy nhiên, từ ngày 15-3 đến nay, giá sầu riêng mua tại vườn (không phân loại) giảm 50% - 60% do sầu riêng đang vào vụ lại đụng với thị trường miền Đông, Thái Lan, Malaysia, với sản lượng lớn khiến giá giảm mạnh. Đồng thời, năm nay thời tiết thuận lợi, vườn sầu riêng khá say trái, kể cả các vườn ảnh hưởng hạn, mặn cũng đã trở lại.

TIỀM NĂNG CÒN LỚN

Có thể nói, huyện Cai Lậy được xem là “thủ phủ” về cây sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang. Hiện nay, địa phương nỗ lực tháo gỡ nhiều khó khăn cho người dân, cũng như “bài toán” đầu ra nông sản.

Bàn về chặng đường tới, đồng chí Trần Lý Ngự Bình cho biết, giải pháp hiện nay là cần phải nâng cao chất lượng sầu riêng (sản xuất đạt VietGAP, GlobalGAP…); lập mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói… để đáp ứng các yêu cầu của thị trường “khó tính”; đồng thời, kêu gọi các doanh nghiệp trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng cho chế biến, tồn trữ ở thời điểm khó tiêu thụ, sầu riêng giá thấp. Bên cạnh đó, các địa phương cần hỗ trợ doanh nghiệp trong xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường đầu ra.

Nhìn trên bức tranh tổng thể hơn, sầu riêng vẫn còn rất nhiều dư địa để phát triển. Nhờ đó, diện tích trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh tăng khá nhanh, từ 9.111 ha năm 2016 lên 14.510 ha năm 2020, với tốc độ tăng bình quân 12%/năm. Theo đó, năng suất bình quân của sầu riêng tăng qua các năm, từ 24,8 tấn/ha năm 2016 lên 30 tấn/ha năm 2020. Điều này kéo theo tổng sản lượng sầu riêng trên địa bàn tỉnh cũng ngày càng tăng, từ 202.300 tấn năm 2016 lên 230.360 tấn năm 2020, tốc độ tăng bình quân 3%/năm. Sầu riêng hiện đã vượt 58% về diện tích và 15% về sản lượng so với mục tiêu đến năm 2020.

Sầu riêng được xem là một trong những loại cây ăn trái mang lại lợi nhuận cao trong thời gian dài vừa qua. Thống kê của Sở NN-PTNT Tiền Giang cho thấy, thu nhập từ sầu riêng có biến động trong những năm gần đây, nhưng nhìn chung vẫn ở mức khá cao. Chẳng hạn, lợi nhuận cao nhất của sầu riêng mang lại là vào năm 2018, với mức hơn 936 triệu đồng/ha/năm.

Tuy nhiên, dưới tác động của nhiều yếu tố, trong đó có dịch bệnh Covid-19, lợi nhuận trung bình 1 ha sầu riêng năm 2020 đạt hơn 635 triệu đồng, nhưng vẫn cao gấp 11,9 lần so với lúa; 5,3 lần so với rau màu; 6,1 lần so với thanh long; 1,5 lần so với bưởi da xanh. Nếu sản xuất nghịch vụ, lợi nhuận còn cao gấp 1,7 lần so với sản xuất chính vụ. Chính vì vậy, trong các năm qua diện tích trồng sầu riêng không ngừng tăng lên. Đây cũng là loại cây trồng mang lại giá trị kinh tế cao hơn so với các loại trái cây khác của tỉnh.

Từ thực tế vừa qua và trên cơ sở tiềm năng, điểm mạnh sẵn có cũng như cơ hội và thách thức đặt ra của ngành hàng trái cây, trong đó có sầu riêng, theo định hướng của Sở NN-PTNT, trong thời gian tới, tỉnh tập trung phát triển các mặt hàng trái cây chủ lực: Rầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc, khóm, bưởi da xanh, sa pô và mít.

Trong đó, loại trái cây có nhiều cơ hội phát triển về diện tích và sản lượng do nhu cầu thị trường tiêu thụ lớn, hiệu quả kinh tế cao là sầu riêng. Các sản phẩm chủ lực khác chỉ tập trung duy trì ổn định diện tích, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, tạo sản phẩm chất lượng, an toàn, mẫu mã đẹp, hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm cao đáp ứng như cầu ngày càng khắt khe của thị trường.

Đối với sầu riêng, với lợi thế sẵn có về vùng chuyên canh sầu riêng, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất, thị trường tiềm năng cũng như những tồn tại hiện nay, lãnh đạo Sở NN-PTNT Tiền Giang cho biết, ngành Nông nghiệp sẽ tiếp tục hỗ trợ phục hồi và phát triển diện tích chuyên canh sầu riêng để cung cấp sản phẩm chất lượng, an toàn cho thị trường trong nước và nước ngoài, nhằm nâng cao giá trị gia tăng cho ngành Nông nghiệp, với mục tiêu cụ thể là đưa diện tích trồng sầu riêng của tỉnh đạt khoảng 17.280 ha, sản lượng 258.000 tấn. Theo đó, vùng trồng tập trung chủ yếu tại huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè, huyện Châu Thành và TX. Cai Lậy.

THÁI AN - HOÀNG LONG
 

.
.
.