.
Hiệp định EVFTA

Tăng sức bật cho thủy sản Việt Nam vào EU

Cập nhật: 09:29, 29/04/2022 (GMT+7)

 

a
Thủy sản Việt Nam nhiều cơ hội thâm nhập sâu thị trường EU.

Dịch bệnh đang dần được kiểm soát giúp nhu cầu nhập khẩu thủy sản tại EU dần tăng trở lại. Với dự báo nhu cầu vào khoảng 50 tỷ USD/năm, cộng với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) đã có hiệu lực, thủy sản Việt Nam có nhiều dư địa để tăng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.

Thủy sản Việt Nam khẳng định vị thế tại EU

Một trong những loại thủy sản Việt Nam được thị trường EU rất ưa thích thời gian gần đây là nghêu. Xuất khẩu nghêu sang thị trường EU đã có mức tăng trưởng mạnh nhất trong tất cả các loại thủy sản xuất khẩu sang EU năm 2021 với mức tăng 42% và trở thành loài thủy sản đứng thứ 4 về giá trị xuất khẩu sang thị trường rộng lớn này. Xuất khẩu nghêu sang 3 thị trường lớn nhất là Tây Ban Nha, Italia và Bồ Đào Nha đều tăng 38-44%.

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, năm 2021 thủy sản sang thị trường EU năm 2021 đạt hơn 1 tỷ USD, tăng 12%. Ngoài sản phẩm nghêu, xuất khẩu thủy sản sang hầu hết các nước thành viên EU đều tăng. Trong đó top 5 thị trường gồm Hà Lan, Đức, Bỉ, Italia và Pháp chiếm 72%. “Trong đó, Hiệp định EVFTA chính thức có hiệu lực từ ngày 1/8/2020 đã tạo ra nhiều cơ hội cho xuất khẩu thủy sản của Việt Nam vào thị trường EU nhờ hàng loạt cam kết ưu đãi thuế quan”, ông Trương Đình Hòe cho biết.

Cụ thể, nhờ EVFTA, có khoảng 220 số dòng thuế các sản phẩm thủy sản có thuế suất cơ sở từ 0-22%, số dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm về 0% theo lộ trình từ 3-7 năm. Cụ thể, thuế nhập khẩu tôm của Việt Nam được giảm về 0% trong thời gian từ 3-5 năm, so sánh với các nước khác, thuế tôm chân trắng của Thái Lan, Ecuador là 12%. Sản phẩm tôm đông lạnh của Việt Nam gần như không có đối thủ. Tương tự, thuế cá tra đông lạnh Việt Nam được EU giảm về 0% trong 3 năm, trong khi đó mức thuế của Indonesia là 5,5%, của Trung Quốc là 9%. Các loại thủy sản khác như hàu, sò điệp, bạch tuộc từ Việt Nam cũng được giảm thuế ngay về 0%...

Ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) thông tin thêm, 3 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng 40% so với năm 2021. Riêng thị trường EU sau 2 năm liên tiếp xuất khẩu giảm sút, 2 tháng đầu năm 2022, xuất khẩu cá tra sang EU đạt 28 triệu USD, tăng gần 76%, tôm xuất khẩu đạt 159 triệu USD, tăng 66% so với cùng kỳ năm 2021. Trong số đó, xuất khẩu đơn lẻ sang 3 thị trường chính là Hà Lan, Đức, Bỉ tăng lần lượt là 77%, 59% và 82%.

Có được kết quả này là do doanh nghiệp đã tận dụng khá tốt Hiệp định EVFTA. Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tôm sú Việt Nam có lợi thế cạnh tranh hơn cả nhờ các ưu đãi thuế quan từ Hiệp định EVFTA, sản phẩm tươi ngon, số lượng sản phẩm đạt chứng nhận ASC ngày càng nhiều.

Chia sẻ về tiềm năng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm thị trường Bắc Âu cho biết, hiện tại, Việt Nam không có đối thủ xuất khẩu cá tra sang Bắc Âu nhưng kim ngạch vẫn thấp do đây là thị trường nhỏ, địa lý xa xôi. Bởi vậy, đa phần đều nhập khẩu từ Việt Nam thông qua các thị trường khác như Hà Lan, Đức, Bỉ, Pháp. Đối với mặt hàng tôm, đây là thủy sản chủ lực của Việt Nam sang Bắc Âu và lớn thứ 2 sang EU.

Chú trọng nguồn gốc thực phẩm

Mặc dù, nhu cầu tiêu thụ thủy sản có xuất xứ từ Việt Nam đang tăng lên và giá bán tại thị trường EU cũng đang tăng, song theo ông Claus Nodrup, Trưởng ban Kinh doanh thủy sản đông lạnh Công ty I.Schroeder Hamrburg, xu hướng tiêu thụ cá tại châu Âu cũng yêu cầu các chứng nhận rất rõ ràng, minh bạch, trung thực và chính xác. Nếu gian lận thì hậu quả sẽ rất nghiêm khắc và ảnh hưởng lâu dài. Vì vậy, các doanh nghiệp hết sức chú ý để giữ vững uy tín.

Ngoài ra, hiện nay, tính bền vững của thủy sản cũng là một xu hướng đang phát triển ở châu Âu và đang dần được đưa vào các hệ thống quản lý trong tương lai. Điều này có nghĩa, theo thời gian, EU sẽ thắt chặt hơn việc sử dụng các tiêu chuẩn thực hành sản xuất có trách nhiệm với xã hội và môi trường đối với thủy sản nhập khẩu vào EU.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy lưu ý, dịch Covid-19 khiến người tiêu dùng chú trọng hơn đến sức khỏe và ngày càng quan tâm đến nguồn gốc thực phẩm. Do đó, các cơ chế bảo đảm về quy trình sản xuất và xuất xứ của thủy sản ngày càng trở nên quan trọng. Việc truy xuất nguồn gốc các sản phẩm thủy sản đang trở thành một cơ chế bảo đảm phổ biến trong ngành thủy sản và người mua ngày càng yêu cầu nhiều hơn.

Với sức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người lên đến 24,35 kg/người, quy mô thị trường lớn, có rất nhiều nước thúc đẩy xuất khẩu thủy sản vào EU, vì thế, Việt Nam sẽ phải cạnh tranh gay gắt với nhiều đối thủ khác. Vì vậy, để xuất khẩu sang thị trường Bắc Âu nói riêng, cũng như các thị trường EU nói chung đạt hiệu quả cao, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy khuyến nghị doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định bắt buộc của thị trường cũng như đáp ứng các nhu cầu bổ sung. Cùng đó, doanh nghiệp phải dán nhãn với các thông tin chính xác và xây dựng thương hiệu, kể chuyện về sản phẩm đi kèm với nghiên cứu phát triển sản phẩm theo xu hướng tiêu dùng.

Theo nhandan.vn

 

.
.
.