.

Mùa khô năm 2021 - 2022: Tiền Giang bảo vệ thành công sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt

Cập nhật: 10:18, 25/04/2022 (GMT+7)

Hạn, mặn mùa khô năm 2021 - 2022 không gay gắt như năm 2019 - 2020 cùng với sự chủ động triển khai các giải pháp, tỉnh Tiền Giang đã bảo vệ thành công hoạt động sản xuất nông nghiệp và nước sinh hoạt cho người dân.

CHỦ ĐỘNG TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), xâm nhập mặn mùa khô 2021 - 2022 trên địa bàn tỉnh đến sớm hơn trung bình nhiều năm. Do đó, rút kinh nghiệm từ mùa khô các năm trước, trong năm 2022, tỉnh đã chủ động triển khai các giải pháp để phòng, chống hạn, mặn.

Tỉnh triển khai nạo vét  nhiều tuyến kinh, rạch bị  bồi lắng để phòng, chống hạn, mặn trong năm 2022. 	Ảnh: PHƯƠNG ANH
Tỉnh triển khai nạo vét nhiều tuyến kinh, rạch bị bồi lắng để phòng, chống hạn, mặn trong năm 2022. Ảnh: PHƯƠNG ANH

Căn cứ vào dự báo của các cơ quan chuyên môn, UBND tỉnh đã ban hành Phương án 315 ngày 5-11-2021 về phòng, chống, ứng phó với hạn, xâm nhập mặn trong mùa khô năm 2021 - 2022. Từ kế hoạch trên, ngành Nông nghiệp đã đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phòng, chống hạn, mặn thường xuyên, liên tục ngay từ đầu mùa mặn, nhằm giúp người dân chủ động trong việc chuẩn bị ứng phó hạn, mặn.

Để bảo vệ sản xuất cho các huyện phía Đông, ngành Nông nghiệp tiếp tục triển khai thực hiện Đề án Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông. Theo đó, các địa phương tập trung vận động người dân cắt vụ lúa thu đông để “né” mặn.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến của xâm nhập mặn để tăng cường tích trữ nước ngọt trên các kinh, rạch nội đồng phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp; phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra công tác quản lý, duy trì thông thoáng lòng sông, kinh, rạch. Khi mặn xâm nhập sâu, ngành Nông nghiệp đã bố trí lực lượng công nhân thủy nông trực vận hành lấy gạn nước qua cống Xuân Hòa từ ngày 31-1 đến ngày 31-3. Từ ngày 1 đến nay, cống Xuân Hòa vận hành lấy nước ngọt trở lại bình thường.

Để đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân các huyện phía Đông, tỉnh đã triển khai Dự án Đầu tư xây dựng công trình mạng lưới đường ống cấp nước phía Đông và trạm bơm tăng áp Gò Công. Đến ngày 14-4, công trình đạt 39% khối lượng và dự kiến sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng trong năm 2022.

Năm 2022, do mặn trên sông Tiền không ảnh hưởng đến nguồn nước mặt của Nhà máy nước Đồng Tâm và Bình Đức nên 2 nhà máy nước hoạt động sản xuất bình thường. Bên cạnh đó, nguồn nước mặt trữ trong các vùng dự án duy trì ở mức cao, nên tình hình cấp nước của các trạm cấp nước trên địa bàn tỉnh hoạt động cấp nước bình thường, cung cấp đủ nước cho người dân sử dụng.

Trong mùa khô 2022, tỉnh đã mở 43/103 vòi nước công cộng tại huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông từ ngày 27-1 đến ngày 15-4 để cấp miễn phí cho người dân thuộc các xã vùng sâu, ngoài đê, các hộ sống phân tán chưa được sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung. Tổng sản lượng nước đã cấp được là 4.815 m3.

Đối với giải pháp công trình, bằng các nguồn vốn, trong năm 2021, tỉnh đã nạo vét 499 tuyến kinh, với chiều dài hơn 585 km, kinh phí 62,04 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2021 - 2022.

Trong năm 2022, Sở NN&PTNT, UBND các huyện, thị, thành tiếp tục triển khai nạo vét 82 tuyến kinh với chiều dài hơn 59 km, kinh phí trên 29 tỷ đồng và đầu tư, sửa chữa 23 cống, kinh phí 34,3 tỷ đồng để phục vụ cho công tác phòng, chống hạn, mặn trong mùa khô năm 2022 và các năm tiếp theo.

Những năm gần đây, mặn có xu hướng xâm nhập sâu và khó lường nên đã ảnh hưởng đến vùng sản xuất cây ăn trái các huyện phía Tây của tỉnh. Từ thực tế trên, trong mùa khô năm nay, tỉnh tiếp tục triển khai đắp đập thép ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành. Đồng thời, đang tập trung thi công 2 cống ngăn mặn (cống Rạch Gầm và Phú Phong) tại đầu các kinh, rạch ra sông Tiền trên đường tỉnh 864 để phục vụ công tác phòng, chống hạn, mặn, bảo vệ sản xuất.

PHÁT HUY HIỆU QUẢ

Theo đánh giá của lãnh đạo Sở NN&PTNT, do có sự chủ động trong công tác phòng, chống hạn, xâm nhập mặn và hạn, mặn năm nay chỉ ở mức xấp xỉ, thấp hơn năm 2016, nên tỉnh đã bảo vệ thành công hoạt động sản xuất nông nghiệp, đảm bảo đủ nước sinh hoạt cho người dân trong suốt mùa khô.

Đối với sản xuất nông nghiệp, vụ đông xuân năm 2021 - 2022, tỉnh đã bảo vệ thành công và cho thu hoạch 49.101 ha lúa. Diện tích xuống giống vụ lúa xuân hè là 24.711 ha, hiện trà lúa đang phát triển tốt. Đặc biệt, tổng diện tích cây ăn trái của toàn tỉnh là 82.776 ha đã được bảo vệ an toàn trong mùa hạn, mặn năm nay.

Theo Sở NN&PTNT, mặn năm 2021 - 2022 xâm nhập sớm hơn trung bình nhiều năm, nhưng trễ hơn so với cùng kỳ mùa khô năm 2020 - 2021 khoảng 47 ngày, năm 2019 - 2020 khoảng 70 ngày và 2015 - 2016 khoảng 34 ngày. Tuy nhiên, từ nửa cuối tháng 1-2022, do ảnh hưởng đợt gió Đông Bắc kết hợp triều cường đầu tháng 1 âm lịch nên mặn có xu hướng diễn biến phức tạp.

Từ ngày 29-1, độ mặn trên sông Tiền tăng cao, xâm nhập nhanh, lấn sâu vào nội đồng, độ mặn >1 g/l vượt qua cống Xuân Hòa đến vườn hoa Lạc Hồng, TP. Mỹ Tho (cách cửa sông 46 km). Điều này khiến cống Xuân Hòa phải chuyển sang vận hành lấy gạn từ ngày 31-1, trễ hơn 9 ngày so với cùng kỳ năm 2021.

Trên sông Tiền, tại cầu Xoài Hột (cách cửa sông 51 km), độ mặn cao nhất đo được là 0,15 g/l (ngày 3-3), thấp hơn 1,31 g/l so với năm 2021. Trên sông Hàm Luông (tỉnh Bến Tre), mặn không lấn sang sông Tiền nên không gây ảnh hưởng đến các huyện, thị phía Tây của tỉnh.

Đặc biệt, chủ trương cắt vụ, không sản xuất lúa thu đông tại các huyện phía Đông đã giúp cho việc bố trí lịch thời vụ được thuận lợi hơn, hoàn toàn chủ động được nguồn nước tưới để không làm ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Tính từ năm 2016 đến nay, vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đã chuyển đổi được 6.558 ha đất lúa sang trồng màu chuyên canh và cây ăn trái.

Cũng theo lãnh đạo Sở NN&PTNT, trong mùa khô năm nay, việc triển khai đắp đập ngăn mặn, trữ ngọt trên kinh Nguyễn Tấn Thành được thực hiện kịp thời. Do đó, nếu khi mặn cao và xâm nhập từ phía sông Tiền sâu vào nội đồng thì cũng không ảnh hưởng đến diện tích sản xuất và dân sinh.

TRỌNG ĐẠT - C. THẮNG

.
.
.