Ông Ngô Minh Tuấn thành công nhờ nuôi tôm công nghệ cao
Ngoài công nghiệp, du lịch, thủy sản là một trong những ngành góp phần không nhỏ trong việc cải thiện sinh kế của người dân trong vùng. Nhận thấy nuôi tôm truyền thống nhiều rủi ro, lợi nhuận không cao, ông Ngô Minh Tuấn (xã Phú Thạnh, huyện Tân Phú Đông, tỉnh Tiền Giang) đã đầu tư nuôi tôm công nghệ cao và mang lại hiệu quả cao.
Ông Tuấn kiểm tra kích cỡ tôm trong ao. |
Theo Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Ngô Minh Tuấn đạt hiệu quả, lợi nhuận rất cao. Hiện mô hình này đã được nhân rộng cho một số hộ dân địa phương. Tuy nhiên, khó khăn trong việc nhân rộng mô hình này là chi phí đầu tư ban đầu cao. Nuôi trồng thủy sản là lĩnh vực lợi thế của huyện. Năm 2021, diện tích thả giống thủy sản hơn 7.300 ha, đạt 102% kế hoạch, chủ yếu là con tôm. Sản lượng thu hoạch hơn 30.000 tấn, đạt 113%. Do đó, tới đây, địa phương sẽ tập trung phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao. |
Sau khi tốt nghiệp ngành kỹ sư thủy sản, Trường Đại học Nông lâm TP. Hồ Chí Minh, ông Tuấn bắt tay vào kinh doanh thức ăn, thuốc thủy sản và sản xuất cung cấp tôm giống. Khát vọng làm giàu chính trên những lợi thế của vùng đất Tân Phú Đông đã thôi thúc ông Tuấn đầu tư vào nuôi tôm công nghiệp theo kiểu truyền thống.
Thời gian đầu, do nguồn vốn còn hạn chế nên ông thuê khoảng 2 ha đất để nuôi tôm và từng bước mở rộng diện tích nuôi. Tuy nhiên, nhận thấy nuôi tôm công nghệ cao có triển vọng, ông Tuấn đã từng bước tìm hiểu quy trình nuôi để học tập. Năm 2015 là thời điểm đánh dấu bước chuyển trong nghề nuôi tôm của ông Tuấn. Ông đã mạnh dạn thuê đất để đào ao, đầu tư nuôi thử nghiệm mô hình này. Nhờ kiến thức, kỹ thuật học hỏi từ các chuyến học tập kinh nghiệm và các ngành chuyên môn, ông đã áp dụng vào quy trình nuôi tôm công nghệ cao của gia đình khá thành công. Sau khi sản lượng nuôi tăng lên, ông liên kết trực tiếp với Công ty cổ phần Chăn nuôi C.P Việt Nam từ việc cung cấp con giống đến thức ăn.
Theo ông Tuấn, nuôi tôm công nghệ cao không phụ thuộc vào mùa vụ, mỗi năm thả nuôi khoảng 4 vụ. Mỗi ha tôm công nghệ cao thu hoạch với sản lượng khoảng 45 - 50 tấn, cao hơn khoảng 2 lần so với nuôi truyền thống. Thành công nhất của mô hình này là tỷ lệ tôm sống đến khi thu hoạch đạt khoảng 90%. “Tôm kích cỡ càng lớn lãi càng cao. Hầu như các hộ nuôi tôm công nghệ cao đều thành công hơn nhiều so với những người nuôi truyền thống. Nuôi tôm công nghệ cao rất ít rủi ro. Nuôi theo kiểu truyền thống thì có khi thả xuống rồi không thu hoạch được gì” - ông Tuấn chia sẻ.
Sau thành công từ các vụ tôm công nghệ cao, ông Tuấn tích lũy được vốn mua thêm đất để mở rộng quy mô nuôi. Đến nay, ông Tuấn có 5 trang trại nuôi tôm công nghệ cao với khoảng 32 ha ở các xã Phú Thạnh, Phú Đông và Phú Tân. Từ mô hình này, ông đã nhân rộng ra khoảng 200 ao nuôi công nghệ cao trải bạt cho người dân trong tỉnh (huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông). Công ty của ông Tuấn sẽ cung cấp con giống, thức ăn, thuốc thủy sản. Đội ngũ kỹ sư của công ty sẽ hỗ trợ người dân xây dựng ao và kỹ thuật nuôi.
Theo thống kê, diện tích thả nuôi tôm khu vực ven biển của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 4.895 ha; trong đó, diện tích thả nuôi thâm canh 3.104 ha, sản lượng ước khoảng 19.850 tấn/năm. Trong đó, diện tích nuôi tôm theo mô hình 2 hoặc 3 giai đoạn là khoảng 292 ha/70 hộ (trong đó, diện tích ao nuôi chiếm từ 15% - 25%), tập trung chủ yếu tại 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông. Sản lượng thu hoạch từ mô hình này khoảng 2.000 tấn/năm (năng suất trung bình từ 40 - 50 tấn/ha), chiếm khoảng 10% sản lượng tôm toàn tỉnh. Bên cạnh đó, tổng diện tích nuôi nghêu của tỉnh khoảng 2.328 ha thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông) và xã Phú Tân (huyện Tân Phú Đông), với sản lượng thu hoạch khoảng 17.500 tấn/năm. Hiện tại, nghêu Tiền Giang chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa. Việc xây dựng vùng sản xuất nghêu theo tiêu chuẩn MSC phù hợp với xu hướng phát triển thủy sản bền vững, góp phần nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ngoài ra, khai thác thủy sản cũng không ngừng phát triển. Loại nghề khai thác phát triển mạnh nhất của tỉnh là lưới kéo và lưới vây kết hợp ánh sáng. Vừa qua, tỉnh đã đầu tư Dự án Khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá cửa sông Soài Rạp kết hợp bến cá Vàm Láng, với tổng mức đầu tư trên 157 tỷ đồng và đi vào hoạt động từ ngày 1-6-2020. |
Theo ông Tuấn, mô hình nuôi tôm công nghệ cao từng bước có sự cải tiến. Ban đầu nuôi là trải bạt quanh bờ ao, sau đó là trải bạt dưới đáy ao và sau đó là đầu tư mái che cho ao tôm. Hiện nay, mô hình nuôi tôm công nghệ cao hiện đại nhất mà ông Tuấn áp dụng là nuôi trong ao tròn, dưới đáy phủ bạt và bên trên có mái che.
Đối với mô hình này, trên 1 ao nuôi, ông dành khoảng 20% diện tích để xây các ao tôm, vách xung quanh bằng bê tông, đáy phủ bạt, che lưới; 80% diện tích đất còn lại là các ao xử lý nước đầu vào, đầu ra. Tính trung bình, mỗi ha nuôi tôm ông đầu tư khoảng 1,5 tỷ đồng cho quy trình nuôi này. Qua thu hoạch 2 vụ, mô hình này rất an toàn và hiệu quả.
Trong thời gian tới, công ty sẽ tiếp tục mở rộng thêm mô hình nuôi này. Bật mí về thành công trong việc nuôi tôm công nghệ cao, ông Tuấn cho biết: “Để thành công, yếu tố quan trọng là quy trình nuôi. Con giống phải tốt, phải nuôi bằng nước sạch và đủ điều kiện về ôxy. Người nuôi phải kiểm tra môi trường hằng ngày và quan trọng nhất là phải có kỹ thuật nuôi”.
Có thể nói, mô hình nuôi tôm công nghệ cao của ông Tuấn là mô hình nuôi trồng thủy sản thành công nhất trên địa bàn huyện Tân Phú Đông. Mô hình không chỉ giúp ông Tuấn vươn lên làm giàu, mà quan trọng hơn hết mô hình này đã được nhân rộng cho người dân trên địa bàn. Từ đó, nông dân có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, hạn chế rủi ro trong việc nuôi tôm. Theo ông Tuấn, thời gian tới, ông sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này và hỗ trợ nông dân địa phương áp dụng quy trình kỹ thuật, nhằm góp phần phát triển nghề nuôi trồng thủy sản hiện đại, bền vững tại huyện.
ANH PHƯƠNG - TRỌNG ĐẠT