Tháo "điểm nghẽn" để đánh thức tiềm năng
Dù thời gian qua, huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang có nhiều giải pháp thúc đẩy du lịch phát triển, nhưng hoạt động du lịch trên vùng “đất phèn” vẫn còn nhiều khó khăn. Chính quyền địa phương và các cấp ngành đang từng bước tháo gỡ để du lịch bứt phá.
CÒN NHIỀU “ĐIỂM NGHẼN”
Không chỉ có cây khóm, huyện Tân Phước giờ còn nhiều loại cây ăn trái khác, nên có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái vườn cây ăn trái. Đặc biệt, huyện có Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười với diện tích 107 ha, là nơi lưu giữ hệ sinh thái nguyên sinh của vùng Đồng Tháp Mười ngày xưa. Bên cạnh đó, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác (xã Thạnh Tân) nhiều năm qua đã trở thành điểm đến của hàng trăm ngàn lượt khách hành hương mỗi năm.
Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười là điểm đến nhiều tiềm năng của du lịch Tân Phước (ảnh chụp trước thời điểm dịch bùng phát). |
Những năm qua, huyện Tân Phước đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để khai thác và phát triển du lịch, với mô hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch tâm linh. Dù vậy, hoạt động khai thác du lịch trên địa bàn huyện Tân Phước đến nay vẫn chưa phát triển như mong muốn. “Điểm nghẽn” dễ nhìn thấy nhất của du lịch huyện Tân Phước trong thời gian qua là công tác tổ chức tour, tuyến du lịch. Các tour, tuyến chưa được thiết lập và kết nối chặt chẽ, hiệu quả; hiện chủ yếu là các đoàn tham quan, học tập của cơ quan nhà nước.
Các điểm tham quan, du lịch chưa kết nối được các công ty lữ hành để đưa khách đến tham quan, trải nghiệm và sử dụng dịch vụ tại huyện. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, hạ tầng phục vụ khách tham quan, nghỉ dưỡng còn hạn chế. Hiện trên địa bàn huyện chỉ với 17 cơ sở lưu trú với 176 phòng; nhưng đa phần cơ sở chưa đủ tiêu chuẩn để phục vụ khách du lịch.
Theo đánh giá của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Tiền Giang qua các chuyến khảo sát du lịch tại huyện Tân Phước, huyện cần thu hút đầu tư thêm nhà hàng, điểm dừng nghỉ để phục vụ du khách và chuyên nghiệp hóa hoạt động du lịch tại các điểm khai thác du lịch. Huyện cần xây dựng đề án cụ thể để đẩy mạnh phát triển du lịch gắn với hoạt động nông nghiệp; đồng thời, tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch huyện Tân Phước gắn với kết nối các sản phẩm du lịch khác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang… |
Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phước Phan Thanh Dũ cho biết: “Huyện hiện chỉ có 4 cơ sở đảm bảo tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch nhưng lại nằm rải rác và cách xa các điểm tham quan, du lịch.
Cùng với đó, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật, hệ thống nhà hàng, cơ sở mua sắm, vui chơi giải trí, dịch vụ du lịch... còn hạn chế, chưa đáp ứng được nhu cầu cho khách du lịch trong sử dụng dịch vụ, vui chơi, trải nghiệm”.
Một khó khăn khác đối với du lịch ở huyện Tân Phước là cầu, đường, bến xe, cầu tàu... chưa thực sự đồng bộ để khai thác tối ưu phục vụ nhu cầu vận chuyển khách du lịch đến tham quan.
TỪNG BƯỚC THÁO GỠ
Thời gian qua, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước đã triển khai nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn trong phát triển du lịch trên địa bàn huyện. Cụ thể, liên tục trong các năm từ 2020 - 2022, Huyện ủy, UBND huyện Tân Phước tổ chức các cuộc tiếp xúc, làm việc với các sở, ngành tỉnh và các doanh nghiệp kinh doanh du lịch.
Cùng với đó, huyện Tân Phước khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân mạnh dạn đầu tư vào các khu, điểm du lịch trên địa bàn huyện. Hiện nay, trên địa bàn huyện đang hình thành 2 điểm du lịch sinh thái do doanh nghiệp tư nhân đầu tư tại xã Thạnh Mỹ gồm loại hình du lịch sinh thái kết hợp du lịch tôn giáo, nghỉ dưỡng gia đình...
Bên cạnh đó, thời gian qua, hệ thống giao thông đường bộ và đường thủy của huyện Tân Phước từng bước được đầu tư nâng cấp, cải tạo gắn liền với tiến độ xây dựng nông thôn mới cũng như đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng của huyện.
Đến nay, hệ thống giao thông thủy, bộ trên địa bàn huyện đã tương đối đảm bảo phục vụ việc vận chuyển hành khách đến tham quan (kể cả xe 50 chỗ). “Thời gian qua, huyện đã chủ động đề xuất UBND tỉnh; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch đầu tư xem xét mở rộng, nâng cấp tuyến lộ 47 (đi qua Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười); đồng thời, nâng cấp bến xe và bến cầu tàu du lịch để phục vụ khách tham quan” - đồng chí Phan Thanh Dũ cho biết thêm.
UBND huyện Tân Phước vừa tổ chức các chuyến khảo sát với các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để giới thiệu tiềm năng của huyện. Qua đó, các doanh nghiệp, công ty lữ hành có nhiều ý kiến, giải pháp thiết thực như: Huyện cần tập trung phát triển di chuyển bằng thuyền để kết nối với các điểm tham quan và khai thác lợi thế sông nước; đồng thời, cần xác định phân khúc khách tham quan cụ thể và phù hợp với điều kiện du lịch của địa phương; chú trọng đào tạo hướng dẫn viên chuyên nghiệp mến khách. |
Tiếp theo đó, cuối năm 2021, Huyện ủy Tân Phước tổ chức Hội nghị triển khai phương án khai thác du lịch tại Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười.
Theo đó, UBND huyện Tân Phước đã có kế hoạch tiến hành nâng cấp, cải tạo để phục vụ khách du lịch theo hướng vừa khai thác du lịch, vừa bảo tồn hệ sinh thái.
Cụ thể, huyện Tân Phước sẽ tổ chức tour tham quan trải nghiệm kết nối các điểm tham quan từ Khu Bảo tồn sinh thái Đồng Tháp Mười, Thiền viện Trúc Lâm Chánh Giác, Khu du lịch sinh thái Trung Kiên (xã Thạnh Mỹ) và các cơ sở sản xuất kẹo khóm trên địa bàn huyện thành một chuỗi hành trình để phục vụ du khách.
Theo đồng chí Phan Thanh Dũ, định hướng trước mắt của huyện sẽ đẩy mạnh công tác phối hợp cùng các cơ quan, sở, ngành tỉnh, các doanh nghiệp du lịch, lữ hành để thiết lập được tour, tuyến du lịch đến huyện thật sự hiệu quả, chất lượng để làm điển hình và tạo tiền đề cho các hoạt động, dịch vụ kéo theo phát triển.
CAO THẮNG