.

Nông dân nên duy trì diện tích thanh long hiện có

Cập nhật: 15:18, 14/04/2022 (GMT+7)

(ABO) Trước tình hình tiêu thụ thanh long gặp khó, nhiều nhà vườn phá bỏ, phát biểu tại Hội nghị sơ kết thực hiện Đề án Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025 (gọi tắt là Đề án) vào sáng 14-4, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Mẫn cho biết, nông dân nên duy trì diện tích thanh long hiện có.

Quang cảnh hội nghị.
Quang cảnh hội nghị.

Trong thời gian tới, để sản xuất bền vững cây thanh long trước hết phải tổ chức lại sản xuất. Nông dân phải tham gia vào hợp tác xã, nếu sản xuất manh mún, nhỏ lẻ thì tiêu thụ rất khó…

Cũng tại hội nghị, các ngành chuyên môn và các đơn vị thu mua đã tập trung đánh giá về khó khăn trong việc tiêu thụ thanh long hiện nay cũng như dư địa phát triển và giải pháp tháo gỡ khó khăn trong tiêu thụ…

Theo Sở NN&PTNT, tính đến cuối năm 2021, diện tích thanh long trong vùng Đề án đạt 9.472 ha (chiếm 97,5% diện tích thanh long toàn tỉnh), tăng 4.372 ha so với trước khi thực hiện Đề án.

Sản lượng đạt 236.889 tấn, tăng 127.240 tấn so với trước khi thực hiện Đề án. Tốc độ tăng trưởng diện tích trung bình là 13,2%/năm, cao hơn 3,2%/năm so với mục tiêu Đề án.

Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Văn Mẫn phát biểu tại hội nghị.

Năng suất bình quân đạt 31,4 tấn/ha, tăng 6,5% so với trước khi thực hiện Đề án. Năm 2019, nhà vườn trồng thanh long thu lợi nhuận 541 triệu đồng/ha, cao hơn trước khi thực hiện Đề án là 158,4 triệu đồng/ha.

Năm 2020, 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên giá thanh long xuống thấp do đó ảnh hưởng đến lợi nhuận của nông dân.

Nhìn chung, sau khi triển khai thực hiện Đề án, diện tích thanh long trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, góp phần thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng của tỉnh đề ra.

Qua các năm, tổng thu nhập bình quân của hộ trồng thanh long tăng, góp phần nâng cao thu nhập, đời sống cho người dân.

M. THÀNH

.
.
.