Xã Phú Kiết: Những điển hình cựu chiến binh làm kinh tế giỏi
Xác định phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng đời sống, hội viên cựu chiến binh (CCB) xã Phú Kiết, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã hăng hái thi đua lao động sản xuất, phát triển các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện thực tế tại địa phương.
CCB Nguyễn Văn Thông đang chăm sóc đàn bò. |
Đến nay, xã Phú Kiết có tỷ lệ hộ hội viên CCB giàu đạt 42,5%; hộ CCB khá đạt 56% và trung bình đạt 1,5%, không còn hội viên CCB nghèo, khó khăn. Trong đó, có nhiều mô hình kinh tế từ trồng trọt, chăn nuôi đạt hiệu quả do hội viên CCB xã thực hiện. Qua đó, xuất hiện nhiều tấm gương CCB làm kinh tế giỏi, điển hình như CCB Nguyễn Văn Thông, ấp Phú Khương C, với nguồn thu nhập hằng năm 500 triệu đồng từ chăn nuôi bò sữa, bò thịt và trồng dừa Mã Lai.
CHỦ TỊCH HỘI CCB XÃ PHÚ KIẾT ĐOÀN CÔNG TRỰC
|
Ông Thông cho biết, năm 1981, sau khi hoàn thành nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia, xuất ngũ trở về địa phương, với thương tật 61%. Tuy nhiên, ông vẫn tích cực tham gia lao động sản xuất, ban đầu trồng lúa kém hiệu quả, ông mạnh dạn vay vốn 10 triệu đồng mua nuôi 2 con bò sinh sản.
Đến nay, ông Thông đã phát triển và duy trì đàn bò, gồm bò thịt và bò sữa là 30 con. Với bò sữa, mỗi ngày thu trung bình 100 kg sữa, với giá 14.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí, mỗi tháng ông thu lãi 30 triệu đồng.
Riêng bò thịt mỗi năm cũng cho gia đình ông Thông nguồn thu khoảng 100 triệu đồng. Vừa chăn nuôi bò thịt, bò sữa, vừa kết hợp trồng 5.000 m2 dừa Mã Lai đang cho thu nhập trung bình mỗi tháng từ 20 đến 30 triệu đồng, giúp cuộc sống gia đình ông Thông dần trở nên khá giả.
Một điển hình khác về CCB làm kinh tế giỏi ở xã Phú Kiết là ông Đỗ Quốc Tuấn, ấp Phú Khương C, với mô hình trồng dừa Mã Lai bán trái uống nước và bán dừa giống cho thu nhập 300 triệu đồng/năm. Cách đây 14 năm, ông Tuấn quyết định chọn mô hình trồng dừa Mã Lai uống nước, bởi theo ông tìm hiểu thì trồng dừa cho hiệu quả kinh tế cao, ít tốn công chăm sóc. Với 250 gốc dừa Mã Lai, sau gần 3 năm trồng, dừa bắt đầu cho trái.
Hiện nay, cứ khoảng 18 đến 21 ngày, thương lái đến tận vườn thu mua, sau khi trừ chi phí, mang lại cho ông Tuấn nguồn thu từ 20 đến 30 triệu đồng. Ngoài ra, ông Tuấn còn ương dừa Mã Lai giống cung ứng cho thị trường, với những lúc cao điểm ương đến 10.000 cây dừa Mã Lai giống, có giá bán khoảng 40.000 đồng/cây, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 25 triệu đồng/mỗi đợt xuất bán.
B.YÊN - A.KHƯƠNG